Thúc đẩy bình đẳng giới từ sửa đổi Bộ Luật Lao động
Để bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở một vài ngày kỷ niệm dành cho phụ nữ
Nam giới được nghỉ làm để chăm con dưới 6 tháng tuổi, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo với sự hỗ trợ của Nhà nước là hai trong số những giải pháp được đề xuất đưa vào Bộ Luật Lao động (sửa đổi) để bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở một vài ngày kỷ niệm dành cho phụ nữ.
Chính phủ Việt Nam đang tiến hành sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động năm 2012 với quan điểm: Bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động, duy trì các chính sách đã có và đang phát huy tác dụng, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách đảm bảo không phân biệt đối xử về quyền, nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm giữa nam giới và nữ giới trong lao động.
Để góp phần thúc đẩy các nguyên tắc và chính sách bình đẳng giới trong quá trình sửa đổi Bộ luật này, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) đã thông qua Dự án Investing in Women tài trợ cho Nhóm chuyên gia của tổ chức này để thực hiện Báo cáo đánh giá tác động của chính sách bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới của người lao động để tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong Sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam.
Đáng chú ý, ngày 19/10 tới, Hội thảo tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong Sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam sẽ được Bộ Lao động Thương binh xã hội Việt Nam, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Tổ chức UN Women, Tổ chức Investing in Women đồng tổ chức tại Hà Nội.
Nam giới được nghỉ chăm con nhỏ
Theo khảo sát của nhóm chuyên gia của Investing in Women, nhiều lao động nam và người sử dụng lao động không biết quyền của lao động nam được nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội về thai sản hoặc ốm đau trong các trường hợp trên. Trong thực tế đã có những trường hợp người sử dụng lao động từ chối giải quyết cho người lao động nam nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ ốm đau.
Vì vậy, Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 đề xuất với tư cách là "Luật gốc" trong lĩnh vực lao động, Bộ luật Lao động nên sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền làm việc của công dân và các quyền liên quan, trong đó có quyền bình đẳng của nam nữ trong thực hiện chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ, nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Từ thực tế đó, nhóm chuyên gia này đề xuất giải pháp: "Người lao động có quyền nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội khi thực hiện biện pháp tránh thai, sinh con, nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật Bảo hiểm Xã hội".
Giải pháp này được đề xuất xét từ mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới giữa lao động nam và nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản và chăm sóc con nhỏ đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tổng hợp và so sánh tác động kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật của các phương án.
Đồng thời, cần bổ sung nội dung khẳng định quyền được nghỉ và hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam: "Lao động nam khi vợ sinh con được nghỉ thai sản, hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội".
Mặc dù lao động nam có thể còn ngần ngại khi thực hiện quyền của mình nhưng việc khẳng định quyền của họ có một ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm bình đẳng giới, xóa bỏ các định kiến xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới cũng như chia sẻ các gánh nặng trong chăm sóc con cái.
Về tác động kinh tế của đề xuất này, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 quy định chế độ thai sản đối với người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, thực hiện biện pháp tránh thai; Chế độ ốm đau đối với người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau.
Tác động kinh tế của các quy định này đã được đánh giá khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Vì vậy, giải pháp này đề xuất này không làm phát sinh chi phí tăng thêm so với tác động kinh tế của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, có hiệu lực từ 01/01/2016.
Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức nhà trẻ
Một giải pháp đáng chú ý khác được nhóm chuyên gia của Investing in Women cho rằng cần đưa vào Bộ Luật lao động là: "Người sử dụng lao động được khuyến khích tham gia tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo của người lao động. Chi phí của người sử dụng lao động khi thực hiện các biện pháp này và các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới khác được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước theo pháp luật về thuế".
Theo các chuyên gia này, người sử dụng lao động có nghĩa vụ giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động. Đồng thời bổ sung quy định rõ, khi thực hiện các biện pháp bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới, người sử dụng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.
Những chi phí của doanh nghiệp hỗ trợ cho xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động được tính là chi phí hợp lý trong sản xuất, kinh doanh.
Về tác động kinh tế, các chuyên gia thực hiện báo cáo này cho rằng doanh nghiệp sẽ được: Giảm thuế thu nhập trên số chi phí giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động; Chi phí hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nam tại doanh nghiệp có con dưới 6 tuổi; Chi phí giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng cơ sở nuôi dạy trẻ dưới 5 tuổi cho lao động nam tại doanh nghiệp vừa và lớn; Chi phí thủ tục hành chính mở nhóm trẻ tại doanh nghiệp.
Về tác động kinh tế đối với Nhà nước, sẽ giảm phần chi phí của doanh nghiệp giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng cơ sở nuôi dạy trẻ dưới 5 tuổi cho lao động nam tại doanh nghiệp vừa và lớn; giảm thuế thu nhập trên số chi phí giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.
Mặc dù, nhìn tổng thể đề xuất không làm phát sinh nhiều tác động kinh tế cho toàn xã hội, nhưng chính sách sẽ giúp phân phối lại thu nhập giữa các nhóm hài hòa hơn, đặc biệt là phân phối thêm cho nhóm yếu thế là người lao động. Do đó, đây có thể ghi nhận là tác động tích cực về mặt kinh tế của đề xuất chính sách này.