20:07 08/02/2022

Thủ tướng mong chờ gì ở ngành ngân hàng trong năm 2022?

Tại buổi gặp mặt đầu xuân, Thủ tướng đề ra một loạt yêu cầu đối với ngành ngân hàng, trong đó, kiểm soát rủi ro, giảm lãi suất, hướng dòng vốn tín dụng đến đúng mục đích được coi là nhiệm vụ trọng tâm...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp mặt khai xuân ngành ngân hàng
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp mặt khai xuân ngành ngân hàng

Chiều 8/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc với ngành ngân hàng. 

Phát biểu tại buổi gặp mặt khai xuân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế từ suy giảm 6,17% trong quý 3/2021 đã tăng trở lại 5,22% trong quý 4/2021 và đưa GDP cả năm 2021 đạt mức tăng 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 1,84%, kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục với gần 670 tỷ USD...

Thủ tướng đánh giá, những thành tựu và kết quả đạt được nói trên có sự đóng góp trực tiếp và quan trọng của ngành ngân hàng, một trong những ngành quan trọng, huyết mạch của nền kinh tế.

"Hoạt động của ngành ngân hàng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; phục vụ, bảo đảm cho các hoạt động, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân; góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ, trong năm qua ngành ngân hàng đã tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, đặc biệt chủ động nắm bắt xu thế, dự báo để ban hành những chính sách phù hợp; rà soát những vấn đề còn bất cập và có sự điều chỉnh kịp thời; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số và mang lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nhưng ngành ngân hàng đã có kịch bản và phương án xử lý nợ xấu hiệu quả, trong đó có phương án trích lập dự phòng rủi ro chủ động để đảm bảo an toàn hoạt động do tác động của nợ xấu tăng lên.

Cùng đó, ngành ngân hàng đã chú trọng xử lý quyết liệt, mạnh mẽ hơn đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, phấn đấu trong thời gian tới xử lý được 2 tổ chức tín dụng yếu kém. Đây là việc phức tạp, đòi hỏi quyết tâm cao và nỗ lực lớn và việc xử lý phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ người gửi tiền và ổn định hệ thống.

Cũng theo Thủ tướng, năm 2022 mặc dù có một số thuận lợi nhưng vẫn còn đó không ít khó khăn; thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi; bởi vậy, toàn ngành phải chuẩn bị tâm thế, giải pháp phù hợp.

Theo đó, thứ nhất, Thủ tướng đề nghị, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành ngân hàng phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

"Đã đổi mới phải tiếp tục đổi mới, đã tiên phong phải tiếp tục tiên phong, ngành ngân hàng có hoạt động tốt thì nền kinh tế mới hoạt động tốt. Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và sự ấm no, hạnh phúc của người dân để chúng ta làm việc. Làm sao để mọi người dân, mọi doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động của ngành ngân hàng", Thủ tướng yêu cầu.

Thứ hai, ngành ngân hàng phải tiếp tục góp phần quan trọng, đắc lực cho việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phục vụ hoạt động thông suốt của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, phục vụ hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chương trình tổng thể phòng chống dịch, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nguồn vốn ngân hàng để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, phải tập trung làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo, phân tích, bám sát tình hình, có giải pháp phù hợp, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, đây là vấn đề hết sức chiến lược mà ngành ngân hàng phải làm tốt thì Đảng, Nhà nước, nhân dân mới có thể yên tâm.

Thứ tư, Thủ tướng cũng lưu ý một số nhiệm vụ như tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên…

Triển khai quyết liệt, hiệu quả việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu… Không để những yếu kém nhỏ tích tụ lại thành yếu kém, sai phạm lớn.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng để tránh rủi ro hệ thống; tăng cường quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp...