“Thừa ngân hàng, nhưng thiếu sản phẩm!”
Nền kinh tế Việt Nam đang thừa ngân hàng nhưng sản phẩm thì èo uột, vậy trong lúc này có nên lập thêm ngân hàng?
Nền kinh tế Việt Nam đang thừa ngân hàng nhưng sản phẩm thì èo uột, vậy trong lúc này có nên lập thêm ngân hàng?
Với những bộ hồ sơ đã chấp thuận về mặt nguyên tắc nhưng vừa bị dừng cấp phép thành lập và hoạt động thì nên ứng xử như thế nào với chi phí vốn mà doanh nghiệp đã bỏ ra?
Đó là một số trong những vấn đề nổi cộm hiện nay của lĩnh vực ngân hàng mà người viết bài này mong muốn được đề cập tới.
Việt Nam hiện không thiếu ngân hàng
Nên có thêm ngân hàng thương mại mới? Có nhiều người cùng hỏi tôi câu hỏi này và tôi đã trao đổi thẳng thắn: “Chưa nên có thêm ngân hàng mới vào thời điểm này, đặc biệt là cần ngăn cản việc các tập đoàn kinh tế công nghiệp đang có những động thái đua nhau tìm cách xin mở ngân hàng thương mại”.
Câu hỏi nói trên vào thời điểm cuối năm 2008 này càng có thêm cơ sở thực tiễn để củng cố câu trả lời từ một năm trước rằng: chưa nên có thêm ngân hàng thương mại mới, nhất là không nên có loại ngân hàng thương mại do tập đoàn chi phối.
Thậm chí, phải ghi vào luật việc nghiêm cấm các tập đoàn kinh tế công nghiệp hay thương mại thành lập và/hoặc có sở hữu chi phối ngân hàng thương mại, giống như nhiều nước trên thế giới đã phải làm như vậy.
Lý do đơn giản là: nền kinh tế Việt Nam hiện không thiếu ngân hàng, mà chỉ đang thiếu trầm trọng những sản phẩm ngân hàng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân, nhất là những sản phẩm mà nhờ nó các ngân hàng thương mại có thể “chạy tiếp sức” được với thị trường vốn dài hạn trên thị trường chứng khoán.
Nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ đang thiếu chất lượng dịch vụ, thiếu văn hóa phục vụ, thiếu con người có năng lực trong quản trị và điều hành hoạt động ngân hàng, thiếu các dịch vụ ngân hàng hiện đại…
Lúc này và mãi mãi về sau, cần phải xem xét kỹ các điều kiện cần và đủ để được cấp phép thành lập ngân hàng thương mại mới, sao cho thật sự minh bạch, thật sự chặt chẽ hơn vì cả xã hội luôn rất quan tâm đến vấn đề này.
Những ngân hàng đã được chấp thuận trên nguyên tắc, nếu họ không đáp ứng được những điều kiện cần và đủ mới thì đành phải chấp nhận bị loại. Vì được thành lập trên nguyên tắc không có nghĩa là những ngân hàng đó phải được thành lập và đi vào hoạt động chính thức.
Việc được chính thức thành lập hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển kinh tế, tầm nhìn vĩ mô, tình hình thị trường hàng hoá, dịch vụ, nguồn gốc vốn sở hữu, năng lực người điều hành, nguồn nhân lực, chất lượng nhân viên và bản thân thị trường tài chính mà trong đó có vấn đề nhu cầu dịch vụ và mật độ ngân hàng hiện hữu …
Tất nhiên, các ban trù bị, nhà sáng lập ngân hàng sẽ khó tránh khỏi những khó khăn trong quá trình chuẩn bị để chờ ngày khai trương. Vì trên thực tế, những ngân hàng được thành lập trên nguyên tắc cũng phải chuẩn bị công phu và khá đầy đủ về cơ sở vật chất và nhân sự thì mới có thể ra mắt.
Nhưng cũng may mắn là thời gian mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đồng ý trên nguyên tắc đến nay cũng chưa nhiều. Các ban trù bị này có thể chuyển hướng đầu tư sang hình thành mô hình định chế tài chính khác, như thành lập định chế tài chính phi ngân hàng.
Vốn không phải là quan trọng nhất
Để cho ra đời một ngân hàng thì có rất nhiều vấn đề phức tạp. Trong điều kiện hiện nay, vấn đề vốn điều lệ không phải là quan trọng nhất mà quan trọng nhất lại là vấn đề ai sở hữu chính và nguồn nhân lực chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ ở đẳng cấp cao này lấy từ đâu và nền kinh tế hiện có cần nhiều ngân hàng thương mại mới nữa hay không.
Một ngân hàng hoạt động được cần phải có một bộ máy quản trị đủ các tiêu chí về năng lực và lực lượng lao động chuyên ngành đông đảo. Những sinh viên mới ra trường không thể thành thạo ngay việc kinh doanh dịch vụ ngân hàng trong thời gian vài ba năm.
Hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại cũ đang thiếu người tài trong quản trị, thiếu người làm ngân hàng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao. Một ngân hàng thương mại mới ra đời muốn có lực lượng đủ tiêu chí thì chỉ bằng cách “giành giật” chất xám cũng đang còn hiếm hoi từ các ngân hàng cũ mà thôi.
Trong thực tế, thời gian qua sau việc cấp phép thành lập mới cho một số ngân hàng đã thấy xuất hiện rất nhiều vấn đề, biểu hiện rõ nhất là tình trạng chảy máu chất xám về nhân lực của ngân hàng cũ sang ngân hàng mới. Khi những người này ra đi đã mang theo cả bí mật của ngân hàng cũ nơi mà họ đã làm.
Không biết xã hội có chấp nhận những ngân hàng mới hay không, nhưng việc ra đời ngân hàng mới khi chưa đủ điều kiện bền vững đã gây xáo trộn không chỉ hệ thống nhân sự trong toàn ngành ngân hàng mà đến lượt nó, còn gây xáo trộn cả hệ thống khách hàng và chiến lược kinh doanh của nhiều ngân hàng!
Tập đoàn chỉ nên tham gia định chế tài chính phi ngân hàng
Một loại tiêu chí khác rất cần phải xem xét thật kỹ là, hiện nay Việt Nam đã xuất hiện những nhóm tập đoàn công nghiệp góp vốn thành lập ngân hàng. Đây là điều mà nhiều nước trên thế giới không bao giờ cho phép.
Qua nghiên cứu, có thể thấy 10 tập đoàn kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới như: Microsoft, Ford, Volvo, Simens, Sony, Samsung… đều không được phép thành lập ngân hàng thương mại dưới bất cứ hình thức nào, mặc dù trong mỗi tập đoàn nói trên đều có rất nhiều định chế tài chính phi ngân hàng, được gọi là các “trung gian tài chính phi ngân hàng” làm công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế công nghiệp (ví dụ: tập đoàn Volvo của Thụy Điển có tới 8 trung gian tài chính phi ngân hàng, tập đoàn Simens của Đức có 6, tập đoàn Sony của Nhật có 3 trung gian tài chính phi ngân hàng…).
Nếu tập đoàn công nghiệp được phép góp vốn thành lập ngân hàng thì sẽ rất dễ dàng dẫn đến tình trạng lấy vốn xã hội để hoạt động tín dụng “chỉ định” tập trung, và/hoặc cho vay chéo giữa các tập đoàn công nghiệp đồng sở hữu ngân hàng, làm cho rủi ro tín dụng tập trung luôn trong tình trạng nguy cơ cao. Nếu ngân hàng này sụp đổ sẽ dẫn đến hiện tượng domino trong hệ thống ngân hàng. Vì một ngân hàng dù hùng mạnh đến mấy, cũng vẫn là doanh nghiệp của công chúng với trên 90% tổng nguồn vốn là vốn của xã hội.
Vậy nên, cần phải kiểm soát chặt chẽ, không nên để cho các tập đoàn công nghiệp được tham gia góp vốn thành lập ngân hàng dưới bất cứ hình thức nào, mà chỉ cho phép họ được tự mình, và/hoặc góp vốn thành lập công ty tài chính phi ngân hàng.
Đang thiếu tiện ích và văn hóa dịch vụ
Theo tôi, ở thời điểm hiện nay, đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam không nên cho phép thành lập mới các ngân hàng nữa.
Tuy chưa có một nghiên cứu đủ sâu nào để trả lời rành mạch được câu hỏi: đối với một nền kinh tế thị trường thì mật độ ngân hàng thương mại tính trên cư dân, hay trên đơn vị hành chính thì con số ngân hàng thương mại bao nhiêu là vừa đủ… song trên địa bàn cả nước tính đến tháng 8/2008, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã có 5 ngân hàng thương mại nhà nước với tổng cộng trên 4.000 chi nhánh, 2 ngân hàng chính sách với hàng trăm chi nhánh, 5 ngân hàng liên doanh, 36 ngân hàng thương mại cổ phần, 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 quỹ tín dụng nhân dân Trung ương với hơn 30 chi nhánh trải hơn 25 tỉnh, thành phố và 998 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ở cấp phường, xã...
Với những con số này, các chi nhánh, phòng giao dịch và “điểm” dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng hiện hữu cũng đã thực sự “phủ sóng” đến tận các bản làng, thôn xóm. Tại Tp.HCM, với gần 500 phường mà đã có tới gần 1.000 điểm dịch vụ ngân hàng cố định, bình quân mỗi phường có tới 2 điểm dịch vụ ngân hàng. Thành phố Hà Nội cũng trong tình trạng “ra ngõ gặp ngân hàng”...
Bởi vậy, tôi cho rằng vấn đề cơ cấu lại nghiệp vụ, hiện đại và hợp lý hóa công nghệ, nhất thể hoá mạng thanh toán thành mạng thanh toán quốc gia, cân đối lại mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng hiện hữu - thậm chí chưa bàn tới việc mở mới mà bàn luôn đến việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ và xúc tiến nhanh việc cổ phần hoá các ngân hàng thương mại Nhà nước, làm cơ sở để hình thành một vài tập đoàn tài chính mạnh - mới là “những việc cần làm ngay”.
Những việc này cấp bách hơn, cần thiết hơn và khả thi hơn nhiều so với việc cho phép ra đời ngân hàng mới.
Thực ra, câu trả lời về việc có mở mới ngân hàng thương mại vào giai đoạn này hay không đã có câu trả lời từ phía người dân và tổ chức kinh tế. Họ không kêu thiếu ngân hàng, mà chỉ kêu thiếu những tiện ích và văn hóa dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam.
Thậm chí, thực tế cho thấy gần đây đã xuất hiện trong một bộ phận công chúng việc hoài nghi về sự tồn tại hay không tồn tại của một số ngân hàng thương mại nhỏ, năng lực quản trị yếu và đội ngũ nhân viên vừa mỏng, vừa thiếu bản lĩnh nghề nghiệp!
Tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều nếu lại cho ra đời thêm loại ngân hàng thương mại “của” tập đoàn kinh tế công nghiệp! Nếu xã hội có quá nhiều ngân hàng sẽ xuất hiện tình trạng “tranh cướp” người và cạnh tranh thị phần của nhau. “Miếng bánh” thị phần vừa bị cắt vụn, vừa phải nuôi một tổng số các “cỗ máy” ngân hàng nhiều hơn sẽ dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn khó kiểm soát được rủi ro.
Thật sự, việc có thêm nhiều ngân hàng không giúp xã hội tăng thêm nguồn vốn, vì bản thân ngân hàng không “đẻ” ra vốn và “giá trị thặng dư” cho nền kinh tế, mặc dù nếu thiếu ngân hàng thực sự thì sẽ tạo sức ỳ và gây khó khăn cho quá trình vận động của nền kinh tế thị trường.
* Tác giả bài viết là Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước). Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Với những bộ hồ sơ đã chấp thuận về mặt nguyên tắc nhưng vừa bị dừng cấp phép thành lập và hoạt động thì nên ứng xử như thế nào với chi phí vốn mà doanh nghiệp đã bỏ ra?
Đó là một số trong những vấn đề nổi cộm hiện nay của lĩnh vực ngân hàng mà người viết bài này mong muốn được đề cập tới.
Việt Nam hiện không thiếu ngân hàng
Nên có thêm ngân hàng thương mại mới? Có nhiều người cùng hỏi tôi câu hỏi này và tôi đã trao đổi thẳng thắn: “Chưa nên có thêm ngân hàng mới vào thời điểm này, đặc biệt là cần ngăn cản việc các tập đoàn kinh tế công nghiệp đang có những động thái đua nhau tìm cách xin mở ngân hàng thương mại”.
Câu hỏi nói trên vào thời điểm cuối năm 2008 này càng có thêm cơ sở thực tiễn để củng cố câu trả lời từ một năm trước rằng: chưa nên có thêm ngân hàng thương mại mới, nhất là không nên có loại ngân hàng thương mại do tập đoàn chi phối.
Thậm chí, phải ghi vào luật việc nghiêm cấm các tập đoàn kinh tế công nghiệp hay thương mại thành lập và/hoặc có sở hữu chi phối ngân hàng thương mại, giống như nhiều nước trên thế giới đã phải làm như vậy.
Lý do đơn giản là: nền kinh tế Việt Nam hiện không thiếu ngân hàng, mà chỉ đang thiếu trầm trọng những sản phẩm ngân hàng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân, nhất là những sản phẩm mà nhờ nó các ngân hàng thương mại có thể “chạy tiếp sức” được với thị trường vốn dài hạn trên thị trường chứng khoán.
Nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ đang thiếu chất lượng dịch vụ, thiếu văn hóa phục vụ, thiếu con người có năng lực trong quản trị và điều hành hoạt động ngân hàng, thiếu các dịch vụ ngân hàng hiện đại…
Lúc này và mãi mãi về sau, cần phải xem xét kỹ các điều kiện cần và đủ để được cấp phép thành lập ngân hàng thương mại mới, sao cho thật sự minh bạch, thật sự chặt chẽ hơn vì cả xã hội luôn rất quan tâm đến vấn đề này.
Những ngân hàng đã được chấp thuận trên nguyên tắc, nếu họ không đáp ứng được những điều kiện cần và đủ mới thì đành phải chấp nhận bị loại. Vì được thành lập trên nguyên tắc không có nghĩa là những ngân hàng đó phải được thành lập và đi vào hoạt động chính thức.
Việc được chính thức thành lập hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển kinh tế, tầm nhìn vĩ mô, tình hình thị trường hàng hoá, dịch vụ, nguồn gốc vốn sở hữu, năng lực người điều hành, nguồn nhân lực, chất lượng nhân viên và bản thân thị trường tài chính mà trong đó có vấn đề nhu cầu dịch vụ và mật độ ngân hàng hiện hữu …
Tất nhiên, các ban trù bị, nhà sáng lập ngân hàng sẽ khó tránh khỏi những khó khăn trong quá trình chuẩn bị để chờ ngày khai trương. Vì trên thực tế, những ngân hàng được thành lập trên nguyên tắc cũng phải chuẩn bị công phu và khá đầy đủ về cơ sở vật chất và nhân sự thì mới có thể ra mắt.
Nhưng cũng may mắn là thời gian mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đồng ý trên nguyên tắc đến nay cũng chưa nhiều. Các ban trù bị này có thể chuyển hướng đầu tư sang hình thành mô hình định chế tài chính khác, như thành lập định chế tài chính phi ngân hàng.
Vốn không phải là quan trọng nhất
Để cho ra đời một ngân hàng thì có rất nhiều vấn đề phức tạp. Trong điều kiện hiện nay, vấn đề vốn điều lệ không phải là quan trọng nhất mà quan trọng nhất lại là vấn đề ai sở hữu chính và nguồn nhân lực chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ ở đẳng cấp cao này lấy từ đâu và nền kinh tế hiện có cần nhiều ngân hàng thương mại mới nữa hay không.
Một ngân hàng hoạt động được cần phải có một bộ máy quản trị đủ các tiêu chí về năng lực và lực lượng lao động chuyên ngành đông đảo. Những sinh viên mới ra trường không thể thành thạo ngay việc kinh doanh dịch vụ ngân hàng trong thời gian vài ba năm.
Hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại cũ đang thiếu người tài trong quản trị, thiếu người làm ngân hàng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao. Một ngân hàng thương mại mới ra đời muốn có lực lượng đủ tiêu chí thì chỉ bằng cách “giành giật” chất xám cũng đang còn hiếm hoi từ các ngân hàng cũ mà thôi.
Trong thực tế, thời gian qua sau việc cấp phép thành lập mới cho một số ngân hàng đã thấy xuất hiện rất nhiều vấn đề, biểu hiện rõ nhất là tình trạng chảy máu chất xám về nhân lực của ngân hàng cũ sang ngân hàng mới. Khi những người này ra đi đã mang theo cả bí mật của ngân hàng cũ nơi mà họ đã làm.
Không biết xã hội có chấp nhận những ngân hàng mới hay không, nhưng việc ra đời ngân hàng mới khi chưa đủ điều kiện bền vững đã gây xáo trộn không chỉ hệ thống nhân sự trong toàn ngành ngân hàng mà đến lượt nó, còn gây xáo trộn cả hệ thống khách hàng và chiến lược kinh doanh của nhiều ngân hàng!
Tập đoàn chỉ nên tham gia định chế tài chính phi ngân hàng
Một loại tiêu chí khác rất cần phải xem xét thật kỹ là, hiện nay Việt Nam đã xuất hiện những nhóm tập đoàn công nghiệp góp vốn thành lập ngân hàng. Đây là điều mà nhiều nước trên thế giới không bao giờ cho phép.
Qua nghiên cứu, có thể thấy 10 tập đoàn kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới như: Microsoft, Ford, Volvo, Simens, Sony, Samsung… đều không được phép thành lập ngân hàng thương mại dưới bất cứ hình thức nào, mặc dù trong mỗi tập đoàn nói trên đều có rất nhiều định chế tài chính phi ngân hàng, được gọi là các “trung gian tài chính phi ngân hàng” làm công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế công nghiệp (ví dụ: tập đoàn Volvo của Thụy Điển có tới 8 trung gian tài chính phi ngân hàng, tập đoàn Simens của Đức có 6, tập đoàn Sony của Nhật có 3 trung gian tài chính phi ngân hàng…).
Nếu tập đoàn công nghiệp được phép góp vốn thành lập ngân hàng thì sẽ rất dễ dàng dẫn đến tình trạng lấy vốn xã hội để hoạt động tín dụng “chỉ định” tập trung, và/hoặc cho vay chéo giữa các tập đoàn công nghiệp đồng sở hữu ngân hàng, làm cho rủi ro tín dụng tập trung luôn trong tình trạng nguy cơ cao. Nếu ngân hàng này sụp đổ sẽ dẫn đến hiện tượng domino trong hệ thống ngân hàng. Vì một ngân hàng dù hùng mạnh đến mấy, cũng vẫn là doanh nghiệp của công chúng với trên 90% tổng nguồn vốn là vốn của xã hội.
Vậy nên, cần phải kiểm soát chặt chẽ, không nên để cho các tập đoàn công nghiệp được tham gia góp vốn thành lập ngân hàng dưới bất cứ hình thức nào, mà chỉ cho phép họ được tự mình, và/hoặc góp vốn thành lập công ty tài chính phi ngân hàng.
Đang thiếu tiện ích và văn hóa dịch vụ
Theo tôi, ở thời điểm hiện nay, đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam không nên cho phép thành lập mới các ngân hàng nữa.
Tuy chưa có một nghiên cứu đủ sâu nào để trả lời rành mạch được câu hỏi: đối với một nền kinh tế thị trường thì mật độ ngân hàng thương mại tính trên cư dân, hay trên đơn vị hành chính thì con số ngân hàng thương mại bao nhiêu là vừa đủ… song trên địa bàn cả nước tính đến tháng 8/2008, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã có 5 ngân hàng thương mại nhà nước với tổng cộng trên 4.000 chi nhánh, 2 ngân hàng chính sách với hàng trăm chi nhánh, 5 ngân hàng liên doanh, 36 ngân hàng thương mại cổ phần, 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 quỹ tín dụng nhân dân Trung ương với hơn 30 chi nhánh trải hơn 25 tỉnh, thành phố và 998 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ở cấp phường, xã...
Với những con số này, các chi nhánh, phòng giao dịch và “điểm” dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng hiện hữu cũng đã thực sự “phủ sóng” đến tận các bản làng, thôn xóm. Tại Tp.HCM, với gần 500 phường mà đã có tới gần 1.000 điểm dịch vụ ngân hàng cố định, bình quân mỗi phường có tới 2 điểm dịch vụ ngân hàng. Thành phố Hà Nội cũng trong tình trạng “ra ngõ gặp ngân hàng”...
Bởi vậy, tôi cho rằng vấn đề cơ cấu lại nghiệp vụ, hiện đại và hợp lý hóa công nghệ, nhất thể hoá mạng thanh toán thành mạng thanh toán quốc gia, cân đối lại mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng hiện hữu - thậm chí chưa bàn tới việc mở mới mà bàn luôn đến việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ và xúc tiến nhanh việc cổ phần hoá các ngân hàng thương mại Nhà nước, làm cơ sở để hình thành một vài tập đoàn tài chính mạnh - mới là “những việc cần làm ngay”.
Những việc này cấp bách hơn, cần thiết hơn và khả thi hơn nhiều so với việc cho phép ra đời ngân hàng mới.
Thực ra, câu trả lời về việc có mở mới ngân hàng thương mại vào giai đoạn này hay không đã có câu trả lời từ phía người dân và tổ chức kinh tế. Họ không kêu thiếu ngân hàng, mà chỉ kêu thiếu những tiện ích và văn hóa dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam.
Thậm chí, thực tế cho thấy gần đây đã xuất hiện trong một bộ phận công chúng việc hoài nghi về sự tồn tại hay không tồn tại của một số ngân hàng thương mại nhỏ, năng lực quản trị yếu và đội ngũ nhân viên vừa mỏng, vừa thiếu bản lĩnh nghề nghiệp!
Tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều nếu lại cho ra đời thêm loại ngân hàng thương mại “của” tập đoàn kinh tế công nghiệp! Nếu xã hội có quá nhiều ngân hàng sẽ xuất hiện tình trạng “tranh cướp” người và cạnh tranh thị phần của nhau. “Miếng bánh” thị phần vừa bị cắt vụn, vừa phải nuôi một tổng số các “cỗ máy” ngân hàng nhiều hơn sẽ dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn khó kiểm soát được rủi ro.
Thật sự, việc có thêm nhiều ngân hàng không giúp xã hội tăng thêm nguồn vốn, vì bản thân ngân hàng không “đẻ” ra vốn và “giá trị thặng dư” cho nền kinh tế, mặc dù nếu thiếu ngân hàng thực sự thì sẽ tạo sức ỳ và gây khó khăn cho quá trình vận động của nền kinh tế thị trường.
* Tác giả bài viết là Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước). Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.