Thủ tướng: VCCI cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại, tích cực chuyển đổi số, đổi mới sản xuất để nâng cao vị trí của doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu…
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nay với tên gọi mới là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu cao tinh thần kiên cường, không gục ngã trước đại dịch của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.
Hai năm vừa qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế-xã hội, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động.
CÀNG KHÓ KHĂN CÀNG PHẢI ĐOÀN KẾT
Thủ tướng cho rằng, Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang phải đối mặt. Bởi vậy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành với sự đồng tình, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Với tư cách tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động, các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, Thủ tướng đánh giá, VCCI đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực, có tính lan tỏa cao, đóng góp vào thành công chung của đất nước.
“Đến nay VCCI đã có trên 200.000 doanh nghiệp hội viên, tăng 70,8% so với đầu nhiệm kỳ trước. Ban chấp hành hoạt động hiệu quả với hơn 90 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Vị thế và vai trò của VCCI ngày càng được nâng cao”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Đồng thời, VCCI cũng đã chủ động và tham gia tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách quan trọng đối với doanh nghiệp như các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, các nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, báo cáo Đại hội và nhiều ý kiến phát biểu cho thấy, chúng ta đang đứng trước những thách thức, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nên còn nhiều điều VCCI có thể làm tốt hơn.
Theo Thủ tướng: “Kinh nghiệm và thành công giai đoạn vừa qua cho chúng ta vững tin vào định hướng phát triển mạnh mẽ thời gian tới. Chúng ta tiếp tục cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Rất cần sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể. Như thế chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch và nước ta sẽ nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển mới”.
NĂM NHIỆM VỤ CHO VCCI
Thủ tướng cơ bản tán thành 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược mà văn kiện Đại hội của VCCI nhiệm kỳ mới đã đề ra. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực và phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Song người đứng đầu Chính phủ rằng, chúng ta đang đối mặt với bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, những hoàn cảnh mà chưa từng có tiền lệ. Vì thế, Thủ tướng đề nghị VCCI tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ.
Một là, không ngừng xây dựng, củng cố VCCI thực sự trở thành tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. VCCI không chỉ đại diện cho 200.000 doanh nghiệp hội viên trực tiếp. VCCI phải xây dựng vị thế và xác lập uy tín xứng đáng là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Hai là, tham gia tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh, khung khổ thể chế, pháp luật luôn là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Có thể nói, thể chế nào, doanh nghiệp đó. Do đó, hoàn thiện thể chế xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu. Lấy thực tiễn là thước đo để xây dựng thể chế rồi từ đó lấy thể chế tạo điều kiện cho kinh doanh thuận lợi.
Mục tiêu quan trọng nhất là làm sao các chính sách, pháp luật khi ban hành phải gần với cuộc sống nhất, khả thi nhất, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển hiệu quả nhất.
Ba là, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Thủ tướng đề nghị VCCI thời gian tới triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại, tích cực chuyển đổi số, đổi mới sản xuất để nâng cao vị trí của doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam với tinh thần đoàn kết, dân tộc, tự cường, tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.
“Chúng ta còn thiếu nguồn lực, còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, công nghệ chưa theo kịp, do đó, cần tổng hoà nội lực và ngoại lực, tranh thủ được ngoại lực và vẫn phải dựa vào nội lực, nội lực mới là quyết định, lâu dài và có tính chiến lược của chúng ta”, Thủ tướng khẳng định.
Năm là, dẫn dắt doanh nghiệp hội nhập thành công. “Chúng ta đã tham gia ký kết và đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước chúng ta mở cửa và phải tranh thủ cơ hội này”, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi từ các hiệp định này.
Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhất trí đổi tên “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” thành “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” và giữ nguyên tên tiếng Anh là VCCI để thuận tiện trong giao dịch quốc tế.
Cũng tại Đại hội, danh sách nhân sự VCCI khoá VII được công bố. Theo đó, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Các Phó chủ tịch: ông Hoàng Quang Phòng, ông Võ Tân Thành, ông Nguyễn Quang Vinh, ông Bùi Trung Nghĩa. Bà Trần Thị Lan Anh giữ chức Tổng thư ký VCCI.
Với 100% số phiếu tán thành, Đại hội Đại biểu đã bầu ra Phó Chủ tịch không chuyên trách VCCI khóa VII nhiệm kỳ 2021-2026 gồm: ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải.