Thủ tục hành chính "đánh đố" doanh nghiệp, dư địa cho nhũng nhiễu
Một số thủ tục hành chính không có quy định nào về trình tự thực hiện, đây chính là dư địa lớn cho tình trạng nhũng nhiễu từ các cán bộ thực thi
Một số thủ tục hành chính không có quy định nào về trình tự thực hiện, đây chính là dư địa rất lớn cho tình trạng nhũng nhiễu từ các cán bộ thực thi.
Đó là thực tế nêu tại báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 được công bố tại hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 15/1.
Văn bản mới cũng bất cập
Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung lớn của báo cáo.
Theo đó, mặc dù đã có rất nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong các văn bản trước đây được cắt bỏ, cải thiện. Tuy nhiên, một nghịch lý là trong những văn bản ban hành mới trong năm nay, vẫn có khá nhiều điểm bất cập liên quan đến quy định của thủ tục hành chính. Điều này sẽ là thách thức không hề nhỏ trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính mà nhà nước đang thực hiện, VCCI khái quát.
Bên cạnh một số văn bản quy định các thủ tục phức tạp quá mức cần thiết, báo cáo còn nêu ví dụ về một số thủ tục hành chính "đánh đố" doanh nghiệp. Khi gặp các dạng quy định này, các doanh nghiệp không tài nào biết được cách thức thực hiện thủ tục và đây chính là dư địa rất lớn cho tình trạng nhũng nhiễu từ cán bộ thực thi.
Ví dụ, thủ tục hành chính trong trường hợp ngoại lệ khi cải tạo, nâng cấp công trình vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt tại nghị định số 56/2018 của Chính phủ ngày 16/4/2018 quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Điều 9 nghị định 56 quy định "khi cải tạo, nâng cấp công trình vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt, chủ đầu tư dự án phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thực hiện". Nhưng làm thế nào để được sự chấp thuận này thì nghị định 56 không quy định cũng không dẫn chiếu tới văn bản nào có quy định về vấn đề này.
Trở ngại không nhỏ
Thiếu vắng một trong những mốc thời gian trong thủ tục hành chính cũng là vấn đề được báo cáo đề cập.
Theo đó, trong một quy định về thủ tục hành chính thông thường sẽ bao gồm quy định về các khoảng thời gian tối đa cho các trường hợp sau: thời điểm nộp hồ sơ → xem xét tính hợp lệ của hồ sơ → thẩm định hồ sơ → trả lời. Việc quy định rõ các thời hạn này sẽ giúp cho các đối tượng thực hiện thủ tục nhận biết được thời gian cũng như giám sát việc thực thi của các cán bộ nhà nước. Do tính tuần tự về thời gian, chỉ cần một khoảng thời gian nào đó không được quy định trong chuỗi này có thể dẫn tới việc kéo dài, trì hoãn toàn bộ thủ tục.
Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều thủ tục ban hành năm 2018 lại không thực sự đầy đủ các thời hạn trên, thường xuyên nhất là thiếu khoảng thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Đây là một khoảng thời gian tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng. Bởi thời gian thẩm định hồ sơ và ra quyết định đều dựa vào thời điểm "nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ" chứ không phải là thời điểm "nhận hồ sơ".
Sự thiếu vắng này sẽ dẫn tới hậu quả: doanh nghiệp sẽ phải thực hiện việc bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần để thỏa mãn "tính hợp lệ" của hồ sơ, cán bộ thực thi cũng dựa vào đó để yêu cầu nhiều lần việc bổ sung, chỉnh sửa. Chính điều này sẽ khiến cho thủ tục hành chính bị kéo dài và doanh nghiệp sẽ bị "hành" rất nhiều.
Ví dụ, trong trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí quy định tại Nghị định 87 của Chính phủ ngày 15/6/2018 về kinh doanh khí, thương nhân đáp ứng các điều kiện phải gửi 1 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp thương nhân chưa đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có văn bản yêu cầu bổ sung. Nghị định 87 không có quy định về thời hạn mà cơ quan nhà nước xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Điều này có thể khiến cho thủ tục cấp phép bị kéo dài.
Hạn chế tiếp theo được báo cáo chỉ ra là tiêu chí để cơ quan nhà nước xem xét giải quyết thủ tục hành chính còn mơ hồ.
Việc định ra tiêu chí rõ ràng sẽ đảm bảo tính minh bạch của thủ tục hành chính hạn chế sự tùy nghi của các cán bộ thực thi. Tuy nhiên, một số thủ tục hành chính ban hành trong năm 2018 vẫn chưa đảm bảo được tiêu chí minh bạch này.
Ví dụ: theo Nghị định 108/2018, thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trong 3 trường hợp được liệt kê. Nghị định cũng yêu cầu phòng đăng ký kinh doanh trước hết phải thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của phòng để giải trình. Chỉ khi người được yêu cầu không đến hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận thì phòng Đăng ký kinh doanh mới được ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Vấn đề bất cập là ở chỗ Nghị định 108 không có quy định về những nội dung phải giải trình, những căn cứ/tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận/từ chối nội dung giải trình. Chính điều này gây ra sự khó khăn trong thực tế áp dụng và tạo ra sự tùy nghi trong giải quyết của các cán bộ thực thi.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, những điểm vướng mắc liên quan đến các quy định về thủ tục hành chính trong các văn bản mới ban hành trong năm 2018 được chỉ ra ở trên cho thấy điểm bất cập trong chính tư duy của các nhà soạn chính sách. Đây sẽ là trở ngại không hề nhỏ trên con đường cải cách.