Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu kiến nghị về 2 phương pháp điều trị F0
Đây là 2 phương pháp điều trị F0 đã được thế giới áp dụng thành công do Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đề xuất nhằm giảm tỷ lệ tử vong...
Ngày 20/9, Văn phòng Chính phủ có công văn số 6638/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương để có phương án tổ chức thực hiện cho phù hợp.
Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, để góp phần giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19, ông đề xuất 2 phương pháp điều trị mới mà thế giới đã áp dụng thành công.
Phương pháp thứ nhất là truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người mắc bệnh đã hồi phục cho các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng. Đây là phương pháp không mới, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng phương pháp này và góp phần giảm tỷ lệ tử vong.
Thu huyết tương từ người cho tặng về nguyên tắc giống như thu nhận máu từ những người hiến máu. Phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp, Bộ Y tế nên chỉ đạo Bệnh viện Huyết học TPHCM và Viện Huyết học truyền máu Trung ương lập sớm ngân hàng huyết tương có kháng thể chống virus để sử dụng cho người bệnh có nguy cơ cao.
Phương pháp thứ hai là truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine - nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp.
Phương pháp này đã được sử dụng cho suy hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với các bệnh nhân Covid-19, một số nghiên cứu cho thấy, truyền tế bào gốc có thể làm tăng tỉ lệ sống gấp 2,5 lần so với nhóm không truyền. Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô với số lượng lớn, nếu được nghiên cứu triển khai sẽ là một phương pháp hứa hẹn góp phần giảm thấp tỷ lệ tử vong.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn số 6639/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo lập đường dây nóng 019 - Không Covid-19 của Việt Nam.
Công văn nêu rõ, để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập đường dây nóng 019 - Không Covid của Việt Nam; trình lên Tổ chức Y tế Thế giới để đẩy lên toàn cầu sử dụng.
Văn phòng Chính phủ cũng ban hành công văn số 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội xem xét thông tin phản ánh về việc thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ nhận được thông tin phản ánh: Theo quy định các chi phí xét nghiệm, điều trị Covid-19 đều do ngân sách Nhà nước chi trả nhưng hiện vẫn có không ít trường hợp bệnh nhân (chưa biết có nhiễm Covid-19 hay không) khi tới một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội để điều trị phải xét nghiệm Covid-19 theo chỉ định và phải thanh toán chi phí xét nghiệm.
Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội xem xét, có thông tin rõ ràng, minh bạch về các quy định của pháp luật; đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế.