10:35 17/01/2014

Thủ tướng Thái Lan đối mặt nguy cơ mới

Thanh Hải

Giữa lúc biểu tình tiếp diễn ở Bangkok, Thủ tướng Yingluck lại bị điều tra trách nhiệm trong một chương trình về thóc gạo

Bà Yingluck có thể sẽ phải đối mặt với các cáo buộc pháp lý, mà theo nhiều chuyên gia, điều này có thể sẽ hạ bệ chính phủ của bà - Ảnh: News.<br>
Bà Yingluck có thể sẽ phải đối mặt với các cáo buộc pháp lý, mà theo nhiều chuyên gia, điều này có thể sẽ hạ bệ chính phủ của bà - Ảnh: News.<br>
Theo hãng tin AFP, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan hôm qua (16/1) đã khởi động cuộc điều tra trách nhiệm của thủ tướng nước này trong một chương trình trợ cấp cho nông dân trồng lúa.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn của Ủy ban Chống tham nhũng Vicha Mahakun nói rằng, cơ quan này sẽ điều tra cáo buộc bà Yingluck Shinawatra lơ là nhiệm vụ xung quanh một cuộc tranh cãi về chương trình trợ giá cho các nông dân trồng lúa.

Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan cũng tiến hành truy tố 15 người khác, trong đó bao gồm một cựu bộ trưởng thương mại, về hành vi tham nhũng liên quan tới chương trình nói trên, phát ngôn viên Vicha Mahakun cho biết.

Việc điều tra đối với Thủ tướng Thái Lan diễn ra trong bối cảnh những cuộc biểu tình chống chính phủ đang tiếp diễn ở thủ đô Bangkok. Theo AFP, bà Yingluck phải đối mặt với các cáo buộc pháp lý mà nhiều chuyên gia cho rằng có thể sẽ làm hạ bệ chính phủ của bà.

Chương trình về thóc gạo nói trên đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề của phe đối lập. Những người chỉ trích cho rằng, chương trình này được thiết kế thực chất là để tăng cường sự ảnh hưởng của bà Yingluck, nhưng đã để lại cho Thái Lan cả một núi gạo không bán được.

Không chỉ gây tổn thất nặng nề về ngân sách nhà nước, theo các nhà bình luận, chương trình này còn khiến Thái Lan mất đi vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Trước đó, hơn 300 nghị sĩ thuộc đảng Puea Thái cũng phải đối mặt với cáo buộc lạm quyền. Nếu bị kết tội, các nghị sĩ có thể bị cấm tham gia chính trường 5 năm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới việc lập chính phủ mới của bà Yingluck, sau cuộc bầu cử vào tháng 2 tới.

Cũng hôm qua, Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu cảnh sát bắt các thủ lĩnh biểu tình, bao gồm ông Suthep Thaugsuban. Tư lệnh Cảnh sát Thái Lan Adul Saengsingkaew nói đã chỉ đạo lập đơn vị theo dõi di biến động của ông Suthep, để có thể bắt ông này vào lúc thích hợp.

Theo Phó thủ tướng Thái Lan Ponghthep Thepkanchana, ủng hộ của người dân dành cho ông Suthep đã giảm mạnh. Tính tới chiều 16/1, chỉ còn 7.000 người tham gia biểu tình, thấp hơn nhiều so với con số 23.000 người tại trung tâm thủ đô Bangkok một ngày trước đó.

Liên quan tới tình hình kinh tế Thái Lan, bộ tài chính nước này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2014. Cụ thể, theo Văn phòng Chính sách tài chính thuộc bộ này, GDP có thể chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm 2014, thấp hơn 0,9% so với lần dự báo trước đó.

Dự báo được dựa trên khả năng cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan diễn ra vào 2/2 tới và một chính phủ mới sẽ được thành lập sau đó. Tuy nhiên, nếu khả năng này không diễn ra do ảnh hưởng bởi cuộc biểu tình chống chính phủ hiện tại thì tăng trưởng sẽ chỉ đạt khoảng 2%.