Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Ngay từ khi Thủ tướng bắt đầu trình bày báo cáo đã có 40 đại biểu đăng ký chất vấn, nhưng thời gian dành cho người đứng đầu Chính phủ chỉ còn khoảng 60 phút, cả hỏi và đáp
15h15 phút chiều 8/11, Quốc hội bắt đầu chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ngay từ khi Thủ tướng bắt đầu trình bày báo cáo đã có 40 đại biểu đăng ký chất vấn, nhưng thời gian dành cho người đứng đầu Chính phủ chỉ còn khoảng 60 phút, cả hỏi và đáp.
Thắp lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự tôn, tự trọng dân tộc
Trước đó, khi kết thúc báo cáo, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh: chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay.
"Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta; bằng sự đoàn kết chung sức, đồng lòng của toàn dân và trong toàn hệ thống chính trị cũng như trong từng cơ quan/đơn vị như Bác Hồ kính yêu từng dạy: Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh".
Người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi hãy thắp lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần tự tôn, tự trọng dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong mỗi chúng ta; hãy khơi dậy sức sáng tạo với ngọn lửa đầy nhiệt huyết và đam mê, hãy hành động mạnh mẽ, quyết liệt trên mỗi cương vị của mình. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần đóng góp khơi dậy ý chí, khát vọng dân tộc hùng cường, thịnh vượng để đưa đất nước đến bến bờ vinh quang.
Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội chiều 8/11 - Ảnh: Quang Phúc.
Trước khi trả lời chất vấn mới, Thủ tướng trả lời 9 câu hỏi mà đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chuyển đến Thủ tướng qua các phiên chất vấn trước đó.
Hồi âm chất vấn của đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu năm 2015 có công bố tiền thưởng cho Vĩnh Phúc 4 tỷ đồng về xây dựng nông thôn mới đến nay chưa nhận được.
Thủ tướng cho biết, trước đây Chính phủ đã trình Quốc hội là Chính phủ thưởng cho các đơn vị nông thôn mới bằng hình thức trái phiếu, nhưng Quốc hội không đồng ý.
"Tôi nhất trí với Quốc hội, Thường vụ Quốc hội là không nên dùng trái phiếu Chính phủ để thưởng cho các đơn vị nông thôn mới", Thủ tướng nêu quan điểm.
Ông cho biết, Chính phủ quyết định giao cho Bộ Tài chính chủ trì với Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất Thủ tướng nguồn để thưởng cho các đơn vị có liên quan về việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Trong các phiên chất vấn trước một số vị đại biểu nêu trách nhiệm về vấn đề nước sạch. Chất vấn chiều 8/11 đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng qua việc nhà máy nước Sông Đà bị đầu độc có dấu hiệu lợi ích nhóm, tạo ra một sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của mình.
Hồi âm quan tâm chung của các đại biểu, Thủ tướng cho biết vấn đề này Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012, trong đó phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước an toàn cho người dân tránh tình trạng như vừa qua.
Khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống sức khoẻ của người dân, Thủ tướng đồng tình với đại biểu là phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra để thực hiện đúng Luật về bảo vệ tài nguyên nước đã được ban hành.
Bạc Liêu xây dựng nhà máy điện khí không trái quy hoạch
Về dự án điện Bạc Liêu đã được nêu đi nêu lại tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng cho biết đã có cuộc họp với các cấp, các ngành, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Điện lực Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định để Bạc Liêu xây dựng nhà máy điện khí không trái quy hoạch. Vì vậy cần phải bổ sung vào sơ đồ quy hoạch điện 7 để tỉnh Bạc Liêu triển khai.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và tỉnh Bạc Liêu cần triển khai ngay việc này với lưu ý các cấp, các ngành có liên quan không được để chậm trễ để tình trạng như các vị đại biểu Quốc hội đã phản ánh.
Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội chiều 8/11 - Ảnh: Quang Phúc.
Không phân biệt kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước
Trả lời chất vấn của đại biểu về kinh tế tư nhân, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước. Đặc biệt đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.
Chúng ta vui mừng vì Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân, các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Đến nay kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của của cả nước, Thủ tướng nói.
Điều vui mừng nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là có nhiều tập đoàn tư nhân đổi mới khoa học, công nghệ đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao giá trị gia tăng cao trong phát triển kinh tế vừa qua.
Đảng, Nhà nước hoan nghênh kinh tế tư nhân và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói nếu doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ nên tặng Huân chương, Thủ tướng nói.
Ông cũng khẳng định không phân biệt kinh tế tư nhân và Nhà nước, bình đẳng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vì vậy, trước diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền chất vấn, vừa qua Tổng cục Thống kê đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP Việt Nam giai đoạn 2010-2017 và đã công bố kết quả quy mô GDP năm 2017 đạt 275 tỷ USD thay cho 220 tỷ USD đã công bố. Và nếu tính cả tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 và năm 2019 quy mô GDP của năm 2019 đã đạt ngưỡng khoảng 310 tỷ USD thay cho 266,5 tỷ USD mà Chính phủ đã báo cáo.
Đại biểu muốn biết Thủ tướng có công nhận kết quả đánh giá lại quy mô nền kinh tế này không, vì đây là cơ sở quan trọng để đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm chuẩn bị chuẩn bị trình Đại hội Đảng.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng khẳng định không phải vì thành tích mà tính lại GDP mà đó là thông lệ quốc tế và cách tính công khai, minh bạch.
Theo đó, quy mô GDP mới sau tính lại tăng 25,5%, lên hơn 310 tỷ USD. Tuy nhiên, cách tính này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không phải bây giờ. "Không phải bệnh thành tích mà chúng ta tính lại. Các số liệu báo cáo trước Quốc hội hôm nay, trong văn kiện Đại hội Đảng vẫn là tính toán dựa trên số liệu cũ", Thủ tướng khẳng định.
Ông cũng nói thêm, quy mô GDP tính lại chưa tính kinh tế ngầm, kinh tế chưa chính thức mà mới tính khu vực kinh tế bị bỏ sót, như các hộ kinh doanh cá thể, 76.000 doanh nghiệp trước đây chưa được đưa vào. Các nước mua một que tăm cũng có hoá đơn, trong khi chúng ta mua tivi, xe máy…nhiều trường hợp không có chứng từ.
Hàng năm chúng ta mua hàng triệu ôtô, hàng vạn nhà lầu, xe sang... nhưng thu thuế được bao nhiêu? Vì thế kinh tế Việt Nam còn bị bỏ sót nhiều, khiến thất thu thuế. Tính toán lại quy mô GDP là cần thiết, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Kinh tế Việt Nam đang độc lập, tự chủ
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Yến muốn biết Thủ tướng đánh giá thế nào về mức độ độc lập tự chủ nền kinh tế nước ta hiện nay và Thủ tướng có những giải pháp căn cơ gì để nền kinh tế nước ta phát triển bền vững.
Chúng ta đang nói độc lập, tự chủ trong nền kinh tế hội nhập, Thủ tướng khẳng định khi trả lời đại biểu.
Thủ tướng cũng cắt nghĩa, điều đó không có nghĩa là chúng ta một mình, chúng ta cần phải xây dựng một nền kinh tế tích cực chủ động hội nhập, nền kinh tế ấy có khả năng chống chịu những biến đổi, những cú sốc của nền kinh tế thế giới.
Tôi báo cáo với Quốc hội là nền kinh tế Việt Nam đã có tiến bộ rất đáng mừng trong quá trình độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Từ một nước thiếu ăn, ăn toàn bo bo mua tem phiếu, năm nay xuất khẩu nông nghiệp trên 42 tỷ USD, Thủ tướng nói.
Ông cũng cho rằng điều đáng mừng nhất đã giảm 500 nghìn ha đất lúa để chuyển sang các loại cây có hiệu quả cao hơn.
Chúng ta có một nền kinh tế tăng trưởng liên tục, có khả năng chống chịu những cú sốc bên ngoài và đặc biệt là vĩ mô ổn định, điều hành tài chính, tiền tệ linh hoạt, lạm phát thấp.
Chúng ta cũng rất đa dạng hoá, đa phương hoá mối quan hệ quốc tế để không bị cô lập, trong đó có 13 hiệp định thương mại tự do đã ký và có ba hiệp định đang thảo luận sắp ký trong tương lai.
Độc lập tự chủ theo Thủ tướng còn thể hiện qua việc doanh nghiệp Việt Nam không ngừng lớn mạnh, doanh nghiệp Nhà nước được củng cố một bước, doanh nghiệp tư nhân phát triển. Rồi thu ngân sách, xuất khẩu, dự trữ ngoại hối, giải quyết việc làm cũng được tăng cường thể hiện một nền kinh tế ít phụ thuộc tiến tới một nền kinh tế độc lập tự chủ.
Về câu hỏi chúng ta sắp tới phải làm gì? Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục đa dạng hoá thị trường, có tiếng nói với quốc tế.
Thủ tướng cũng đề cập giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển kinh tế trí thức...
Kinh tế đêm là sự năng động
Kinh tế vào ban đêm đang được trao đổi rất rộng rãi và có nhiều ý kiến khác nhau, quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào là chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Thân.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng nói kinh tế đêm là sự năng động của nền kinh tế trong bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Thủ tướng dẫn chứng, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vì khác múi giờ nên khi người Việt Nam đi ngủ thì khách du lịch có nhu cầu đi chơi. Vì vậy, kinh tế đêm tạo thêm nhiều việc làm, giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các địa phương, bộ ngành đặc biệt là các thành phố lớn quan tâm đến vấn đề này để kinh tế đêm phát triển như một số nước châu Á, để trả lời câu hỏi phải làm gì để thu hút du khách hơn, để có sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, để du khách sớm quay lại Việt Nam.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý kinh tế đêm có những mặt trái nên phải quản lý tốt, không để xảy ra tiêu cực. Lưu ý nữa là phải tuỳ theo nhu cầu của mỗi địa phương, bởi có nơi như Cần Thơ đô thị về đêm vẫn sầm uất, còn có nơi đến 22h đã không còn hoạt động kinh tế, giải trí gì.
Hiện nay Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng kinh tế đêm tốt hơn, theo hướng tổ chức đa dạng, tránh các mặt tiêu cực. "Phát triển kinh tế đêm là xu hướng các nước đang vận dụng và Việt Nam nên tận dụng thời cơ này", Thủ tướng hồi âm đại biểu.
Còn hơn một năm hết nhiệm kỳ, Thủ tướng có đột phá gì?
Đại biểu Tô Văn Tám đặt vấn đề, tăng trưởng bao trùm được xem là quan điểm phát triển được nhiều tổ chức quốc tế nhắc đến. Trong các bài phát biểu của mình nhiều lần Thủ tướng nhắc đến việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và sẽ làm gì để thực hiện tăng trưởng bao trùm?
Nội dung tiếp theo được đại biểu Tám nêu là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn chậm, sức cạnh tranh của nền kinh tế doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước, Việt Nam có rất ít những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Thủ tướng còn hơn 1 năm nữa là hết nhiệm kỳ, Thủ tướng dự kiến sẽ có giải pháp đột phá gì để cải thiện thực trạng trên? đại biểu chất vấn.
Thủ tướng trả lời, mô hình tăng trưởng của Việt Nam nhấn mạnh đến sự bình đẳng và tiếp cận các cơ hội để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bỏ lại phía sau.
Chủ trương này rất quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cho biết đã có 118 chương trình có liên quan đến phát triển đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, và trong kỳ họp này Chính phủ trình Quốc hội đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó thực hiện chủ trương phát triển bao trùm.
Giải pháp tiếp theo được Thủ tướng cho biết là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật trên tinh thần công khai minh bạch, bình đẳng công bằng.
Ông cũng lưu ý, để thực hiện tăng trưởng bao trùm phải ổn định vĩ mô và giữ chỉ số lạm phát như vừa qua là rất cần thiết. Đồng thời cần có chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, tạo mọi điều kiện, cơ hội cho mọi người, nhất là người nông thôn miền núi có điều kiện thu nhập.
Đặc biệt, theo Thủ tướng là phải nâng cao ý thức tự cường của người dân, ông cũng nhắc đến hình ảnh một bà cụ thanh hoá 83 tuổi 3 lần xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo, bà cụ nói tuy tuổi cao nhưng tôi tự sản xuất được.
Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, doanh nghiệp, sản phẩm còn yếu so với các nước phát triển. Thủ tướng cũng đồng ý với đại biểu là Việt Nam ít có doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao như những tập đoàn lớn của một số nước phát triển.
"Đại biểu cũng đề nghị sắp hết sắp hết nhiệm kỳ thì Thủ tướng có đột phá gì, tôi đề nghị chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tốt hơn nữa, cái này là nền tảng cho sự phát triển", Thủ tướng trả lời.
Thủ tướng cũng nhắc đến yêu cầu phải làm tốt xây dựng thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực, đặc biệt là hạ tầng chất lượng cao. Việc cần làm, theo Thủ tướng là tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó Nhà nước tạo thuận lợi về thủ tục gia nhập thị trường, rút khỏi thị trường, Nhà nước can thiệp thị trường bằng công cụ kinh tế chứ không bao cấp cho sự yếu kém, không bao cấp tràn lan.
Nhà nước phải có biện pháp mạnh hơn nữa tốt hơn nữa để quá trình tái cơ cấu diễn ra nhanh hơn, Thủ tướng nói.
17h kém 10 phút, còn nhiều đại biểu đã chất vấn nhưng chưa được trả lời vì hết giờ, Thủ tướng hứa sẽ trả lời đại biểu bằng văn bản.