07:00 22/01/2025

Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics

Song Hà

Đa phần các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số với sự đầu tư nguồn lực, ngân sách còn hạn chế. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics, cần “bàn tay” của Chính phủ trong chính sách và sự đầu tư từ tư nhân...

Đa phần các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số.
Đa phần các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số.

Tại hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics” do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Thương mại số tại Việt Nam (VDT), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là một trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.

Việc ứng dụng công nghệ số trong logistics sẽ mang lại nhiều lợi ích, tối ưu hiệu quả, góp phần giảm chi phí logistics, khi mà chi phí logistics ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng cao.

CHUYỂN ĐỔI SỐ MỚI Ở GIAI ĐOẠN ĐẦU

Dự thảo báo cáo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam - Thực trạng và khuyến nghị” do nhóm chuyên gia Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID thông tin tại hội thảo cho thấy nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics tương đối cao. Các doanh nghiệp đều cho rằng chuyển đổi số là con đường tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, đa phần các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số.

Theo TS. Nguyễn Thị Xuân Hòa, chuyên gia Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID, sự đầu tư nguồn lực, ngân sách cho hoạt động chuyển đổi số còn hạn chế; thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn; nghiệp vụ quản trị rủi ro và an ninh mạng còn yếu; doanh nghiệp thiếu quy trình và lộ trình thực hiện chuyển đổi số... là những rào cản chính đối với các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Động lực và áp lực buộc doanh nghiệp logistics phải chuyển đổi số chưa thực sự rõ nét. Kết quả khảo sát 4 nhóm doanh nghiệp ngành logistics, gồm: doanh nghiệp cảng; doanh nghiệp kho bãi; doanh nghiệp vận tải; và doanh nghiệp thương mại điện tử, cho thấy có sự khác biệt trong chuyển đổi số giữa các nhóm doanh nghiệp.

Với nhóm doanh nghiệp cảng, mức độ chuyển đổi số tương đối cao: 67% doanh nghiệp được khảo sát áp dụng chuyển đổi số tổng thể, 50% kết nối khách hàng và nhà cung cấp; áp dụng phần mềm cảng thông minh ePort và các phần mềm chức năng; 67% doanh nghiệp dành ngân sách 1-5 tỷ đồng/năm cho chuyển đổi số. Mặc dù vậy, vẫn còn một số khó khăn trong quản lý rủi ro và an toàn thông tin, thiếu quy trình đồng bộ, khung pháp lý chưa thuận tiện, môi trường hoạt động chưa đồng nhất.

Đối với nhóm dịch vụ kho, khảo sát chỉ ra có 63% doanh nghiệp đã có hệ thống kết nối kho; 58% kết nối trên nền tảng với khách hàng; 79% doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản lý kho WMS các phần mềm hỗ trợ khác như phần mềm kế toán, phần mềm nhân sự; 82% doanh nghiệp có ngân sách dành cho chuyển đổi số. Các công nghệ tiên tiến như robotics, hệ thống kệ tự động AS/RS, hệ thống pick-to-light đã được ứng dụng nhưng còn hạn chế. 79% doanh nghiệp cho thấy công tác quản trị được cải thiện; 47% tăng sự hài lòng khách hàng; 58% doanh nghiệp giảm được chi phí.

Ngoài ra, 84% doanh nghiệp đồng ý với yếu tố lãnh đạo ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi số. 47% doanh nghiệp cho rằng thiếu chuyên gia nội bộ để triển khai, 32% doanh nghiệp thiếu nhân lực số. Xu hướng 5 năm tới, 89% doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số là tất yếu, 47% doanh nghiệp chuyển sang sử dụng phần mềm để tối ưu hóa hoạt động.

Tương tự, chuyển đổi số trong nhóm doanh nghiệp vận tải thấp, 20% có thể đạt đến mức độ tương tác với khách hàng và nhà cung cấp; 96% doanh nghiệp có áp dụng công nghệ quản lý vận tải. Ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng nhiều nhất là phần mềm quản lý vận tải. Khó khăn với nhóm dịch vụ vận tải trong chuyển đổi số là thiếu nguồn nhân sự chuyên trách về công nghệ thông tin; thiếu quy trình, lộ trình cho chuyển đổi số; hạn chế nguồn vốn cho chuyển đổi số và thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Đáng chú ý, dịch vụ giao hàng chặng cuối là lĩnh vực có mức độ chuyển đổi số cao nhất trong các nhóm ngành logistics do áp lực từ khách hàng. Cụ thể, 86% doanh nghiệp có thực hiện số hóa, cho phép kết nối khách hàng, nhà cung cấp. Các ứng dụng công nghệ chuyên môn được sử dụng phổ biến nhất trong nhóm giao hàng chặng cuối là phần mềm quản lý vận tải được kết nối trực tiếp với các hệ thống xử lý đơn hàng của các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, dịch vụ này có sự đầu tư đáng kể về nguồn lực cho chuyển đổi số, ngân sách cho hoạt động chuyển đổi số cao nhất trong các phân nhóm logistics.

Các yếu tố rủi ro về bảo mật, an ninh mạng là khó khăn lớn nhất với dịch vụ giao hàng chặng cuối, 71% gặp khó khăn về nguồn vốn cho các giải pháp tổng thể. 29% doanh nghiệp dành ngân sách 10,4 tỷ đồng/năm cho chuyển đổi số.

Trước các khó khăn trên, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics Việt Nam, bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID, khuyến nghị doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số, thể hiện vai trò của tất cả các bộ phận trong kế hoạch đó, truyền thông đầy đủ và xây dựng cơ chế KPI cho các đầu mục công việc về chuyển đổi số.

Nguồn lực tài chính của đa số các doanh nghiệp logistics còn hạn chế trong khi chi phí đầu tư cho nhân sự công nghệ thông tin, các trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm tương đối cao. Vì thế, bà Hương cho rằng doanh nghiệp nên chia nhỏ mục tiêu chuyển đổi số, làm từ những ứng dụng đơn giản trước. Tìm kiếm các giải pháp dạng “on cloud” (giải pháp công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu qua điện toán đám mây) thay vì viết riêng cho doanh nghiệp mình.

THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP LỚN TIÊN PHONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Ở góc độ vĩ mô, nhóm nghiên cứu đề xuất, Chính phủ cần ban hành chiến lược quốc gia về phát triển ngành dịch vụ logistics, trong đó tích hợp các mục tiêu và phương án chuyển đổi số trong logistics; thành lập Ủy ban Logistics quốc gia để triển khai chiến lược này. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử, vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại, vấn đề quản trị kỹ thuật số; tích hợp các chức năng về giám sát mạng lưới, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Cùng với đó, lập Quỹ Khởi nghiệp logistics xanh do Nhà nước hậu thuẫn, tập trung vào việc đưa những ý tưởng mới và các giải pháp sáng tạo về logistics xanh ra thị trường, tạo nguồn cung đa dạng về các giải pháp chuyển đổi số với chi phí hợp lý, giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn tối ưu hơn. Triển khai các dự án phi lợi nhuận về tư vấn, hỗ trợ triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa.

Ngoài ra, cần ban hành cơ chế hỗ trợ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi cho các dự án chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics. Thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tiên phong trong triển khai chuyển đổi số và kết nối các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị.

Theo ông Trevor O’Regan - chuyên gia Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID, nhu cầu đầu tư vào kỹ năng số dù ở nước nào cũng quan trọng hơn bao giờ hết, là phần không thiếu được trong tương lai. Do đó, cần tăng cường nhận thức về việc tạo thuận lợi hóa thương mại trong nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cần có trường đại học chuyên ngành đặt gần khu thương mại tự do hoặc gần cảng, trong đó tập trung vào nội dung logistics.

“Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên cân nhắc xem Chính phủ cần làm gì, tháo gỡ rào cản thế nào để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Bởi các doanh nghiệp FDI khi lựa chọn địa điểm đầu tư thường xem xét kết quả nghiên cứu, rào cản thủ tục hành chính ở các nước đó thế nào. Nếu chúng ta có rào cản lớn về thủ tục sẽ là yếu tố ngăn cản đầu tư vào Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam cần tiến hành hoạt động thương mại nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nếu có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, giảm thủ tục hành chính thì đây chính là bước để tiến hành hoạt động thương mại tốt hơn”, chuyên gia USAID nhấn mạnh.

Tính bền vững và logistics xanh là yếu tố quan trọng. Người tiêu dùng cuối cùng, thế hệ tương lai của Việt Nam cần có logistics xanh. Không chỉ là ngày mai mà sau này nữa, chúng ta cần biến Việt Nam thành địa điểm cung cấp dịch vụ logistics xanh. Song, để làm được điều này cần có đầu tư. Đầu tư không chỉ đến từ Chính phủ mà còn từ khu vực tư nhân. Chính phủ không thể đầu tư được tất cả các lĩnh vực, do đó cần sự đầu tư từ tư nhân về công nghệ và hạ tầng số...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 3-20245 phát hành ngày 20/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics  - Ảnh 1