08:19 15/01/2023

Thủ tướng: Nhà đầu tư luôn băn khoăn về nguồn lao động khi vào Việt Nam

Phúc Minh

Nhiều lần làm việc với các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh hạ tầng, vấn đề khiến các nhà đầu tư luôn băn khoăn là nguồn lao động có đáp ứng yêu cầu. Do đó, Thủ tướng lưu ý, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là các ngành nghề liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ cao...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh - Tống Giáp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh - Tống Giáp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sáng 14/1.

CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, những kết quả đạt được của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong năm 2022 là rất toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo.

Trước hết, về chỉ tiêu tăng năng suất lao động theo Thủ tướng là vẫn chưa đạt được, trong đó có trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – cơ quan lo về nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề này cũng còn phụ thuộc vào nhiều ngành nghề, địa phương, hơn nữa công tác giáo dục phổ thông, phân luồng, đào tạo nghề phải tốt, đảm bảo hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, y tế giáo dục tốt mới có được năng suất lao động cao.

Đối với thị trường lao động, Thủ tướng cho rằng phát triển cũng chưa đồng đều, bền vững, cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Các chính sách xã hội còn thiếu tính liên kết, chưa bao trùm tất cả các đối tượng. Bên cạnh đó, chênh lệch mức sống vùng miền, giữa các nhóm đối tượng với nhau còn lớn, mức độ trợ cấp xã hội còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân.

Việc tổ chức triển khai các chính sách xã hội cũng còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, đồng đều giữa các vùng miền; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại một số địa phương cũng còn chậm…

Về nhiệm vụ của năm 2023, Thủ tướng nêu rõ cần xác định năm nay là năm hết sức khó khăn, vì vậy, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, đổi mới khoa học công nghệ, chiếm lĩnh các thị trường mới để khắc phục những khó khăn, thách thức trong năm 2023.

Thị trường lao động thời gian qua cũng bị tác động rất rõ, nhất là khi sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, các thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp đã gây tác động đến thị trường lao động.

Thủ tướng nhấn mạnh đến tinh thần bình tĩnh, kiên định, trong công tác điều hành, đó là bài học để vượt qua thời điểm khó khăn trong tháng 10, 11/2022 vừa qua. Từ đó, Thủ tướng nêu rõ phương châm hành động năm 2023 là “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời hiệu quả” đã được đề ra tại Nghị quyết 01 mới ban hành của Chính phủ.

Trước những bối cảnh đó, Thủ tướng cho rằng, với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, nhiệm vụ trong năm 2023 càng ngày càng nhiều lên. “Tinh thần là phải có quyết tâm lớn, trước hết tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt khoát việc đó, tinh thần chung chỉ đạo với Bộ là như vậy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Đối với quan điểm chỉ đạo, điều hành trong năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, ngành cần tiếp tục làm tốt hơn nữa, lan tỏa tinh thần trách nhiệm nhân ái cao cả; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và an sinh xã hội, không để ai bỏ lại phía sau…

Theo Thủ tướng, Bộ quản lý nhiều đối tượng với phạm vi rộng, có tính chất phức tạp, vì vậy, đòi hỏi phải nắm bắt sát tình hình thực tế, phản ứng nhanh, hiệu quả với các chính sách đề ra. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. 

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - Tống Giáp.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - Tống Giáp.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc phát triển thị trường lao động đúng nghĩa thị trường là phải cạnh tranh, hiện đại, linh hoạt, bền vững. Phát triển thị trường lao động cần đầu tư nhiều hơn, để tạo sự cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt đào tạo các kỹ năng nghề.

Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi nhiều lần làm việc với các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài thì vấn đề họ luôn băn khoăn là nguồn lao động có đáp ứng được hay không. “Tôi đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan, và các địa phương tập trung vào vấn đề lao động, trọng tâm là các ngành nghề mới nổi liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao thì phải có lao động. Nhiều lần tiếp xúc với các nhà đầu tư, hầu hết họ băn khoăn 2 việc lớn nhất là về hạ tầng và nguồn lao động”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng dẫn chứng bài học từ việc khi Intel mới đầu tư vào Việt Nam, trong khi chúng ta đưa ra nhiều ưu đãi, song họ lại đưa ra câu hỏi là nếu đầu tư thì trong 48 giờ có thể đưa sản phẩm đi đến các nơi trên thế giới được không, có mấy hãng bay kết nối được đến các khu vực? Lúc đó các điều kiện của chúng ta chưa đáp ứng được, vì thế Intel đã chuyển sang quốc gia khác.

“Tôi đã thăm một trung tâm đổi mới, sáng tạo của nước ngoài, chỉ 500ha mà tạo ra giá trị tăng trưởng rất cao khi họ tập trung được nguồn nhân lực chất lượng cao nhất ở đó”, Thủ tướng nói và đặt vấn đề làm được như vậy phải có lao động tay nghề, hiệu quả cao.

Cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thủ tướng cũng lưu ý cần tận dụng cơ cấu dân số vàng, từ đó có giải pháp đột phá để nâng cao năng suất lao động. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành khác để nâng cao kỹ năng số cho người lao động; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong đào tạo nghề.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng cũng được Thủ tướng nhắc đến nữa là xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển hà ở xã hội, phối hợp với Bộ xây dựng, các bộ liên quan để có thống kê tình hình thực tiễn ở từng khu vực, vùng miền, các ngành. “Nhà ở là quan trọng nhất với một con người, có an cư mới lạc nghiệp được, vấn đề khó nhưng phải giải quyết”, Thủ tướng trăn trở.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý thêm một số vấn đề cần quan tâm về chính sách đối với người có công với cách mạng, nhấn mạnh cần làm tốt hơn nữa công tác thương binh, liệt sĩ, đặc biệt là huy động nguồn lực để chăm lo đời sống cho người có công. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, đẩy nhanh các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, cần tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc như tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em…