06:00 07/07/2021

Thúc đẩy thịt nhân tạo, Singapore muốn trở thành “thung lũng Silicon thực phẩm“ ở châu Á

Hoài Thu

Thịt từ phòng thí nghiệm và rau xanh trong nhà đang nhà phát triển nở rộ tại Singapore khi đại dịch Covid-19 càng làm nổi lên những thách thức về an ninh lương thực...

Thịt thực vật của công ty Beyond Meat, có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) được bán phổ biến tại Singapore - Ảnh: Beyond Meat
Thịt thực vật của công ty Beyond Meat, có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) được bán phổ biến tại Singapore - Ảnh: Beyond Meat

Tháng 12/2020, Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép bán thịt nhân tạo trên thị trường. Động thái này khiến nhiều người bất ngờ, nhưng với giới quan sát trong ngành, đây không phải điều đáng ngạc nhiên. 

THỊ TRƯỜNG THỊT NHÂN TẠO ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI

“Không phải ngẫu nhiên mà Singapore là thị trường thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Chính phủ đã đầu tư nguồn lực cần thiết để tạo ra một hệ sinh thái chào đón những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thực phẩm”, bà Mirte Gosker đến từ tổ chức phi lợi nhuận Good Food Institute Asia Pacific (GFI APAC) cho biết. 

Đầu bếp Kaimana Chee của Eat Just chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhìn thấy thịt gà nhân tạo từ phòng thí nghiệm sẽ xuất hiện trên đĩa của người tiêu dùng - Ảnh: Nikkei Asia
Đầu bếp Kaimana Chee của Eat Just chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhìn thấy thịt gà nhân tạo từ phòng thí nghiệm sẽ xuất hiện trên đĩa của người tiêu dùng - Ảnh: Nikkei Asia

Động thái đột phá của Singapore đối với thịt nhân tạo và các loại protein thay thế (làm từ thực vật, côn trùng, tảo và nấm) nằm trong nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu của ngành thực phẩm nước này. 

Singapore là quốc gia đi tiên phong trong cuộc chiến đảm bảo nguồn cung thực phẩm đáng tin cậy tại châu Á. Theo ước tính của Liên hợp quốc, năm 2019, khoảng hơn 350 triệu người tại châu Á bị suy dinh dưỡng, khoảng 1 tỷ người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng, hoặc không có khả năng tiếp cận nguồn lương thực ổn định hoặc không có lương thực, đôi khi trong nhiều ngày. Đại dịch Covid-19 bùng phát càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực tại khu vực này. 

Tại Singapore, chính phủ chọn cách đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm để đảm bảo an ninh lương thực. Nước này hiện nhập khẩu lương thực từ hơn 170 quốc gia và khu vực, trong khi con số này vào năm 2004 chỉ là khoảng 30. Singapore cũng nỗ lực để tự cung cấp thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước. Năm 2019, nước này công bố mục tiêu “30:30”, tức là tự sản xuất 30% nhu cầu lương thực trong nước vào năm 2030, tăng từ mức 10% hiện tại. 

Là một quốc gia giàu có, Singapore xếp hạng khá cao trong Chỉ số An ninh Lương thực - thức 19 trong xếp hạng toàn cầu năm 2020 của Economist Intelligence Unit. Trong điều kiện bình thường, Singapore không phải lo về vấn đề an ninh lương thực do không thiếu tiền để mua. Tuy nhiên, khi xảy ra gián đoạn trong sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề trở nên nghiêm trọng. 

Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giá lương thực tăng cao cũng như nhiều sự kiện khác như Malaysia ngừng xuất khẩu cá, khiến sự dễ tổn thương trong an ninh lương thực càng trở nên rõ rệt. Tiếp đó là đại dịch Covid-19. Một số quốc gia ngừng xuất khẩu một số mặt hàng lương thực để phục vụ nhu cầu trong nước hoặc do tình trạng phong tỏa. 

Theo ông Melvin Chow, giám đốc cấp cao tại Bộ phận Quản lý và Phát triển Cơ sở Hạ tầng Thực phẩm của Cơ quan Lương thực Singapore, chiến lược 30:30 giúp Singapore giảm thiểu những nguy cơ do gián đoạn nguồn lương thực nhập khẩu. Tuy nhiên, việc nuôi trồng nông nghiệp tại Singapore không hề dễ dàng do diện tích nhỏ hẹp và mật độ dân số dày đặc. Nước này chỉ có 1% quỹ đất dành cho nông nghiệp. Ông Chow cho biết đó là lý do giờ đây Singapore chuyển sang phát triển năng lực khoa học và công nghệ để có những giải pháp đột phá trong lĩnh vực thực phẩm. 

TỰ ĐỊNH VỊ LÀ "THUNG LŨNG SILICON THỰC PHẨM" CỦA CHÂU Á

Đó cũng là cơ hội mở ra cho các startup công nghệ thực phẩm. 

"Protein từ thực vật và tế bào cần ít không gian và tài nguyên hơn để sản xuất cùng một lượng thực phẩm so với các phương thức truyền thống”, Bernice Tay, giám đốc sản xuất thực phẩm tại Enterprise Singapore - một hội đồng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết. 

Chính phủ Singapore cũng đẩy mạnh phát triển công nghệ thực phẩm với việc đầu tư 144 triệu Đôla Singapore (107 triệu USD) cho các chương trình nghiên cứu và phát triển thực phẩm tới năm 2025. Enterprise Singapore cũng hợp tác với một số quỹ đầu tư quốc tế, như Big Idea Ventures, để đầu tư vào protein thay thế. 

Tháng 4/2021, Singapore ra mắt Trung tâm An toàn Thực phẩm Sẵn sàng cho tương lai để nghiên cứu về sự an toàn của các loại thực phẩm mới và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu của các doanh nghiệp. Tháng 9 tới, Đại học Công nghệ Nanyang, hợp tác với GFI APAC, sẽ bắt đầu tuyển sinh khóa học kéo dài 1 kỳ về công nghệ và kinh doanh protein thay thế. 

Thúc đẩy thịt nhân tạo, Singapore muốn trở thành “thung lũng Silicon thực phẩm“ ở châu Á - Ảnh 1
Thúc đẩy thịt nhân tạo, Singapore muốn trở thành “thung lũng Silicon thực phẩm“ ở châu Á - Ảnh 2
Thúc đẩy thịt nhân tạo, Singapore muốn trở thành “thung lũng Silicon thực phẩm“ ở châu Á - Ảnh 3
 

Một số món ăn làm từ thịt nhân tạo tại Singapore - Ảnh: Impossible/Byond Meat

Andre Menezes, người đồng sáng lập Next Gen - công ty mới ra mắt thịt gà làm từ đậu nành hồi tháng 3 - gọi Singapore là “một hệ sinh thái toàn diện trên một hòn đảo rất nhỏ và đông đúc”.

“Singapore đang bắt đầu tự định vị là Thung lũng Silicon về công nghệ thực phẩm. Hồi tháng 2, Next Gen huy động được 10 triệu USD vốn đầu tư từ một nhóm các nhà đầu tư bao gồm cả quỹ nhà nước Temasek International. Đây là khoản đầu tư lớn nhất đến từ một liên doanh công nghệ thực phẩm gốc thực vật. Tới tháng 6, công ty đã mở rộng sang thị trường Hồng Kông, Macao và Kuala Lumpur”, ông Menezes cho biết.

Trong hơn 2 năm qua, hơn 15 công ty sản xuất protein thay thế đã ra đời tại Singapore. Nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động đây gồm có Eat Just, Perfect Day, Next Gen, Shiok Meats và Gaia Foods. Trong đó, hai startup Singapore Shiok Meats và Gaia Foods đang lần lượt nghiên cứu sản xuất thủy sản và thịt đỏ. 

Một trụ cột khác trong mục tiêu 30:30 của Singapore là hoạt động canh tác trong nhà công nghệ cao. Hiện tại, nước này có 31 trang trại như vậy, trong đó 28 nơi trồng rau và 3 nơi nuôi cá. 

Thực tế là các trang trại trong nhà "có khả năng chống chịu một số tác động của biến đổi khí hậu" với năng suất cao hơn 10-15 lần trên mỗi hecta so với phương thức truyền thống, ông Chow cho biết.

Trang trại Commonwealth Greens có thể thu hoạch tới 100 tấn rau mỗi năm - Ảnh: Nikkei Asia
Trang trại Commonwealth Greens có thể thu hoạch tới 100 tấn rau mỗi năm - Ảnh: Nikkei Asia

Commonwealth Greens, một trong số các trang trại này, có thể thu hoạch tới 100 tấn rau mỗi năm, gần bằng 1% tổng sản lượng rau ăn lá tại Singapore. Trong những căn phòng có trần cao tại một tòa nhà công nghiệp lớn, Commonwealth Greens trồng rau mù tạt, cải thìa, me chua cùng nhiều loại rau khác trong các thùng nhựa. Mỗi giá trồng dài khoảng 1m, được kết nối với dải đèn LED riêng, treo lơ lửng trên trần nhà. 

"Bộ não" của hệ thống này là hai cảm biến nằm ở phía trước mỗi phòng. Một cảm biến điều khiển nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, carbon dioxide và mức độ axit. Cảm biến còn lại đo lượng và thành phần chất dinh dưỡng dạng lỏng tưới cho rau. 

"Công nghệ của chúng tôi kết hợp việc sử dụng internet vạn vật, cho phép thu thập lượng dữ liệu phong phú rất quan trọng về cây trồng”, Sven Yeo - đồng sáng lập, giám đốc công nghệ của Archisen, công ty điều hành trang trại Commonwealth Greens, cho biết.

CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC CỦA CHÂU Á

Những người ủng hộ cho rằng các trang trại trong nhà và protein thay thế tạo ra những sản phẩm sạch hơn, có ít hoặc không có thuốc trừ sâu, kháng sinh hoặc hormone thường thấy trong nhiều loại thực phẩm hiện nay. 

Theo nhà phân tích Aileen Supriyadi của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, người tiêu dùng ngày càng chỉ trích các loại thực phẩm họ ăn hàng ngày, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi gần đây ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi trong khu vực. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm. 

Tuy nhiên, thịt nuôi cấy từ tế bào cũng vấp phải không ít hoài nghi. Theo một khảo sát với 1.068 người dân Singapore hồi tháng 12/2020 trên YouGov Omnibus, 42% người tham gia cho biết họ sẽ không ăn loại thịt này. Một khảo sát năm ngoái của Euromonitor cũng cho thấy 36,5% người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương thích các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên. Tỷ lệ này tại khu vực châu Âu là 33,3% và Bắc Mỹ là 28,4%. 

Mặc dù vậy, với Singapore, các trang trại và phòng thí nghiệm công nghệ cao mang đến giải pháp hợp lý để tăng sản lượng lương thực. Nhiều chuyên gia cho rằng đây cũng là con đường phía trước của nhiều quốc gia châu Á khác. 

Một thách thức lớn với các trang trại trong nhà là chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ cao - điều mà không phải quốc gia châu Á nào cũng có khả năng đầu tư như Singapore. Bên cạnh đó, giá sản phẩm cao cũng là một rào cản đối với các sản phẩm từ protein thay thế. 

Sản phẩm thịt làm từ thực vật của startup Let’s Plant Meat, có trụ sở tại Thái Lan - Ảnh: Let’s Plant Meat 
Sản phẩm thịt làm từ thực vật của startup Let’s Plant Meat, có trụ sở tại Thái Lan - Ảnh: Let’s Plant Meat 

Tuy nhiên, theo bà Gosker của GFI APAC, châu Á "đang sở hữu lợi thế riêng có để tận dụng làn sóng chuyển dịch sang các loại thực phẩm làm từ protein thay thế" với nền tảng nông nghiệp phong phú, cơ sở hạ tầng, khả năng mở rộng sản xuất, cũng như quy mô thị trường khổng lồ. 

"Các nhà sản xuất tại châu Á hiện có khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu gần như không giới hạn, chế biến chúng theo những cách mới và sáng tạo và sản xuất thế hệ thịt gốc thực vật tiếp theo”, bà Gosker cho biết.