21:51 04/11/2021

Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam

Tiến Dũng

Sáng 4/11 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Pháp và chứng kiến Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu...

Thủ tướng phát biểu tại sự kiện - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng phát biểu tại sự kiện - Ảnh: TTXVN

Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam và đông đảo doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp.

MỐI QUAN HỆ ĐẦY "DUYÊN NỢ" VIỆT - PHÁP

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng vì cảm nhận được tình cảm ấm áp, gắn bó, tin tưởng lẫn nhau giữa các đại biểu, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp trong hợp tác của các doanh nghiệp và Chính phủ hai nước, trong đó có 29 thỏa thuận hợp tác vừa được ký trao với giá trị hàng tỷ USD.  Các thỏa thuận hợp tác đều hết sức thuyết phục và khả thi, đúng hướng trên nhiều lĩnh vực như y tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để hợp tác sâu rộng hơn trên các lĩnh vực. Trong đó cả việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Pháp và các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào Việt Nam, tương xứng với tiềm năng thế mạnh giữa hai nước; phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển hiện nay.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính, đầu tư mà hỗ trợ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính; cung cấp nguồn tài chính xanh; công nghệ xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học quản trị quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, quan hệ Việt Nam và Pháp là quan hệ có tính “duyên nợ”, sâu sắc, toàn diện, truyền thống, có nền tảng lâu năm, từ những thế kỷ trước. Ngay như chữ viết của Việt Nam hiện nay cũng bắt nguồn từ người Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh khi rời Việt Nam tìm đường cứu nước cũng đi con tàu của Pháp và có thời gian hoạt động lâu nhất ở Pháp. Một trong những Hiệp định mang lại hòa bình cho Việt Nam là hiệp định được ký kết tại Paris.

Thủ tướng cho biết quan hệ Việt Nam và Pháp là quan hệ có tính “duyên nợ”, sâu sắc, toàn diện, truyền thống, có nền tảng lâu năm, từ những thế kỷ trước - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng cho biết quan hệ Việt Nam và Pháp là quan hệ có tính “duyên nợ”, sâu sắc, toàn diện, truyền thống, có nền tảng lâu năm, từ những thế kỷ trước - Ảnh: TTXVN

Trải qua thời kỳ chiến tranh, hai nước Việt Nam, Pháp đã vượt qua tất cả, không định kiến với quá khứ để hướng đến tương lai. Trong quá trình phát triển, quan hệ Việt Nam-Pháp gắn bó, là nhu cầu khách quan. Hiện nay, quan hệ hợp tác 2 nước đã và đang thúc đẩy phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục... góp phần thúc đẩy phát triển của mỗi nước.

Hai nước ngày càng gắn kết, phát triển; lòng tin chính trị ngày càng được củng cố, tăng cường, phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam là: Độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá; đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; cái gì có lợi cho hòa bình, phát triển là Việt Nam tham gia một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ NHÀ ĐẦU TƯ QUAN TÂM

Thủ tướng cho biết, hiện nay Việt Nam đã và đang quyết tâm xây dựng đất nước của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo kinh tế đơn thuần; phát triển nhanh, nhưng phải bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, Việt Nam xác định con người là nền tảng. Do đó, tiềm năng lớn trong hợp tác, đầu tư vào Việt Nam không chỉ do có môi trường đầu tư thuận lợi, mà có con người thông minh, năng động, sáng tạo, thân thiện.

Những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm như cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực... đang được Việt Nam tập trung giải quyết. Đó cũng là các nội dung trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định, để phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thủ tướng cho biết, dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng và nguy hiểm khiến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Khi bắt đầu ứng phó với dịch, Việt Nam phải áp dụng biện pháp hành chính, nhưng khi đã có giải pháp, công thức phòng và có khả năng ứng phó tốt hơn với dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, Việt Nam đang thực hiện mở cửa từng bước, dựa trên nền tảng cơ bản về kinh tế vĩ mô, xã hội... và đạt kết quả bước đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận, mặc dù vậy, Việt Nam cũng còn không ít khó khăn, thách thức như: Ứng phó trước các cạnh tranh chiến lược; là nước đang phát triển nên còn nhiều khó khăn; vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường; nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, dịch bệnh...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam và Pháp đã chứng kiến Lễ trao 29 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam và Pháp đã chứng kiến Lễ trao 29 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu - Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, Thủ tướng tin tưởng với “duyên nợ” lâu năm và lòng tin chiến lược; trên tinh thần ủng hộ hòa bình, phát triển, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”,  người dân, doanh nghiệp hai nước đoàn kết, hợp tác thực chất, hiệu quả, góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển.

Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam và Pháp đã chứng kiến Lễ trao 29 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, xây dựng, quy hoạch, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Cũng trong sáng 4/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các buổi tiếp, làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hàng đầu của Pháp...

Tại cuộc gặp với Thủ tướng, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Total Patrick Pouyanne cho biết, tập đoàn rất quan tâm thị trường Việt Nam với nhu cầu năng lượng sẽ gia tăng song song với quá trình phát triển. Ông bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác về các dự án năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Total sau 30 năm đầu tư vào Việt Nam với nhiều kinh nghiệm và sự hiểu biết về Việt Nam, đề nghị Total tiếp tục mở rộng đầu tư những năm tới đây trong các lĩnh vực thế mạnh, bảo đảm hiệu quả cho cả hai bên, trong đó lưu ý đáp ứng kịp thời những chuyển đổi trong xu thế sử dụng năng lượng phát triển bền vững của Việt Nam.  

Thủ tướng tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Total Patrick Pouyanne - Ảnh: VGP
Thủ tướng tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Total Patrick Pouyanne - Ảnh: VGP

Thủ tướng cho biết, Việt Nam mong muốn nhận được góp ý của Total và các nhà đầu tư khác về mặt chính sách, quy hoạch... Việt Nam có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư phối hợp với các đối tác Việt Nam để nâng cao năng lực tài chính, công nghệ, năng lực quản trị...

Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục có các cuộc làm việc để lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. 

Tiếp đó, tại buổi ăn sáng làm việc với Chủ tịch Eurocham tại Việt Nam Alain Cany và lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Pháp, Thủ tướng và lãnh đạo các doanh nghiệp đã trao đổi trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn về những cơ hội và quá trình hoạt động tại Việt Nam trên các lĩnh vực như giao thông vận tải, logistics, năng lượng, công nghệ cao, tự động hóa, chuyển đổi số...

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp triển khai các hoạt động hợp tác, đầu tư tại Việt Nam và góp ý chính sách với Chính phủ Việt Nam trên tinh thần “cùng thắng” (win-win) và đặc biệt là phù hợp xu thế phát triển bền vững, giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

Thủ tướng thông tin tới các nhà đầu tư về những định hướng lớn trong 3 khâu đột phá chiến lược: Thể chế, nhân lực, hạ tầng; nhất là hạ tầng chiến lược mà Việt Nam đang tập trung thực hiện; đồng thời chia sẻ về lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại nền kinh tế an toàn; cơ hội đầu tư tại Việt Nam từ khả năng tiếp cận với thị trường 100 triệu người và 17 FTA đã ký kết với 60 quốc gia là những nền kinh tế lớn trên thế giới.

Cũng tại buổi làm việc, các bộ trưởng tháp tùng Thủ tướng đã giải đáp nhiều vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm, thông tin thêm về môi trường và các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

 
Cũng trong sáng ngày 4/11 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand.
Tại buổi hội kiến, Thủ tướng đề nghị Quốc hội Pháp phối hợp với Chính phủ Pháp triển khai hiệu quả Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) và ủng hộ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), nhằm tối đa hóa tiềm nặng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Pháp và các nước EU; đồng thời ủng hộ Việt Nam trong việc thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cánh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong thời gian Pháp đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch EU vào tháng 1/2022 tới đây.