Thuế quan của ông Trump có thể khiến ECB liên tục hạ lãi suất
“Rủi ro suy giảm tăng trưởng đột nhiên trở thành một vấn đề chính trên toàn thế giới, bao gồm cả châu Âu”, một nhà kinh tế nhận định...

Theo dự báo của giới chuyên gia và nhà đầu tư, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới và tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 6, vì các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy nền kinh tế khu vực eurozone rơi vào suy thoái.
Dữ liệu từ hãng tin Bloomberg cho thấy giới đầu tư đang đặt cược khả năng 90% ECB hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 17/4, tăng từ mức 70% trước thời điểm ngày 2/4 - ngày mà ông Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng. Giới đầu tư cũng kỳ vọng rằng sau đợt giảm vào tuần tới, ECB sẽ có thêm hai đợt giảm lãi suất nữa trong thời gian còn lại của năm nay, thậm chí có thể 3 đợt.
MỐI LO TĂNG TRƯỞNG LỚN HƠN MỐI LO GIẢM PHÁT
Nếu ECB giảm lãi suất vào tuần tới như dự báo, đó sẽ là lần giảm lãi suất thứ 7 liên tiếp của ngân hàng trung ương này. Một đợt giảm vào tuần tới và vào tháng 6 “thực sự đã trở nên chắc chắn” - theo trưởng nghiên cứu Frederik Ducrozet của công ty quản lý tài sản Pictet Wealth Management, người cho rằng việc ECB hành động khác với dự báo này sẽ là “một thảm họa”.
Trao đổi với tờ báo Financial Times, ông Ducrozet nói rằng câu hỏi chính bây giờ là liệu triển vọng kinh tế của eurozone có trở nên xấu tới mức ECB buộc phải đưa ra mức giảm lớn hơn để kích thích nền kinh tế hoặc bơm thanh khoản khẩn cấp hay không.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras - một trong 26 người có quyền biểu quyết trong hội đồng thống đốc của ECB - đã lên tiếng cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại đang hình thành sẽ khiến khối tiền tệ chung này phải chịu một “cú sốc nhu cầu” ở cấp độ cao, có thể dẫn tới áp lực giảm phát đáng kể.
“Rủi ro suy giảm tăng trưởng đột nhiên trở thành một vấn đề chính trên toàn thế giới, bao gồm cả châu Âu” - ông Mahmood Pradhan, Giám đốc toàn cầu về kinh tế vĩ mô tại công ty quản lý tài sản Amundi Asset Management, nhận định. “Mối lo tăng trưởng sẽ lớn hơn mối lo lạm phát, vốn là vấn đề lớn hơn ở Mỹ. Đó là dấu hiệu chỉ báo chính sách tiền tệ ở châu Âu sẽ phải nới lỏng thêm”.
Triển vọng mới này đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ so với một kỳ vọng cứng rắn hơn sau khi ECB hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3. Tại thời điểm đó, giới chức ECB phát tín hiệu có thể tạm dừng việc giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 4, nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ đã trở nên “bớt thắt chặt hơn nhiều”.
Các kế hoạch thuế quan của ông Trump đã phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế châu Âu, đồng thời gây sóng gió trên thị trường tài chính toàn cầu. Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne ước tính mức thuế quan phổ cập 20% mà ông Trump đánh lên hàng hóa châu Âu trong kế hoạch thuế đối ứng có thể gây thiệt hại kinh tế 750 tỷ euro cho khu vực eurozone trong nhiệm kỳ 4 năm lần này của ông Trump.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng tác động của thương chiến Mỹ - châu Âu đối với tăng trưởng của khu vực đồng euro sẽ vượt xa bất kỳ mối đe dọa lạm phát tiềm ẩn nào. “Sự sụt tốc của nền kinh tế thực, giá năng lượng thấp hơn và đồng euro tăng giá so với USD sẽ giúp đẩy nhanh quá trình giảm phát ở châu Âu”, ông Gilles Moec - nhà kinh tế trưởng của công ty quản lý đầu tư Axa Investment Managers - nhận xét.
Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng các nhà sản xuất Trung Quốc - những người phải đối mặt với thuế quan cao hơn ở Mỹ - có thể bán phá giá hàng hóa của họ trên thị trường châu Âu, dẫn tới khả năng xuất hiện một cú sốc giảm phát tại khu vực này.
Trong một dự báo đặc biệt bi quan, các nhà kinh tế của ngân hàng Barclays dự đoán ECB sẽ cắt giảm một nửa lãi suất từ mức 2,5% hiện nay xuống chỉ còn 1,25% vào tháng 10/2025 và sẽ quay lại các biện pháp chính sách tiền tệ phi truyền thống như mua trái phiếu trong nửa cuối năm để hỗ trợ nền kinh tế. Barclays nhận định kinh tế eurozone sẽ rơi vào suy thoái trong quý 2 năm nay và tình trạng đó sẽ kéo dài đến cuối năm 2025.
BOE CŨNG ĐỐI MẶT SỨC ÉP GIẢM LÃI SUẤT
Lạm phát tại eurozone đã giảm về mức 2,2% hàng năm trong tháng 2 năm nay, gần với mục tiêu 2% của ECB. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đối mặt với lạm phát cứng đầu hơn. Giá tiêu dùng ở Anh trong tháng 2 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tiền lương ở nước này vẫn mạnh dù tăng trưởng kinh tế suy yếu, với mức tăng lương trong 3 tháng tính đến tháng 1 năm nay là 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, giới chuyên gia dự báo nền kinh tế Anh cũng sẽ chịu tác động tiêu cực bởi những lực lượng khiến ECB phải hạ lãi suất vào tuần tới. Điều đó có nghĩa là các nhà giao dịch đang đặt cược BOE sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 8/5.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rachel Reeves đã cảnh báo rằng ngay cả khi Anh đạt được thỏa thuận thương mại với ông Trump, nước này vẫn sẽ đương đầu với áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trên diện rộng do xung đột thương mại.
Tuy nhiên, việc Anh đến hiện tại không trả đũa thuế quan Mỹ có thể làm giảm tác động lạm phát, và điều này sẽ hỗ trợ cho BOE giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng - theo nhà kinh tế học James Smith của ngân hàng ING. “Chúng tôi hy vọng BOE sẽ giảm lãi suất mỗi quý một lần trong thời gian còn lại của năm nay, ông Smith nói.
Thị trường đang đặt cược khả năng gần 100% BOE sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tới từ mức 4,5% hiện nay. Theo dự báo của thị trường, BOE sẽ có 3 lần giảm lãi suất trong năm nay.