07:51 14/12/2024

Thúc đẩy liên kết, tìm đầu ra cho rau, quả Việt Nam

Vũ Khuê

Với đà phát triển hiện nay và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng từ các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Asean…, ngành rau quả Việt Nam đang thiết lập các kỷ lục mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, chuỗi cung ứng rau quả của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức…

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt con số kỷ lục 7,2 tỷ USD trong năm 2024.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt con số kỷ lục 7,2 tỷ USD trong năm 2024.

Tại tọa đàm “Kết nối Chuỗi Cung ứng và Giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu ngành Rau, Hoa, Quả Việt Nam” trong khuôn khổ Hội nghị Giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025), ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam (Vinafruit), cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả nhiệt đới trên thị trường khu vực và quốc tế.

TÌNH TRẠNG “BẺ KÈO” DIỄN RA THƯỜNG XUYÊN

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia xuất khẩu nhiều trái cây số lượng lớn, đặc biệt vào các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, và Hàn Quốc, Nhật Bản, Asean. Hơn nữa, Việt Nam hiện đang là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với các nước trong khu vực. Năm 2022 trở về trước kim ngạch rau quả chỉ đạt 3,3 tỷ USD, nhưng năm 2023 đã tăng lên số kỷ lục 5,6 tỷ USD và năm nay ước đạt 7,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, thách thức với ngành rau, quả hiện nay là chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế như: sản phẩm dễ bị nhiễm hóa chất, vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do quy mô sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến chất lượng không đồng đều, thiếu các thông tin về thị trường nên khó khăn trong việc áp dụng thực hiện những tiêu chuẩn quy định của các nước nhập khẩu.

Nhiều sản phẩm chưa đạt các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và môi trường như VietGap, GlobalGAP, Smeta, HACCP, Halal.... Phần lớn sản phẩm xuất khẩu ở dạng tươi, giá trị gia tăng thấp.

Mặt khác, giao thông vận tải chưa đồng bộ, giao thông nội vùng, cao tốc chưa đầu tư đúng mức yêu cầu... làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển, gây khó khăn trong thu hoạch, bảo quản, làm thất thoát lớn sản phẩm sau thu hoạch (khoảng 20-30%).

Hơn nữa, xuất khẩu rau, hoa, quả Việt Nam hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (khoảng 65%), dẫn đến rủi ro cao khi có thay đổi chính sách hoặc yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu.

Ngoài những khó khăn trên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), cho biết người nông dân vẫn chủ yếu tiêu thụ sản phẩm qua kênh truyền thống, nên tình trạng giá bấp bênh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn xảy ra. Để có được hợp đồng bao tiêu tiêu thụ sản phẩm là không nhiều, do tư duy hàng hoá, thị trường của người nông dân chưa rõ ràng.

“Mối liên kết doanh nghiệp – nông dân rất lỏng lẻo. Daveco thường xuyên gặp phải tình trạng “bẻ kèo” dù đã ký kết hợp đồng bao tiêu. Doanh nghiệp đầu tư từ A- Z, từ giống đến phân bón, đi lại, tập huấn, chuyển giao công nghệ cho nông dân, nhưng chỉ cần giá thị trường lên cao hơn một vài giá thì họ sẵn sàng bán ra ngoài”, ông Tùng chia sẻ, và cho rằng chính điều này đã đẩy doanh nghiệp vào tình trạng luôn thiếu đơn hàng do doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho phát triển vùng nguyên liệu, thị trường xuất khẩu.  

GIA TĂNG CHUỖI CUNG ỨNG

Để cải thiện mối liên kết giữa người sản xuất, nhà phân phối, theo ông Tùng, cần quản lý chất lượng sản phẩm ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào, định hướng cho người nông dân về nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng những năm qua “được mùa mất giá”, chạy theo xu thế.

Đơn cử như sầu riêng, khi có giá thì người dân đổ xô đi trồng sầu riêng, mít cũng vậy. Hay xoài ở Sơn La năm 2018-2019, diện tích xoài ở địa phương này quá lớn, lên tới 15 nghìn ha, tuy nhiên 4 năm gần đây giá xoài rất thấp chỉ từ 2.400 đồng -2.500 đồng/kg, nên tình trạng chặt bỏ nhiều.

Mặt khác, Nhà nước cần có quy hoạch về các vùng cây ăn quả sao cho phù hợp với địa lý, thổ nhưỡng từng vùng. Cùng với đó cần đa dạng sản phẩm, đổi mới sản phẩm.

Về vấn đề bao tiêu sản phẩm, ông Tùng cho rằng ở Việt Nam chưa bao giờ có tiền lệ doanh nghiệp đi kiện nông dân nếu phá vỡ hợp đồng. Để tránh tình trạng “bẻ kèo”, phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong vấn đề ký kết bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân. Cần làm thay đổi tư duy, nhận thức cho người nông dân trong hợp tác tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, việc thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng là "chìa khoá" để nâng cao giá trị và sự cạnh tranh cho ngành rau quả Việt Nam. Hiệp hội sẽ tiếp tục xây dựng cầu nối giữa các thành viên để các doanh nghiệp, hợp tác xã, các bên liên quan trong chuỗi cung ứng gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Đồng thời thúc đẩy các bên tham gia vào các mô hình liên kết hiệu quả từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp nông dân tăng thu nhập, doanh nghiệp có nguồn cung ổn định và người tiêu dùng có sản phẩm chất lượng cao. Tổ chức cho hội viên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác…

Ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc Công ty triển lãm Minh Vi thông tin, hàng năm tại Triển lãm quốc tế chuyên ngành công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả, ngoài việc trưng bày, kết nối giao thương, triển lãm còn có các chương trình hội thảo, diễn đàn xuất khẩu, các buổi chia sẻ kinh nghiệm của người làm vườn…

Sự kiện là cơ hội giao thương, kết nối trực tiếp các nhà sản xuất, người trồng trọt và những nhà mua hàng quốc tế uy tín. Đồng thời giúp đơn giản hóa quá trình tìm nguồn cung ứng và thị trường tiêu thụ, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nông dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp khám phá các thị trường xuất khẩu tiềm năng và cập nhật tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu quốc tế.

 

Triển lãm quốc tế chuyên ngành công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025) sẽ diễn ra từ ngày 12-14/3/ 2025 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).

Điểm đặc biệt của sự kiện chính là lần đầu tiên HortEx Vietnam kết hợp với Agritechnica Asia– thương hiệu triển lãm hàng đầu thế giới về máy và thiết bị nông nghiệp do DLG tổ chức. Sự kiện dự kiến quy tụ hơn 400 nhà trưng bày từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 15.000 lượt khách tham quan thương mại.

Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra hàng loạt chương trình nổi bật như: Hội thảo chuyên đề, Diễn đàn xuất khẩu – Export Forum, Grower Talk, Chương trình khách mua hàng VIP, Retailer Workshop…

Triển lãm không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh, hợp tác thương mại và đầu tư, mà còn là cầu nối giao thương quan trọng, giúp các sản phẩm nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế, chinh phục các tiêu chuẩn toàn cầu.