16:47 13/05/2021

Thuế thu nhập cá nhân: Đổi vẫn lỗi thời

Trâm Anh

Chính sách thuế thu nhập cá nhân vẫn bị đánh giá thiếu công bằng, biểu thuế lũy tiến quá dày, mức giảm trừ gia cảnh dù tăng nhưng vẫn chậm chạp so với diễn biến của giá cả trên thực tế…

Bất hợp lý trong thuế suất thu nhập cá nhân.
Bất hợp lý trong thuế suất thu nhập cá nhân.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt 52.358 tỷ đồng, trong đó, số thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công giảm nhẹ khoảng 6%, bằng 93,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, dù nâng mức giảm trừ gia cảnh theo quy định mới tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân tăng lên so với mức quy định tại Luật 26/2012/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, tương đương mức tăng 22,22%, về thực chất, mới chỉ là việc tính trượt giá mức giảm trừ theo tỷ lệ lạm phát.

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN TỪ TIỀN LƯƠNG, TIỀN CÔNG GIẢM NHẸ

Sở dĩ số thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công giảm nhẹ, theo lý giải của bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế, do thực hiện những quy định mới về kê khai theo Luật Quản lý thuế số 38 và thực hiện Nghị quyết số 954 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Theo đó, nâng mức thu nhập chịu thuế đối với bản thân người nộp thuế, từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng và nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, từ 3,6 triệu đồng/người/tháng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, làm cho số thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công giảm.

Đáng chú ý, dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã làm cho hoạt động kinh doanh giảm sút. “Việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp cắt giảm tiền lương, tiền công. Người lao động nghỉ luân phiên, hoạt động kinh doanh của cá nhân bị đình trệ đã làm cho số thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công giảm”, bà Lan Anh cho hay.

THU THÊM 2.884 TỶ ĐỒNG SAU QUYẾT TOÁN

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường và chính sách thuế có nhiều thay đổi, nên việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 có nhiều điểm mới so với các năm trước đây.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến nay, tổng số tài khoản thuế điện tử đã cấp cho người nộp thuế là cá nhân là 339.032 tài khoản điện tử. Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế đã tiếp nhận tổng số 590.800 lượt tờ khai thuế thu nhập cá nhân từ các khoản thu nhập tiền lương, tiền công. Trong đó, số lượt tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công theo phương thức điện tử của các cá nhân thuộc diện quyết toán trực tiếp là 118.500 lượt tờ khai.  

 

Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến số lượng hồ sơ quyết toán thuế tăng là do thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 đối với cá nhân thuộc đối tượng trực tiếp quyết toán thuế được lùi 1 tháng so với trước đây.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh thông tin: tổng số người lao động có thu nhập năm 2020 là gần 20 triệu người. Trong đó, số cá nhân quyết toán ủy quyền thông qua tổ chức chi trả thu nhập là 10,7 triệu cá nhân. Số cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế là 255.000 cá nhân, chiếm khoảng 1,3% số người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp thêm sau quyết toán là 2.884 tỷ đồng.

Khảo sát tại Cục Thuế TP. Hà Nội cho thấy, lượng hồ sơ do cơ quan này tiếp nhận đến thời điểm 4/5/2021, thời hạn cuối cùng để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế, đạt xấp xỉ 45.000 hồ sơ, cao gấp 2,8 lần so với hạn nộp cuối cùng của năm trước. Trong đó, số lượng hồ sơ quyết toán thuế có số thuế đề nghị hoàn gấp 2 lần số hồ sơ có số thuế phải nộp thêm, hoặc bù trừ.

“Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác là do tăng mức giảm trừ gia cảnh dẫn đến số lượng hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh. Tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Do đó, người lao động thuộc đối tượng được hoàn thuế thu nhập cá nhân sẽ có xu hướng muốn đi hoàn thuế thu nhập cá nhân sớm hơn”, ông Trường cho biết.

NÊN GIẢM THUẾ ĐỂ TIẾP SỨC NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo quy định tại khoản 4, Điều 1, Luật 26/2012/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

 

Các chuyên gia nhìn nhận rằng: với tỷ lệ lạm phát khoảng 3%/năm thời gian gần đây, cần mất 6 năm để chỉ số lạm phát tăng đủ 20%. Luật lại đưa ra một sự cứng nhắc, vì vậy, trong thời gian chờ đợi đó, thu nhập của người dân tiếp tục bị bào mòn bởi lạm phát. Do vậy, mức giảm trừ gia cảnh nên được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát với lộ trình ngắn hơn.

Cũng theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, thuế thu nhập cá nhân hiện nay đang đánh vào đối tượng trung bình đến trung bình khá với mức thuế khá nặng, chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn.

Ngoài ra, chuyên gia đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân chỉ rõ, hệ thống thuế thu nhập cá nhân được thiết kế từ nhiều năm trước, với biểu thuế lũy tiến từng phần quá dày với 7 bậc thuế, từ 5 - 35%, khoảng cách giữa các bậc thuế quá thấp và mức thu nhập khởi điểm chịu thuế rất thấp.

Vì vậy, dẫn đến tình trạng đối xử không công bằng giữa các cá nhân nộp thuế. Người có mức thu nhập cao phải chịu mức thuế quá cao, không khuyến khích được những người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành tốt…

Cụ thể, với một cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương nếu có thu nhập trên 80 triệu đồng, mức thuế thu nhập cá nhân phải đóng là 35%. Trong khi nhớ lại vụ việc thu hút dư luận cuối năm 2020, khi một cô gái ở Hà Nội nhận thu nhập “khủng” 330 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế 23,4 tỷ đồng, tương đương mức thuế suất 7%, bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng và  2% thuế thu nhập cá nhân.

Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, chính sách hỗ trợ thu nhập của Chính phủ cần cân đối giữa việc giảm nhẹ nghĩa vụ thuế đối với tất cả những đối tượng nộp thuế thu nhập. Trong khi doanh nghiệp được hưởng mức giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân vẫn phải chịu nghĩa vụ 100% là không công bằng. Ngoài ra, cần có những chính sách riêng hỗ trợ những đối tượng thu nhập thấp, không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.