13:52 21/06/2023

Thực hiện kế hoạch cải tổ lớn nhất lịch sử, Alibaba sắp có chủ tịch và CEO mới

Phương Linh

Trong thông báo ngày 20/6, tập đoàn Alibaba của Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện cuộc thay đổi bộ máy lãnh đạo lớn với việc thay thế Chủ tịch kiêm CEO Daniel Zhang...

CEO Alibaba Daniel Zhang (phải) và phó chủ tịch điều hành Joseph Tsai vào năm 2019. Ông Tsai sẽ thay thế ông Zhang làm chủ tịch Alibaba - Ảnh: AP
CEO Alibaba Daniel Zhang (phải) và phó chủ tịch điều hành Joseph Tsai vào năm 2019. Ông Tsai sẽ thay thế ông Zhang làm chủ tịch Alibaba - Ảnh: AP

Tiếp quản vị trí chủ tịch của ông Zhang là ông Joseph Tsai - nhà đồng sáng lập và hiện là phó chủ tịch điều hành tập đoàn. Còn vị trí CEO sẽ thuộc về ông Eddie Wu - hiện là chủ tịch mảng thương mại điện tử gồm Taobao và Tmall Group.

Tân chủ tịch và tân CEO sẽ bắt đầu tiếp quản vị trí mới vào tháng 9 tới. Còn ông Zhang sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch kiêm CEO phụ trách mảng điện toán đám mây của Alibaba.

Đây là lần thứ hai Alibaba có thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo trong vài năm qua, kể từ sau khi người đồng sáng lập Alibaba rút khỏi tập đoàn vào năm 2019. Thông thay đổi nhân sự lãnh đạo được đưa ra chỉ vài tháng sau khi tập đoàn này công bố kế hoạch tái cấu trúc trong lịch sử 24 năm.

Hồi tháng 3, Alibaba thông báo sẽ chia tách tập đoàn làm 6 bộ phận riêng biệt, bao gồm điện toán đám mây, thương mại điện tử, hậu cần, truyền thông và giải trí. Mỗi bộ phận sẽ được quản lý bởi CEO và ban giám đốc riêng và hầu hết các bộ phận có thể theo đuổi việc niêm yết cổ phiếu hoặc huy động vốn riêng.

“Đây là thời điểm phù hợp để tôi thực hiện việc chuyển đổi, bởi mảng điện toán đám mây Alibaba Cloud Intelligence Group có tầm quan trọng lớn khi đang có những thay đổi toàn diện”, ông Zhang, người giữ vị trí CEO của Alibaba kể từ năm 2015, cho biết trong một thông báo. “Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của AI tạo sinh (generative AI) đã mở ra những cơ hội mới cho mảng điện thoái đám mây của Alibaba”.

Ông Zhang được bổ nhiệm làm CEO của Alibaba vào tháng 5/2015, 8 năm sau khi ông gia nhập tập đoàn. Năm 2019, ông thay thế Jack Ma trở thành chủ tịch tập đoàn, khi ông Ma chính thức nghỉ hưu vào ngày sinh nhật và kỷ niệm 20 năm thành lập tập đoàn như lời hứa trước đó.

Ông Eddie Wu sẽ trở thành CEO Alibaba từ tháng 9 tới - Ảnh: Getty Images
Ông Eddie Wu sẽ trở thành CEO Alibaba từ tháng 9 tới - Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, ông Wu, cũng là một người đồng sáng lập của Alibaba, giữ vị trí giám đốc công nghệ khi công ty ra đời vào năm 1999.

“Dù sự chuyển đổi hiện tại của chúng tôi sẽ tạo ra cấu trúc quản trị và tổ chức doanh nghiệp mới, sứ mệnh của Alibaba sẽ không thay đổi”, ông Wu nói.

Còn ông Tsai, 59 tuổi, là một đồng minh lâu năm của người đồng sáng lập Jack Ma. Từng theo học tại Mỹ, ông hiện sở hữu một đội bóng tại Mỹ và cũng là nhà đầu tư chuỗi khối cũng như sở hữu nhiều bất động sản tại Manhattan, Mỹ. Ông là nhân vật nổi tiếng và được yêu thích trên Phố Wall. Tuy nhiên, mối liên hệ chặt chẽ ở Mỹ của ông là điều hiếm thấy ở các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc.

“Việc ông Tsai trở thành chủ tịch Alibaba chính xác là điều mà một doanh nghiệp lớn như Alibaba cần”, ông Brian Wong, một trong những nhân viên đầu tiên và là cựu trợ lý đặc biệt của ông Jack Ma, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. “Ông ấy có vị thế vô cùng tốt với nền tảng và kỹ năng để đảm nhiệm vai trò đó. Ông ấy thực sẽ trở thành cầu nối của Alibaba với thế giới và ngược lại”.

Alibaba hiện là công ty thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc với các nền tảng Taobao và Tmall có hơn 900 triệu người dùng hoạt động hàng năm. Tập đoàn này cũng sở hữu các nền tảng điện toán đám mây và thanh toán điện tử lớn nhất tại quốc gia tỷ dân.

Tuy nhiên, cùng với người đồng sáng lập Jack Ma, Alibaba trở thành tâm điểm trong chiến dịch siết kiểm soát của Bắc Kinh những năm gần đây. Cuối năm 2020, sau khi ông Ma công khai chỉ trích các nhà quản lý tài chính Trung Quốc, Bắc Kinh đã đình chỉ thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) khủng của Ant Group - công ty công nghệ tài chính liên kết của Alibaba - ngay phút chót. Động thái này đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch siết quản lý đối với lĩnh vực internet cũng như khu vực tư nhân của Trung Quốc. Không lâu sau đó, Alibaba bị phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì vi phạm quy định chống độc quyền.

Từ đó, ông Jack Ma gần như biến mất khỏi truyền thông và rời xa các công ty của mình hơn nữa. Ông được cho là dành nhiều thời gian ở nước ngoài. Tuy nhiên, hồi tháng 3, ông bất ngờ xuất hiện công khai tại Trung Quốc, ít ngày sau khi Alibaba thông báo kế hoạch tái cấu trúc lớn.

Theo các nhà phân tích, sự trở lại của vị tỷ phú là động thái mang tính biểu tượng và được cho là một “sự kiện truyền thông được lên kế hoạch trước” của Bắc Kinh nhằm xoa dịu nỗi lo của khu vực tư nhân.

Ông Jack Ma trong buổi giảng gần đây với vai trò giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tokyo - Ảnh: Đại học Tokyo
Ông Jack Ma trong buổi giảng gần đây với vai trò giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tokyo - Ảnh: Đại học Tokyo

Từ đó đến nay, ông Ma xuất hiện công khai thường xuyên hơn, chủ yếu tại các sự kiện liên quan tới nghiên cứu và giảng dạy. Hồi tháng 4, Đại học Hồng Kông thông báo ông sẽ giảng dạy tại trường kinh doanh của trường trong 3 năm tới. Gần đây hơn, vào tuần trước, ông có bài giảng đầu tiên với vai trò giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tokyo.

Giới phân tích đa số tỏ ra hoan nghênh sự thay đổi trong bộ máy quản lý cả Alibaba. Tuy nhiên, giá cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Mỹ đã giảm hơn 4,5% trong phiên giao dịch ngày 20/6. Một số người cho rằng các nhà đầu tư muốn thấy sự tăng trưởng của tập đoàn trước.