17:17 22/09/2018

Thủ tướng: Phải có kỷ luật sắt trong thực hiện Chính phủ điện tử

Bảo Quyên

"Rất hoan nghênh tiền viện trợ, còn phần mềm được cung cấp mà để lấy cắp hết thông tin của Chính phủ, để lật đổ chế độ... là không chấp nhận"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử tại phiên họp ngày 20/9.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử tại phiên họp ngày 20/9.

"Phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có "kỷ luật sắt" trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, đổ qua, đổ lại một số công việc, tránh để tình trạng đưa chủ trương sớm nhưng mãi không thực hiện được do ách tắc chuyện này, chuyện kia".

Chi đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, ngày 20/9.

"Ngại" công nghệ vì sợ minh bạch

Báo cáo về thực trạng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã có những tiến bộ trong xếp hạng về Chính phủ điện tử, năm 2018 tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Philippines. Mức xếp hạng này là thấp so với cả khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại như nền tảng kỹ thuật chia sẻ dữ liệu triển khai chậm, đặc biệt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dậm chân tại chỗ; dịch vụ công trực tuyến thiết kế rời rạc, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, dẫn đến số lượng hồ sơ trực tuyến rất thấp, thậm chí một số dịch vụ không phát sinh hồ sơ. Dịch vụ lẫn lộn giữa giấy tờ và trực tuyến gây phiền hà cho người dân và công chức thực hiện.

Bên cạnh đó là tình trạn bảo mật vẫn còn thấp, có tình trạng cát cứ, không sẵn sàng chia sẻ, liên thông giữ liệu. Chưa có trách nhiệm giải trình của người đứng đầu...

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, việc doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin xếp hạng cao mà Chính phủ điện tử xếp hạng thấp là do các cơ quan chưa làm chứ không phải vì năng lực yếu kém.

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay trong Bộ của mình "có những người không muốn làm, không chịu làm vì những tư duy thâm căn cố đế". Trong khi đó, nhiều bộ phận như ngành thuế đã triển khai làm được từ lâu các dịch vụ công trực tuyến, từ việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế… đều có thể thực hiện trên môi trường mạng.

Do đó, nếu không kiên quyết, không có quyết tâm chính trị lớn thì Chính phủ điện tử khó thành công.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng thừa nhận thực tế: "Có một số người không muốn làm vì đưa công nghệ vào thì minh bạch hóa toàn bộ quá trình làm thủ tục và rõ trách nhiệm; bất kỳ lúc nào cũng biết lỗi ở đâu, chậm trễ ở đâu. Do vấn đề này mà thực tế ứng dụng công nghệ ở các cơ quan, địa phương là rất khác nhau, phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực của người đứng đầu.

Bộ trưởng Hà cho biết, trong lĩnh vực quản lý đất đai, việc xây dựng hệ thống thông tin, có những địa phương làm tốt nhưng cũng không ít địa phương khác lại trầy trật, ì ạch.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, Chính phủ điện tử giúp ngăn chặn được tiêu cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

"Tại sao các nước rất hào hứng hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử, thậm chí tài trợ không hoàn lại? Vì họ được rất nhiều, nhưng cụ thể họ được cái gì thì chúng ta không biết. Thực tế việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam hiện mới ở mức độ nhất định, hiện Bộ Công an cũng thấy rất khó khăn để đảm bảo mà Chính phủ điện tử không chỉ vận hành ở phạm vi quốc gia mà còn sự chi phối của quốc tế", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho hay, mới đây, Ngân hàng Thế giới có khuyến cáo cẩn trọng trước việc Hàn Quốc muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Bởi hiện rất ít quốc gia làm việc này vì có nhận tài trợ thì nước sở tại cũng phải đảm bảo được việc làm chủ về công nghệ, làm chủ hệ thống mới có thể triển khai vì vấn đề liên quan lớn tới an toàn, an ninh quốc gia.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, thế giới hiện tại, nhất định phải hội nhập, phải làm việc trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, cần tỉnh táo trước âm mưu đánh phá của thế lực thù địch để lật đổ chế độ, trước những đối kháng giai cấp đang gay gắt.

"Tiền viện trợ tôi hoan nghênh, còn phần mềm được cung cấp mà để lấy cắp hết thông tin của Chính phủ này, để lật đổ chế độ... tôi không chấp nhận. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng  cũng yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý. "Phải có đầu mối, một người chỉ huy thống nhất, không để nhà nhà, người người, ngành ngành làm dự án đầu tư công nghệ thông tin, làm các cơ sở dữ liệu khác nhau", Thủ tướng nêu rõ tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, dàn trải, "năm cha, ba mẹ".

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành thể hiện quyết tâm chính trị cao, quyết liệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xây dựng cho được Chính phủ điện tử để phục vụ nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh "phải có kỷ luật sắt trong tổ chức thực hiện".