Thủ tướng Malaysia kêu gọi xem xét lại hiệp định CPTPP
Ông Mahathir Mohamad cho rằng các nền kinh tế nhỏ hơn như Malaysia đang gặp bất lợi khi tham gia CPTPP
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei vào ngày 9/6, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi xem xét lại Hiệp định Toàn diện và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương(CPTPP), cho rằng các điều khoản hiện tại gây bất lợi cho những nền kinh tế nhỏ như Malaysia.
Ông Mahathir Mohamad cho rằng CPTPP nên được cân nhắc lại về trình độ phát triển của các quốc gia thành viên.
"Các nền kinh tế nhỏ và yếu hơn phải có cơ hội để bảo vệ sản phẩm của mình", ông Mahathir nói với tờ Nikkei.
Động thái này của tân thủ tướng Malaysia được xem là bất ngờ đối với hiệp định thương mại với 11 thành viên vừa được ký kết vào ngày 9/3 vừa qua sau thời gian thỏa thuận đầy khó khăn khi Mỹ tuyên bố rút khỏi.
CPTPP là thỏa thuận về việc giảm thuế qua tại 11 quốc gia với tổng GDP là 10 nghìn tỷ USD, chiếm tới 13% GDP toàn cầu. Nếu còn Mỹ tham gia, con số này lên tới 40%.
Ông Mahathir không phủ nhận ý nghĩa của hiệp định này và cũng không nói về việc Malaysia có cân nhắc rời khỏi hiệp định hay không, Nikkei cho biết.
Tuy nhiên, theo tờ Straist Times, việc xem xét hay rút khỏi của Malaysia sẽ không làm ảnh hưởng tới CPTPP bởi đã có một điều khoản an toàn đảm bảo hiệp định này vẫn có hiệu lực khi nó được phê chuẩn bởi ít nhất 6 quốc gia thành viên.
Ông Mahathir, 92 tuổi, vừa trở thành thủ tướng của Malaysia vào tháng trước với cam kết sẽ dẹp nạn tham nhũng vào giảm chi phí sinh hoạt của người dân.
Kể từ sau khi nhậm chức, ông Mahathir đã lập tức cho rà soát lại nhiều dự án và thỏa thuận được ký bởi chính phủ tiền nhiệm. Ông đã hủy bỏ dự án xây dựng đường cao tốc nối với Singapore và đang xem xét lại dự án đường sắt trị giá 14 tỷ USD do các công ty của Trung Quốc xây dựng.
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, ông Mahathir tuyên bố chính phủ của ông "phải xem xét lại tất cả các thỏa thuận" do chính phủ tiền nhiệm ký kết, bao gồm thỏa thuận về cơ sở hạ tầng, an ninh và thương mại.
Ông Mahathir cho biết Malaysia sẽ xem xét lại Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) - văn kiện được ký kết bởi Trung Quốc với các nước ASEAN và nhấn mạnh rằng nước này không muốn sự hiện diện của tàu chiến trên Biển Đông và eo biển Malacca.