10:28 11/02/2013

Thú vui tao nhã thành trò đánh bạc

Đinh Tịnh

Ít ai biết rằng, với những thợ cờ thì chẳng có gì gọi là “đen - đỏ” cả, chủ yếu vẫn là lừa bịp

Với hơn 88 triệu dân Việt Nam, từ lâu cờ tướng đã quá đỗi gần gũi và không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết.
Với hơn 88 triệu dân Việt Nam, từ lâu cờ tướng đã quá đỗi gần gũi và không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết.
Đối với dân nghiền cờ tướng, không có tý “độ” thì bàn cờ nhạt nhẽo vô vị lắm. Độ cờ có đủ hình thức, đôi khi chỉ là điếu thuốc, chén nước nhưng có lúc là cả một số tiền “khủng”. Chính vì có “màu” nên nhiều kỳ thủ đã chọn đây là phương thức kiếm sống, các sới cờ độ nở rộ từ đó...

Với hơn 88 triệu dân Việt Nam, từ lâu cờ tướng đã quá đỗi gần gũi và không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Hằng năm, gần như hội đình làng nào cũng tổ chức chơi cờ người, cờ bỏi, cờ bàn.... Theo thống kê, có tới hơn 1/3 người dân Việt biết chơi cờ tướng (nhiều hơn cả Trung Quốc - cái nôi của nghệ thuật cờ tướng). Chẳng biết từ lúc nào cờ tướng đã trở thành trò chơi dân gian không thể thiếu của người Việt.

Khi đã ngấm “máu” cờ vào người

Mới đầu, các kỳ thủ chỉ chơi vui, xả tress, hoặc may lắm thì “rinh” được vài giải cờ làng nho nhỏ. Tuy nhiên, khi chơi vui, người chầu rìa ai cũng góp nước được, thậm chí khán giả còn cao hứng cầm cây đi loạn xạ khiến bàn cờ thiếu sự nghiêm túc.

Vì thế, mới nảy sinh cờ độ để người ngoài bớt mách nước (hoặc để phân trình cao thấp). Mới chơi thì đánh nhỏ, sau này, cay cú đánh lớn. Dần dà thành quen, đánh cờ không có độ thì không chịu được. Từ đây, nảy sinh những “thợ cờ” chỉ đi đánh độ ăn tiền.

Suốt ngày lang thang đi đánh cờ độ ăn tiền không phải là một nghề, thế nhưng, vẫn có nhiều người trót yêu cờ, đắm chìm vào cái nghiệp đó cứ như bị ma ám khó lòng dứt ra được. Nó cứ ám ảnh, đeo đẳng suốt cả kiếp người.

Tôi đã từng biết rất nhiều kỳ thủ vì quá yêu cờ, nghiên cứu, học hỏi rồi có chút tài nghệ, nhờ đó cũng kiếm được tý tiền vì đánh độ. Nhưng ngặt một nỗi, môn chơi này cần đầu tư chiều sâu cực lớn về trí tuệ, thời gian, sức khỏe. Khi đã trót “ngấm” rồi thì chỉ biết “nàng 32 quân” là nhất.

Thế nên mới có chuyện nhiều người đã bỏ cả sự nghiệp, công danh, nhà cửa đã rẽ ngang chỉ vì cờ độ. Đến ngay cả danh thủ nổi tiếng Vũ Huy Cường, người giật khá nhiều giải và đang đại diện cho cờ tướng Hà Nội thi đấu giải A1 toàn quốc cũng từng đi lên từ chính những bàn cờ độ vỉa hè.

Nhiều người gặp anh vẫn trầm trồ ngưỡng mộ và coi như là kỳ tích trong làng cờ độ Hà Thành. Song ít ai biết rằng, để trở thành “cao thủ đại nội” như hiện nay, Vũ Huy Cường đã phải xếp mảnh bằng cử nhân Đại học xây dựng của mình vào tủ, để thỏa niềm đam mê.

Không chỉ riêng trường hợp anh Cường, tôi còn biết rất nhiều những kỳ thủ khác chỉ vì trót theo “nghiệp cờ” mà đã rời bỏ ghế nhà trường.

Chẳng hạn như trường hợp Lê Mạnh Tuấn (biệt hiệu Tuấn Thủ lệ), quê Phú Thọ. Những ngày đầu Tuấn lang thang xem cờ vỉa hè tại khu Cầu Giấy. Sau đó, góp nhặt những gì học được từ cờ tướng để đi “chăn gà”. Có nhiều trận gặp đối thủ “ngọt”, Tuấn thắng đều đặn vài triệu mỗi ngày.

Sự đam mê từ cờ độ hấp dẫn đến nỗi, Tuấn đã quên mất chiếc bằng đại học sư phạm của mình rơi rụng từ lúc nào. Tuấn tâm sự: “Những người coi cờ độ là một nghề kiếm sống như em hiện ở Hà Nội nhiều vô kể. Đôi khi, chạm mặt nhau đánh vài 3 ván là chối. Dạo này kinh tế khó khăn “gà” ít quá, sống không nổi anh ạ.”

Cờ úp, cờ gian, bạc lận

Với giới chuyên đi chăn độ thì kiếm được con “gà béo” là thích lắm, nhưng không hiểu sao, có nhiều người yêu cờ, đã từng thua lên thua xuống, mất rất nhiều tiền mà vẫn đắm đuối chẳng dứt ra được.

Tôi từng biết một anh bạn ham cờ ở quận Ba Đình, say đến nỗi “cúng” hết gia sản cho một tay cờ độ chuyên nghiệp. Vợ con khuyên thế nào cũng không nghe, thế là một ngày nọ, toà án gọi đến xử ly dị. Tan cửa nát nhà, con cũng chẳng nhìn mặt cha, cơ quan thì cho thôi việc.

Thân bại danh liệt, bây giờ anh bạn tội nghiệp đó thỉnh thoảng vẫn lảng vảng ra sới cờ Hoàng Cầu, xin “điếu thuốc, chén nước”, xem đôi ba ván cho thỏa lòng... nhớ nhung.

Hoặc trường hợp như anh Nam (lái xe tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), không hiểu con “ma cờ” dẫn lối thế nào mà cũng lần lượt vác hết của nả trong nhà đi đánh cờ. Có những hôm vợ ra ngồi cạnh, thức cả đêm giục về nhưng anh vẫn kệ. Dù đã bị cơ quan, kỷ luật lên, kỷ luật xuống, thậm chí cho thôi việc, thế nhưng, hễ kiếm đâu được tý tiền lại lăn vào “nộp” hết cho mấy tay cờ độ. Quả thật, đúng như một huấn luyện viên cờ tướng Hà Nội đã từng thốt lên rằng: đã  mang cái nghiệp cờ vào thân là khổ lắm.

Thực tế cũng vậy, nhiều người cứ mụ mị, như ma đưa lối, quỷ dẫn đường dù họ biết rằng đánh với dân thợ cờ là sẽ thua. Còn với những “thợ cờ”, mỗi người đều có mánh riêng của mình và có sẵn 1001 kế dễ dàng “móc túi” người chơi. Có rất nhiều cách “chăn gà” trong giới cờ độ, cho nên không ít người thua đến cháy túi vẫn cho rằng vì “đen”, vì trình thấp.

Thực ra họ đâu có biết rằng khi ra độ thợ cờ gần như đã nắm chắc phần thắng và tự tin vào những “ngón đòn” đã thủ sẵn. Hiện có 3 dạng chơi cờ đó là: cờ sáng, cờ úp và cờ mù (còn gọi là cờ tưởng).

Tuy nhiên, giới giang hồ thường dùng cờ úp để dễ dàng kiếm ăn. Sức hấp dẫn của cờ úp ở chỗ, trừ 2 con tướng được mở mặt, còn lại 30 quân kia đều giấu mặt. Sau khi các quân cờ được hai đấu thủ úp mặt xuống bàn, họ thay nhau xáo trộn trước khi đậy những cái nắp hộp để che kín con cờ. Họ đổi qua xáo lại lần nữa rồi mới sắp 30 con cờ đó vào các vị trí thông thường.

Khi di chuyển, con cờ ấy mới được “mở mặt”, lúc đó, hiện lên phương vị quân cờ nào sẽ đi theo quân đó. Thế là sĩ, tượng cũng được qua sông và chiếu tướng như thường. Vì vậy, cờ úp biến hoá khôn lường hơn cờ sáng nhưng yếu tố rủi ro cũng chiếm tới 30%. Mà khi độ “ảo” càng cao sẽ khiến người chơi càng mê muội. Thế nên có những ván cờ lên tới vài triệu đồng là chuyện không hiếm.

Một điểm hấp dẫn khác của cờ úp là chẳng bàn cờ nào giống nhau cả, nó đều có sự biến thiên rất lớn từ các cây mở ra, nên dù thua, lần sau “gà” cứ chui vào rọ vì tưởng hôm nay, “đen” mới thua.

“Cao thủ, kỳ thủ” cũng chết vì bịp

Nhưng ít ai biết rằng, với những thợ cờ thì chẳng có gì gọi là “đen - đỏ” cả, chủ yếu vẫn là lừa bịp. Bí quyết quan trọng nhất trong cờ úp là phải biết được quân xe, pháo sau khi úp nằm ở đâu. Có 3 cách để nhận biết, đó là điểm, mài và lên máy.

“Điểm” đơn giản là đánh dấu lên quân cờ hoặc nắp hộp úp cờ. Còn “mài” cầu kỳ hơn, phải mài mấy con xe, con pháo thấp hơn con cờ khác 1 đến 2 mm, đủ để người dùng quen bộ cờ đó có thể nhận biết khi sắp cờ. Hai cách này đều có nhược điểm là phải sử dụng đúng bộ cờ đó mới có thể bịp được, chứ gặp bộ cờ lạ thì bó tay.

Cách khó nhất thường chỉ cao thủ mới dùng là “lên máy”. Cách này có thể phân biệt trình cao hay thấp. Phàm đã là cao thủ thì dù có úp, xáo lên trộn xuống, đổi tay người khác xáo trộn, đậy nắp, thậm chí nhờ người khác úp, nhưng họ vẫn biết quân xe hay quân pháo nằm ở đâu. Nhưng “lên máy” đòi hỏi cao thủ mắt phải nhìn cực nhanh, trí nhớ cực tốt.

Khi chơi, dân lên máy thường đội mũ lưỡi trai sùm sụp để đối thủ không nhận ra mắt họ đang đảo như rang lạc.

Một trong những kế kiếm tiền từ cờ độ đó là bày cờ thế. Trong giới cờ, những tay này chỉ đáng ở hàng “tiểu yêu”. Còn nếu gặp cao thủ thượng thừa, đi đúng nước cờ thì ngay lập từ các tay cờ thế giở bài “xin xỏ” mời bác đi chỗ khác cho em kiếm ăn.

Vì thế, giới cao thủ vẫn coi thường dân cờ thế. Còn muốn chăn “gà” phải có chút thực lực, rê độ “gà” phải có đòn chấp, đòn đỡ, quan trọng là biết thủ dẻo, đưa ván cờ đến chỗ phức tạp làm cho đối phương “rối trí”. Nhiều tay “cờ già” còn tung đòn bẩn, khích bác khiến đối phương nóng giận, cay cú dẫn tới đi hỏng.

Lúc đó, càng đánh càng thua. Trong giới cờ độ, cũng có một quy luật bất thành văn đó là: “Buôn có bạn, bán có phường”, phần lớn thợ cờ thường tụ thành nhóm, đôi lúc để cùng góp vốn độ một ván nhiều tiền. Nguyên tắc thắng cùng ăn, thua cùng chịu và có số đông khi biến cố xảy ra.

Đôi lúc, chân ngoài “phím” chân trong chỉ việc đi theo nên chơi với “thợ” đa phần chỉ có nộp. Hiện nay, thợ cờ còn biết áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, tinh vi như: nhờ cao thủ “bắn nước” qua điện thoại, hoặc dùng phần mềm cài sẵn để dễ dàng chăn “gà”.

Tôi đã chứng kiến nhiều ván cờ, người đi chỉ là “con rối” trong khi “trạng” ngồi quán nước hay chỗ nào đó thuận lợi cho việc quan sát. Đôi này thống nhất ám hiệu như xoa đùi là bình (đi ngang), vuốt đùi từ dưới lên là tiến, vuốt từ trên xuống dưới là thoái (lùi). Về quân thì ám hiệu bằng tay: 1 ngón là xe, 2 ngón là pháo, 3 ngón là mã, 4 ngón là tốt, 5 ngón là tượng, 6 ngón là sĩ, 7 ngón là tướng. Trong bộ ám hiệu, báo quân trước, báo nước đi sau và cuối cùng là vị trí đi.

Ví dụ: “Trạng” giơ 1 ngón tay, xoè 4 ngón tiếp theo, sau đó xoa đùi, rồi lại xoè 5 ngón tay nữa, thế nghĩa là “xe 4 bình 5”. Sau khi tập luyện nhuần nhuyễn, đôi này bắt đầu tìm “gà” để “chăn”, có nhiều “gà” bị vét nhẵn túi mà không biết mình rơi vào bẫy.

Đảo qua một vòng các sới cờ Hà Nội từ: Hoàng Cầu, Định Công, Nghĩa Tân, Hồ Trúc Bạch, Bạch Đằng, Gia Lâm, Ngõ Trạm, Hồ Đắc Di... dễ dàng bắt gặp cảnh đánh cờ độ ngang nhiên ra giá, đưa tiền giữa ban ngày. Phải chăng, cờ tướng vẫn được coi như một thú chơi tao nhã nên công an và các lực lượng chức năng bỏ qua hình thức đánh bạc này? Thật cám cảnh khi cờ tướng, từ một trò chơi dân gian đang bị một bộ phận biến thành trò cá cược làm mất đi nét đẹp văn hóa vốn có.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)