10:43 14/07/2010

Thủ tướng đình chỉ chức vụ Chủ tịch Vinashin

Nguyễn Vũ

Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định đình chỉ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin đối với ông Phạm Thanh Bình

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin Phạm Thanh Bình.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin Phạm Thanh Bình.
Chiều 13/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra quyết định đình chỉ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đối với ông Phạm Thanh Bình.

Thông tin này được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hôm nay (14/7). Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, lý do đình chỉ chức vụ của ông Phạm Thanh Bình là để kiểm điểm trách nhiệm và thanh tra, điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định phân công ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin. Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 5/2007, ông Trường nguyên là ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 32, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với ông Phạm Thanh Bình.

Kết quả kiểm tra cho thấy, ông Bình đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại Vinashin, gây hậu quả nghiêm trọng khiến tập đoàn này đứng bên bờ vực phá sản.

Trong những năm qua Vinashin đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con (gần 200) không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Vinashin cũng vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán. Bộ máy quản lý vốn Nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc tập đoàn thiếu năng lực.

Ông Bình còn bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước.

Tiếp đó, ngày 12/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có văn bản thông báo về việc tiếp tục xem xét, xử lý đối ông Phạm Thanh Bình. Theo đó, do những khuyết điểm của ông Phạm Thanh Bình và một số cá nhân của Tập đoàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định tại khoản 1, Điều 32, Quyết định số 25-QĐ/TW, ngày 24/11/2006 của Bộ Chính trị nêu rõ: "Nếu đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý bằng pháp luật thì chuyển cơ quan pháp luật xem xét".

Cũng trong ngày 14/7, bài viết nhan đề "Vinashin, những bài học về kinh tế và quản lý" đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ có đoạn: "Từ trường hợp Vinashin, nên coi đây như một bài học kinh nghiệm đối với các tập đoàn, tổng công ty, lực lượng then chốt của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị này".

Bài viết nhắc lại thông tin vào tháng 2/2010, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về chương trình hành động nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước, và nhấn mạnh: "Sau câu chuyện của Vinashin, có lẽ, hơn bao giờ hết, chương trình hành động cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ".

"Ở đây cũng còn bài học là việc thông tin  cần khách quan, đúng bản chất sự việc, tránh suy diễn khi vụ việc đang trong quá trình thanh tra, điều tra chưa đi đến kết luận cuối cùng. Việc thông tin phải hướng tới mục đích làm sao giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp tục duy trì và giữ vững sản xuất", bài viết trên đưa ra kết luận.