15:02 12/01/2009

Thuế thu nhập ở Mỹ

Luật thuế Mỹ quy định công dân phải kê khai tất cả các nguồn thu nhập, hợp pháp lẫn phi pháp

Các thông tư hướng dẫn kê khai thuế Mỹ yêu cầu rõ phải kê khai luôn các khoản thu nhập phi pháp (other illegal income) như hối lộ, biển thủ, cờ bạc, bảo kê, ma túy, trộm cướp, buôn lậu, tiền giả, lừa đảo...
Các thông tư hướng dẫn kê khai thuế Mỹ yêu cầu rõ phải kê khai luôn các khoản thu nhập phi pháp (other illegal income) như hối lộ, biển thủ, cờ bạc, bảo kê, ma túy, trộm cướp, buôn lậu, tiền giả, lừa đảo...
Phạm vi bài viết này chỉ đề cập một khía cạnh đặc trưng của luật thuế thu nhập cá nhân Mỹ, trong việc phòng chống tham nhũng và các tội phạm qua việc không hạn chế nguồn thu nhập chịu thuế (gross income).

Những lợi tức dễ dàng từ các hoạt động phi pháp, phạm pháp là nguyên do của tham nhũng và phần lớn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội ở Mỹ. Vì vậy luật thuế thu nhập cá nhân của Mỹ không giới hạn các loại nguồn thu nhập chịu thuế như ở điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân Việt Nam đã làm.

Nói cách khác, luật thuế Mỹ chẳng những không giới hạn mà còn quy định công dân phải kê khai tất cả các nguồn thu nhập, hợp pháp lẫn phi pháp. Trong mẫu khai thuế có một dòng ghi “Các khoản thu nhập khác:...” dành cho mục đích này.

Các thông tư hướng dẫn kê khai thuế Mỹ yêu cầu rõ phải kê khai luôn các khoản thu nhập phi pháp (other illegal income) như hối lộ, biển thủ, cờ bạc, bảo kê, ma túy, trộm cướp, buôn lậu, tiền giả, lừa đảo...

Để tăng cường phòng chống tham nhũng và tội phạm, điều 3 của Luật thuế thu nhập cá nhân Việt Nam cần bổ sung một điều khoản kỹ thuật, đó là loại thu nhập thứ 15: “Các loại thu nhập bất chính hoặc phi pháp”.

Nghe thật buồn cười, vì đã là nguồn thu phi pháp thì ai mà dám kê khai. Tuy nhiên, đây là điều khoản mang tính kỹ thuật tinh vi của Quốc hội Mỹ. Luật thuế ghi như vậy để tránh công dân “né thuế” kiện ngược rằng luật không quy định.

Hơn thế nữa, luật thuế bắt buộc phải khai báo luôn cả các thu nhập phi pháp nhằm mục đích “kèm thêm” tội trốn thuế vào các tội hình sự, bởi vì những tội phạm hình sự thường không khai báo các loại thu nhập phi pháp này. Kẻ tham nhũng cũng thế.

Một ví dụ rất nổi tiếng là vụ trùm mafia Al Capone ở Chicago, Mỹ. Tuy các luật sư đã biện hộ cho Al Capone thoát tội danh cướp của giết người nhưng các nhân viên sở thuế vẫn tìm ra cách nhốt Al Capone 11 năm tù với tội danh trốn thuế, sau khi chứng minh tài sản của Al Capone đã tăng lên đều đặn hằng năm mà không hề đóng thuế.

Việc quy định phải khai báo các khoản thu nhập phi pháp cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan điều tra mở rộng phạm vi điều tra, phân tích mức sống xa hoa và tài sản thuộc quyền khống chế và sở hữu của nghi can, nhằm làm sáng tỏ các nghi án hối lộ và tham nhũng vốn thường đi kèm với các nghi án trốn thuế.

Ví dụ: khi cộng đồng mạng xôn xao tin một nhân vật trẻ tuổi thắng bài bạc, tặng người yêu biệt thự hay các món quà đắt tiền cùng các chuyến xuất ngoại tốn kém hàng chục nghìn USD, cơ quan thuế vụ sẽ ngầm để ý và xem xét bản khai thuế thu nhập cá nhân.

Khi phát hiện sự bất hợp lý giữa thu nhập kê khai và giá trị quà tặng, cơ quan này sẽ điều tra luôn thu nhập của “tác giả” quà tặng và có thể khởi tố người nhận quà lẫn “tác giả” hào hiệp kia, trước là tội trốn thuế, sau đó lần ra tội cờ bạc hoặc mở rộng điều tra thêm thân nhân của nghi can nếu có nghi ngờ.

T.T.K (Tuổi Trẻ)