10:25 13/10/2015

Thúc đẩy khát vọng cho doanh nhân Việt

Lê Châu

Để khởi nghiệp thành công không chỉ phải có khát vọng, đam mê, dũng cảm mà còn phải luôn sáng tạo và đổi mới

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
“Việt Nam cần có chương trình quốc gia về khởi nghiệp để thúc đẩy khát vọng kinh doanh của doanh nhân Việt. Khởi nghiệp thành công sẽ góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế”.

Nói về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ doanh nhân Việt, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam như là lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Hiến pháp năm 2013 cũng đã hiến định vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Ngày 13/10 hàng năm được Đảng và Nhà nước ta gọi là ngày Doanh nhân Việt Nam để tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân Việt.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước như nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Bên cạnh đó, Ban bí thư cũng có kết luận số 64 - KL/TW ngày 9/12/2010  về kết quả thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

"Trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều luật, nghị định, quyết định và văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian tới, các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội sửa đổi và thông qua, sẽ ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, cả về quy mô lẫn hiệu quả kinh tế", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 

Làm thế nào để thực sự lớn?

Các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua đã thực thi nhiều cải cách pháp lý cũng như kỹ thuật nhằm đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, nhưng dường như vẫn còn thiếu gì đó để đội ngũ này thực sự lớn mạnh?

Tôi cho rằng, Việt Nam cần có chương trình quốc gia về khởi nghiệp để thúc đẩy khát vọng kinh doanh của doanh nhân Việt. Khởi nghiệp thành công sẽ góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế.

Mọi khởi sự doanh nghiệp thành công sẽ có vị trí quan trọng, lâu dài, bền vững, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia hoặc tự phát triển sang quy mô lớn hơn. Cùng với sự lớn mạnh của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển là một động lực quan trọng của nền kinh tế. 

Khi tôi sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Giám sát Tài chính Hàn Quốc cho biết, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế mới của Tổng thống Park Geun-hye, bất cứ ai có phát minh, sáng chế, ý tưởng kinh doanh được Nhà nước tuyển chọn thì đều được Nhà nước tài trợ vốn để thành lập doanh nghiệp và Hàn Quốc gọi đây là đầu tư mạo hiểm, đầu tư rủi ro để mang tới sự phát triển năng động cho cả nền kinh tế. Chính sách kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc đang tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế bằng các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp như Quỹ Yozma (Thiên thần).

Hay như tại Hoa Kỳ, việc thiết lập các Quỹ đầu tư tác động và Quỹ sáng kiến giai đoạn đầu (số vốn 1 tỷ USD/quỹ); sự ra đời của Thung lũng Silicon với tài trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm và đổi mới công nghệ là những yếu tố rất quan trọng cho phong trào thương mại hóa công nghệ. 

Còn bài học của Israel, một đất nước nhỏ bé, đất đai cằn cỗi, vốn duy nhất là con người. Năng lượng sống của người Israel là tinh thần làm việc sáng tạo, hướng đến sự sáng tạo, luôn sẵn sàng mạo hiểm và tự làm mới bản thân. Đây chính là tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia khởi nghiệp: cứ 1.844 người Israel thì có một doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ và đầu tư mạo hiểm...

Sự lan tỏa cho hàng triệu thanh niên Việt

Nhưng ở Việt Nam, văn hóa khởi sự doanh nghiệp chưa nhiều nên chưa tạo ra sức mạnh cộng đồng khởi nghiệp, thậm chí, hoạt động khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2014 đã thấp hơn 2013 và tụt xa so với các nước. Phải làm gì trước thực trạng này, thưa ông?

Tại Việt Nam, việc phát triển các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân giàu kiến thức kỹ năng, có trách nhiệm xã hội, có văn hóa kinh doanh và năng lực cạnh tranh cao. 

Chương trình Khởi nghiệp quốc gia được tổ chức từ năm 2003 đã thu hút được hàng vạn lượt bạn trẻ với gần 2.300 dự án và ý tưởng kinh doanh tham gia, góp phần khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên Việt Nam nói chung và sinh viên nói riêng. Rất nhiều bạn trẻ đã trưởng thành từ chương trình đã trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công doanh nghiệp của mình. 

Chương trình công tác năm 2015 của Ban Kinh tế Trung ương cũng đặt trọng tâm nghiên cứu thể chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Với tinh thần thúc đẩy khát vọng kinh doanh Việt cũng như nâng cao hiệu quả các chính sách và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam, tháng 6 vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Việt Nam. Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, đã đến lúc cần có chương trình quốc gia về khởi nghiệp.

Ông có chia sẻ gì với doanh nghiệp về hành trình “vạn sự khởi đầu nan” này?

Khởi nghiệp là sự khởi đầu của một hành trình, là sự lựa chọn để gây dựng sự nghiệp. “Vạn sự khởi đầu nan”, khởi sự doanh nghiệp hay khởi nghiệp còn gian nan hơn, không ai muốn thất bại nhưng chỉ có một số thành công. Để khởi nghiệp thành công không chỉ phải có khát vọng, đam mê, dũng cảm mà còn phải luôn sáng tạo và đổi mới. 

Bên cạnh đó, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc giữa Việt Nam với các nước đã đặt ra những yêu cầu khắt khe về năng lực sáng tạo, trình độ công nghệ đối với doanh nhân Việt Nam khi khởi nghiệp. Đồng thời đòi hỏi Nhà nước phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tạo điều kiện, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là nhóm chính sách về đầu tư, vườn ươm khoa học công nghệ, đầu tư nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo trong điều kiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh. 

Chúng ta đã có những chàng trai như Nguyễn Hà Đông với trò chơi “Chú chim khó tính” (Flappy Bird) đã thổi bùng tinh thần lập nghiệp bằng chính sự sáng tạo của tuổi trẻ. Sự lựa chọn lập nghiệp của Nguyễn Hà Đông và rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công của Việt Nam chắc chắn sẽ tạo sự lan tỏa cho hàng triệu thanh niên Việt Nam trên con đường khởi nghiệp.

Có thể vươn lên trong mọi hoàn cảnh

Cùng với tiếp sức cho khởi nghiệp, thì sự bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế hẳn là điều không thể thiếu nếu thực sự muốn thúc đẩy khát vọng kinh doanh cho doanh nhân Việt, thưa ông?

Đúng là như vậy. Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước đều coi các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật và đều có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã khẳng định, cần có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam, không phân biệt thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Ông có đánh giá gì về đội ngũ doanh nhân của chúng ta?

Doanh nhân Việt có thể vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào, những lúc cần thiết luôn có sức cạnh tranh kiên cường và bền bỉ, có thể xây dựng, phát triển các thương hiệu quốc gia cùng với nhiệm vụ hoàn thiện chính sách công nghiệp quốc gia như Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XII đã chỉ rõ.

Tôi vừa đi Israel về, trong khi mình bày tỏ sự khâm phục và lòng ngưỡng mộ đối với đất nước, con người Israel - một quốc gia khởi nghiệp thì chính họ, cả các chính trị gia, các tỷ phú và người dân bình thường cũng đánh giá rất cao đất nước, con người và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Không chỉ ở Israel mà ở nhiều nước khác cũng có niềm tin vào đội ngũ doanh nhân Việt Nam và tương lai tươi sáng của Việt Nam.