10:20 05/01/2023

Doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, nhu cầu tuyển dụng khó "bùng nổ" đầu năm

Nhật Dương

Thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh trong năm 2022, nhưng đã tăng chậm lại trong quý 4 do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các đơn hàng bị cắt giảm vào dịp cuối năm. Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu tuyển dụng khó có thể tăng cao trong đầu năm 2023…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2022 của Tổng cục Thống kê công bố mới đây ghi nhận tình hình lao động, việc làm năm 2022 phục hồi tích cực nhưng có xu hướng tăng chậm lại trong quý 4/2022.

GIẢM TUYỂN DỤNG DO DOANH NGHIỆP KHÓ KHĂN VỀ ĐƠN HÀNG

Theo đó, lực lượng lao động, số người có việc làm quý 4/2022 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng so với quý trước, do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các đơn hàng bị cắt giảm vào dịp cuối năm. 

Cụ thể, lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 4/2022 ước tính là 51 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước. Tính chung năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,6 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 4/2022 ước tính là 2,32%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,32%, trong đó khu vực thành thị là 2,79%; khu vực nông thôn là 2,03%.

Trong khi đó, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý 4/2022 là 1,98%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,21%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,7%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,51%.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh dịp cuối năm 2022 dẫn đến giảm nhu cầu tuyển dụng cũng được thể hiện trong một cáo quý 4/2022 vừa công bố của Navigos – đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự.

Báo cáo của đơn vị này ghi nhận nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý 4/2022 giảm trung bình 25%, riêng tháng 12 sụt giảm lên đến 42%. Riêng với những ngành liên quan đến sản xuất, dệt may, hàng hải giảm nhu cầu rõ rệt trong quý cuối năm do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…), chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới, lãi suất vay vốn trong nước cao… 

Một số ngành sụt giảm liên tục trong tháng 10, 11 và càng nghiêm trọng hơn ở tháng 12 như: Hành chính văn phòng, marketing, bán hàng giảm 50%; ngành xây dựng giảm 55%; dệt may, da giày giảm 58%; lao động thời vụ giảm 50%...

Một số ngành khác lại đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng ở tháng 12, bất kể sự tăng trưởng tốt vào 2 tháng liền kề trước đó như ngân hàng giảm 13%, hàng tiêu dùng giảm 40%, bảo hiểm và chứng khoản giảm lần lượt 45% và 41%. Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới của người lao động cũng gặp nhiều khó khăn.

TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN LAO ĐỘNG

Trước đó, tại hội thảo “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội ” diễn ra hồi cuối tháng 12/2022, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước sẽ còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý 1, thậm chí quý 2/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động. Ảnh - N.Dương. 
Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động. Ảnh - N.Dương. 

Chung nhận định, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng dự báo nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý 1/2023, những biến động khó đoán định của thị trường sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), thị trường lao động hiện không chỉ chịu những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 mà còn bị ảnh hưởng từ biến động của tình hình kinh tế thế giới. Vị chuyên gia nhận định, về trung hạn quá trình phục hồi nền kinh tế sẽ đi theo hướng tiếp tục giảm lao động, đặc biệt là trong những ngành mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số dần chiếm lĩnh để tăng năng xuất lao động. 

"Tình trạng giảm lao động cũng sẽ giảm mạnh ở phân khúc thấp của thị trường lao động, người lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Ngay cả trong những ngành doanh nghiệp có thể trụ vững, thu hút lao động cũng sẽ cần những kỹ năng mới, thái độ, hành vi kỹ thuật mới mà người lao động cần có”, bà Lan Hương cho biết.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia cũng cho rằng, trong thị trường lao động vẫn có thể tồn tại tình trạng lao động không có việc làm, song vẫn có nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động. Nguyên nhân là do cung cầu lao động chưa khớp hoặc chính sách về tiền lương chưa đủ thu hút. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nắm bắt được nhu cầu lao động trong các ngành để tăng cường kết nối.

Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhận định, thị trường lao động trong năm 2023 sẽ đối diện với những rủi ro và thách thức, cần đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động trong thời gian tới.

Trong giai đoạn phát triển mới, có cả những cơ hội đan xen khó khăn, thách thức khi dịch bệnh vẫn có nguy cơ tái bùng phát, khủng hoảng năng lượng, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraina chưa có hồi kết, lạm phát, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều nước...

Vì vậy, cần có những giải pháp để khắc phục, triển thị trường lao động bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động như: Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm. Đặc biệt cần quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế; phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua việc đa dạng hóa các gói dich vụ an sinh xã hội…