13:43 25/02/2019

Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai: "Yếu tố thực chất được đề cao hơn"

Mai Vân

Nếu như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore chủ yếu mang tính biểu tượng thì cuộc gặp lần này tại Hà Nội, yếu tố thực chất được đề cao hơn

TS. Lê Đình Tĩnh (Học viện Ngoại giao).
TS. Lê Đình Tĩnh (Học viện Ngoại giao).

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 sắp diễn ra tại Hà Nội, TS. Lê Đình Tĩnh (Học viện Ngoại giao) nhận định những chủ đề hai bên có thể thảo luận tới đây đều là những lĩnh vực không hề đơn giản.

Việt Nam đang đón chờ một sự kiện đối ngoại lớn là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Từ góc độ nhà nghiên cứu, theo ông, trong rất nhiều lựa chọn, tại sao Việt Nam được chọn để tổ chức hội nghị này?

Những ngày vừa qua, truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế đã đưa tin và phân tích rất nhiều về lý do mà Mỹ và Triều Tiên chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh lần này. Theo tôi, có bốn lý do chính như sau:

Thứ nhất, Việt Nam được thế giới đánh giá cao về sự an toàn, an ninh, cũng như năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế, kể cả các sự kiện phức tạp, quy mô lớn, ví dụ gần đây như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018 và GMS6 2018. Sự trôi chảy, thành công thể hiện không chỉ về lễ tân, an ninh, hậu cần, truyền thông mà còn ở nội dung và khả năng điều phối, dẫn dắt nghị trình thảo luận. Điều này đã rõ, chúng ta không cần chứng minh thêm.

Thứ hai, tuy không phải là nước duy nhất, nhưng Việt Nam nằm trong số không nhiều các quốc gia có quan hệ tích cực với cả Mỹ và Triều Tiên. Đáng chú ý, sự tích cực ở đây là hai chiều, có tính tương tác, không chỉ từ Việt Nam mà cả từ phía Mỹ và Triều Tiên đều coi trọng quan hệ với nhau. 

Với Mỹ, họ xếp Việt Nam vào nhóm các "đối tác mới nổi" ngày càng quan trọng tại khu vực, trên cơ sở những thành công của hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ. Với Triều Tiên, ngoài việc duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống, Bình Nhưỡng cũng hài lòng, chia sẻ cách ứng xử của Việt Nam trên nhiều vấn đề của quan hệ song phương và tương tác của hai bên tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ARF.

Thứ ba, quan điểm chung của Việt Nam đối với vấn đề Triều Tiên cơ bản được cả hai bên và cộng đồng quốc tế chấp nhận, phù hợp với các nguyên tắc của quan hệ quốc tế hiện đại, Hiến chương Liên hợp quốc như đề cao các biện pháp hòa bình, hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các xung đột và mâu thuẫn giữa các quốc gia. 

Thông điệp đối ngoại của Việt Nam với các điểm nóng an ninh khu vực như bán đảo Triều Tiên trong nhiều năm qua bảo đảm được tính nhất quán cao, khách quan và không vị kỷ. Không vị kỷ là ở chỗ không chỉ nhằm phục vụ lợi ích quốc gia mà bất kỳ khi nào điều kiện cho phép, Việt Nam đều sẵn sàng đóng góp bằng các sáng kiến và hành động cụ thể cho hòa bình, ổn định chung. 

Lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ đối thoại trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam, còn lần này là chuẩn bị chu đáo cho vai trò nước chủ nhà. Tôi tin Việt Nam còn tiếp tục sẵn sàng đóng góp vào các công việc tương tự trong thời gian tới nếu có cơ hội.

Cuối cùng, bản thân Việt Nam cũng là một ví dụ tích cực về một quốc gia tích cực đổi mới, mở cửa, hội nhập, yêu chuộng hòa bình, đối thoại, đề cao văn hóa khoan dung và chủ nghĩa nhân văn. Những điều này không phải là Việt Nam tự nhận mà quốc tế đánh giá. Bản thân lịch sử Việt Nam là bằng chứng thuyết phục cho các truyền thống và tư tưởng đó. 

Thậm chí, dù khiêm tốn không tự nhận là "hình mẫu" cho bất kỳ ai nhưng những thành công trong việc duy trì hòa bình ổn định và phát triển kinh tế của Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, khu vực ca ngợi và tỏ ý muốn tham khảo kinh nghiệm; dù mang tinh thần tự tôn dân tộc rất cao nhưng được cho là đã nghiên cứu kỹ những kinh nghiệm của Việt Nam.

Lần này một hội nghị hòa bình được họp tại Việt Nam và Hà Nội là nơi được lựa chọn, ông đánh giá ý nghĩa của nó như thế nào?

Việt Nam trải qua nhiều chiến tranh vì vậy thực sự hiểu giá trị của hòa bình. Có lẽ ít quốc gia nào trải qua nhiều xung đột, chiến tranh như Việt Nam.

Không chỉ trong vấn đề Triều Tiên mà đối với nhiều vấn đề an ninh đối ngoại khác như biển Đông, Việt Nam đều chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình. Chiến tranh và sử dụng vũ lực là cực chẳng đã, là biện pháp cuối cùng khi các biện pháp khác bế tắc hoặc bị rơi vào tình huống bất khả kháng, phải tự vệ. 

Đồng thời tư duy ở đây là hòa bình ổn định của Việt Nam gắn với hòa bình ổn định khu vực và thế giới. Vì vậy, đối ngoại Việt Nam mới có chủ trương Việt Nam là "thành viên có trách nhiệm" của cộng đồng quốc tế.

Việc chủ trì các hội nghị, sự kiện quốc tế không phải là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" mà là để đem đến cho đất nước những lợi ích cụ thể như thu hút đầu tư, quảng bá du lịch cho Việt Nam và cả những lợi ích lâu dài như xây dựng, củng cố hình ảnh, nâng cao vị thế một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, ủng hộ đối thoại, hòa giải, tôn trọng luật pháp quốc tế, tích cực đóng góp vào công việc chung. 

Bản thân Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Vì vậy một thái độ tích cực, chủ động trong các vấn đề quốc tế cũng là phương châm giữ nước từ khi còn chưa nguy, giữ nước từ xa.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội là sự kiện quốc tế lớn và sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam ngay những ngày đầu năm 2019. Hà Nội là thành phố vì hòa bình vì vậy còn có ý nghĩa biểu tượng trong việc đề cao giá trị của hòa bình và mong ước hòa bình.

Cụ thể hơn, tôi nghĩ, không chỉ có lịch sử hơn 1000 năm tuổi, Hà Nội còn có các địa danh đặc biệt như Hoàn Kiếm, nơi Vua Lê Lợi trả gươm báu để chấm dứt chiến tranh (cả trên thực tế và trong tư tưởng), nhanh chóng vãn hồi, duy trì và thúc đẩy quan hệ hữu hảo với nước láng giềng Trung Quốc. Tượng đài Lý Thái Tổ có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân hai miền Triều Tiên vì Vua Lý Thái Tổ chính là ông tổ của hoàng tử Lý Long Tường, người khai sinh dòng họ Lý Hoa Sơn ở bán đảo Triều Tiên.

Với Mỹ, Hà Nội là nơi đã diễn ra nhiều cuộc đàm phán Việt-Mỹ sau khi kết thúc chiến tranh để nhằm bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ. Hà Nội còn chứa chất nhiều ký ức và dấu tích chiến tranh.

Việc chọn Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam, mang thông điệp chính trị cho cả hai phía Mỹ, Triều bởi Việt Nam không chỉ là địa điểm cho một cuộc thượng đỉnh mà còn là mối quan hệ quan trọng, hữu ích đối với họ. Việt Nam là biểu hiện sinh động của một mục tiêu mà hai bên muốn hướng tới: chuyển trạng thái từ đối đầu sang đối thoại và từ đối thoại đến hợp tác thực chất.

Ông kỳ vọng gì vào kết quả hội nghị này?

Kỳ vọng của nhân loại yêu chuộng hòa bình với những sự kiện tương tự luôn sẽ là những điều tốt đẹp nhất. Chúng ta đều mong đàm phán Mỹ-Triều thành công. Các nhà quan sát cho rằng nếu như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore chủ yếu mang tính biểu tượng thì cuộc gặp lần này tại Hà Nội, yếu tố thực chất được đề cao hơn...

Giải trừ quân bị, phi hạt nhân hóa, bảo đảm hòa bình, an ninh, nới lỏng hay dỡ bỏ cấm vận, tuyên bố kết thúc chiến tranh - những chủ đề hai bên có thể thảo luận tới đây - đều là những lĩnh vực không hề đơn giản. Nhiều trong số đó chắc chắn đòi hỏi thời gian, niềm tin và cả những quy trình kỹ thuật như thanh sát, kiểm chứng, mở cơ chế văn phòng liên lạc, trao đổi thông tin và đàm phán giữa hai bên.

Hy vọng là với thịnh tình, lòng hiếu khách và chủ nghĩa hòa bình của Việt Nam, lần này Mỹ-Triều có thể có những đột phá, ghi dấu ấn lịch sử, đem đến những điều tốt đẹp hơn cho mỗi nước và thế giới.