Thủ tướng yêu cầu xử lý thông tin hụt thu tại các trạm BOT
Nhiều ý kiến trái chiều về tình trạng hụt thu tại các trạm BOT giao thông trên cả nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xử lý kịp thời phản ánh của báo chí về tình trạng hụt thu tại các dự án BOT giao thông.
Văn phòng Chính phủ cho biết, vừa qua báo chí có bài viết "Lo ngại căn bệnh hụt thu tại các dự án BOT giao thông", trong đó phản ánh con số 26/53 dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ đang thu phí hoàn vốn không đảm bảo doanh thu theo phương án tài chính cho thấy bức tranh tổng thể tại các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP đã xuất hiện những gam màu tối, ít nhất là trong con mắt của nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn.
Các dự án BOT bị hụt thu có dấu hiệu lan rộng là vấn đề đáng quan ngại trong hoạt động thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, đánh giá các cơ chế xử lý các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng BOT.
Trước phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, trả lời trên báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho hay, có 4 lý do chính dẫn đến tình trạng các dự án BOT bị vỡ phương án tài chính: lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và giảm giá cho khu vực lân cận trạm thu phí; trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác theo quy định trong hợp đồng hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng.
Được biết, hầu hết các dự án BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải ký kết với nhà đầu tư trong những năm qua được thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đó có thỏa thuận mức phí 3 năm được điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 18%, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 32% các dự án BOT đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu thu phí không đạt như dự kiến, dư nợ cho vay đối với các dự án này vào khoảng 43.000 tỷ đồng. Điều này dẫn đến việc phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một số chuyên gia và dư luận cho rằng, việc hụt thu tại các trạm BOT cần phải được xem xét, đánh giá một cách đầy đủ, chính xác. Bởi lẽ, trong quá khứ, đã không ít trạm BOT bị phát hiện có mức thu thực tế cao hơn mức khai báo.
Đơn cử như vụ việc ở trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ hồi 2016 bị phát hiện khai thấp hơn khoảng 800 triệu đồng/ngày.
Kết quả kiểm tra và trực tiếp đếm lượt xe của thanh tra Tổng cục Đường bộ cho thấy, tại tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, số thu thực tế vé lượt trong 10 ngày lên tới 17,5 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày 1,7 tỷ đồng), trong đó ngày cao nhất có số thu đạt hơn 1,9 tỷ đồng.
Như vậy, bình quân mỗi ngày, các trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu về gần hai tỷ đồng; trong khi phía Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo chỉ đạt 1,2 tỷ đồng/ngày.
Còn tại trạm thu phí BOT Bến Thủy bị phát hiện khai báo thấp hơn số thu bình quân thực tế 32 triệu/ngày.
Và gần đây là vụ việc cán bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh bị khởi tố vì dùng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên cao tốc Tp.HCM - Trung Lương…