16:37 01/06/2012

Thương mại toàn cầu “vật vã” với chủ nghĩa bảo hộ

Cao Hiền

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn, chính phủ các nước đã gia tăng chính trị hóa thương mại và chủ nghĩa bảo hộ

Sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ đang bóp nghẹt quá trình toàn cầu hóa kinh tế, nhưng điều này khó có thể loại trừ.
Sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ đang bóp nghẹt quá trình toàn cầu hóa kinh tế, nhưng điều này khó có thể loại trừ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đương đầu với những thách thức, chính phủ các nước đã gia tăng chính trị hóa vấn đề thương mại và tăng cường chủ nghĩa bảo hộ, bài viết của Robert Plummer trên trang BBC News cho hay.

Toàn cầu hóa kinh tế mang lại rất nhiều lợi ích rõ rệt như đẩy mạnh chuyên môn hóa, gia tăng lợi nhuận, phân bổ vốn hiệu quả hơn, tăng lòng tin và đảm bảo tính an toàn cho nhà đầu tư. Mặc dù vậy, quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế của Trung Quốc, ông Wan Jifei, cho biết việc chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang gây tác động tiêu cực. “Bảo hộ thương mại là hành động thiển cận và hẹp hòi. Nó không thể giải quyết được những vấn đề như thất nghiệp hay tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, ông Wan nói.

“Thương mại tự do mới là động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước”, ông nói thêm. Quan điểm của ông Wan đã nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, với nhiều người, tuyên bố của Trung Quốc là hơi ngược đời, bởi chính Bắc Kinh cũng thường bị các nước khác cáo buộc về hành vi này.

Trung Quốc tám lạng, Mỹ cũng nửa cân

Tại Mỹ, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney, cam kết sẽ tuyên bố Trung Quốc là “quốc gia thao túng tiền tệ”, nếu ông giành được chiếc ghế “ông chủ” Nhà Trắng trong cuộc đua vào tháng 11 tới.

Động thái này của ông Romney được cho là đã phản ánh được sự tức giận của nhiều người Mỹ đối với những gì mà họ cho là Trung Quốc đã cố ý định giá thấp đồng Nhân dân tệ nhằm giúp cho các công ty xuất khẩu trong nước được lợi không công bằng.

Chưa hết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang phải đối mặt với một số vụ kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề trên. Gần đây nhất, nước này đã bị Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản hợp sức kiện về hành vi hạn chế xuất khẩu đất hiếm.

Tuy nhiên, thực tế, Trung Quốc tự thấy họ là nạn nhân của chủ nghĩa bảo hộ, và để giảm bớt tình trạng này, Bắc Kinh đã có các cuộc hội đàm cởi mở với Nhật Bản và Hàn Quốc về một hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó, một số nhà quan sát cũng cho rằng, Mỹ nên xử lý việc trong nhà, trước khi lên án nước khác là theo chủ nghĩa bảo hộ.

Một đề nghị trong danh sách những việc cần làm mà Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây trình lên quốc hội là giảm thuế 20% cho các doanh nghiệp chuyển được công ăn việc làm từ bên ngoài về nước.

Bài viết của nhà báo Rushford đăng trên báo Wall Street Journal hồi đầu tháng 5 cho hay, trong khi Tổng thống Obama muốn các quốc gia khác mở rộng tự do thương mại nhưng ông lại sẵn sàng bảo vệ thuế quan của ngành dệt may nội địa. Tác giả cho rằng, ông Obama dường như đang muốn áp đặt “tiêu chuẩn kép” trong Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.

Tổng thống Obama từng tuyên bố TPP sẽ là một mô hình không chỉ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn cho các hiệp định thương mại trong tương lai. Tuy nhiên, chương trình nghị sự châu Á đầy tham vọng của Tổng thống Obama vấp phải nỗ lực vận động hậu trường của các nhóm bảo hộ mậu dịch trong nước.

Ông Obama vốn có quan hệ mật thiết với các tổ chức vận động hành lang ngành dệt may từng hỗ trợ ông trong cuộc bầu cử năm 2008. Ngành công nghiệp này đã được hưởng lợi từ hàng rào thuế quan cao và các chương trình bảo hộ khác nhau kể từ thế kỷ 18.

Cũng vì lý do đó, các nhà đàm phán thương mại Mỹ đã theo đuổi đường lối cứng rắn chống lại tự do hóa thương mại ngành này vì mục đích lợi nhuận và sử dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch như hàng rào thuế quan, thuế chống bán phá giá…

Theo Plummer, cho dù có những nghịch lý như vậy, thì tranh chấp thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục nảy sinh. Gần đây nhất, Washington áp thuế chống bán phá giá đối với các tấm điện năng lượng mặt trời của Trung Quốc, bởi cho rằng sản phẩm này đang được bán với mức giá thấp không công bằng. Trung Quốc đã lên án quyết định này của Mỹ, coi đó là một hành vi của chủ nghĩa bảo hộ.

Châu Âu nửa tiến, nửa lùi

Dường như các xu hướng tự do thương mại và bảo hộ luôn ở mức khá cân bằng giữa các cường quốc, trong khi nước này muốn bảo hộ, thì nước kia lại muốn tự do hóa thương mại. Hành vi “một tiến, một lùi” này có thể thấy rõ ở Liên minh châu Âu, nơi đang ngập đầu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung Euro.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp gần đây cho thấy cả người thắng cuộc Francois Hollande lẫn kẻ bại trận Nicolas Sarkozy đều hùng biện mạnh mẽ về bảo hộ nhằm thu hút được 80% cử tri là những người chống toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, chính Pháp lại là nước được hưởng lợi nhiều từ việc toàn cầu hóa. Số công ty Pháp ra nước ngoài kinh doanh cao gấp 14 lần so với số doanh nghiệp nước ngoài tới Pháp làm ăn.

Ông Hollande cho biết, ông muốn những khoản hỗ trợ tài chính của Pháp tới được các nhà xuất khẩu các sản phẩm của nước này.

Nhưng nếu ông nghiêm túc thực hiện lời hứa tạo ra 150.000 việc làm mới ở Pháp do ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử trước đây, theo nhiều nhà phân tích, đương kim Tổng thống Pháp sẽ phải thúc đẩy hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế, tức là tự do hóa nhiều hơn và hạn chế bớt bảo hộ.

Thêm vào đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người lâu nay vẫn có quan điểm rằng việc quay lại chủ nghĩa bảo hộ sẽ là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, đã tỏ ý rằng ông Hollanade sẽ không nhận được sự ủng hộ về chính sách của ông tại phiên họp ở diện rộng trên toàn “lục địa già”.

Mỹ Latin cũng chẳng khá hơn

Các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Mỹ Latin, cũng có tình trạng nước này muốn tự do, nước kia đòi bảo hộ. Sự thất bại hồi năm 2005 của kế hoạch Khu vực Thương mại Tự do châu Mỹ (FTAA), dự định sẽ có sự tham dự của toàn bộ 34 nền dân chủ ở bán cầu này, đã gây ra trở ngại lớn cho xu thế tự do hóa thương mại nói chung.

Không lâu sau đó, phòng đàm phán thương mại Doha, được bảo trợ bởi WTO, rơi vào cảnh hấp hối và làm tiêu tan những hy vọng về việc giảm bớt hàng rào thuế quan thương mại khắp thế giới.

Hiện tại, Argentina đang là nước xung kích trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Mỹ, chống lại hàng nhập khẩu từ bên ngoài khu vực. Argentina và Brazil là những thành viên mạnh nhất của khối thương mại Mercosur.

Khối này còn có hai thành viên khác là Paraguay và Uruguay. Tuần trước, Argentina đã đề xuất với Brazil về việc thuế đánh vào hàng hóa từ bên ngoài khu vực Mercosur nên tăng từ 10% lên 35%, mức tối đa theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Đồng thời, Chính phủ thiếu tiền mặt của Argentina rất muốn Brazil mua thêm hàng hóa của họ và ép Brazil bỏ các rào cản nhập khẩu một số hàng hóa của Argentina, bao gồm dược phẩm và trái cây.

Chủ nghĩa quốc gia kinh tế của Tổng thống Argentina Cristina Fernandez gần đây đã bộc lộ rõ trong việc chính phủ nước này hồi đầu tháng 5 tiến hành quốc hữu hóa Hãng dầu khí YPF mà 75% cổ phần nằm trong tay Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha.

Chính phủ Argentina chỉ trích YPF đưa ra sản lượng thấp khiến Argentina phải chi nhiều tiền để nhập khẩu năng lượng và khi chuyển công ty vào tay chính phủ, sản lượng sẽ tăng lên, giảm gánh nặng nhập khẩu xăng dầu của nước này. YPF xuất thân là công ty quốc doanh khi được thành lập vào năm 1922, trước khi tư nhân hóa từng phần năm 1993.

Argentina tuyên bố họ sẽ quốc hữu hóa 51% cổ phần của YFP, để lại cho Repsol 6% cổ phần, vì tập đoàn này không đầu tư tương xứng vào ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này. Quyết định tước quyền sở hữu YPF từ tay Repsol đã nhận được sự ủng hộ sâu rộng trong Nghị viện Argentina cũng như dân chúng nước này.

Trong khi đó, Repsol chỉ trích hành động của chính phủ Argentina hoàn toàn trái luật và sẽ nghiên cứu kỹ các điều luật nhằm phản ứng lại. Repsol và Tây Ban Nha gọi quyết định tái quốc hữu hóa của Argentina với YPF là một sự “ăn cướp trắng trợn”, tấn công vào lợi ích của họ.

Còn Nghị viện châu Âu thì gọi quyết định tái quốc hữu hóa YPF trên là “cuộc tấn công nhằm vào việc thực thi doanh nghiệp tự do và nguyên tắc rõ ràng về pháp lý”, điều sẽ làm tổn hại tới môi trường đầu tư của Argentina.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đã kêu gọi châu Âu và các quốc gia khác thông qua những lệnh trừng phạt cụ thể nhằm buộc Argentina đền bù cho hãng dầu mỏ Repsol sau khi quốc hữu hóa liên doanh của Repsol YPF.

Theo Plummer, hiện tại, lộ trình “bảo vệ Mercosur” của bà Cristina Fernandez đang cho thấy rõ tại sao một số nhà kinh tế đã nhận định rằng, các khối thương mại, hay thực tế là các thỏa thuận thương mại song phương, không thực sự góp phần thúc đẩy tự do, mà chỉ làm chệch hướng thương mại hiện có.

Xu hướng khó loại trừ?

Ấn Độ hiện cũng đang phải đối mặt với cả hai vấn đề này. Những nhận định gần đây của các chính khách Ấn Độ có cùng âm hưởng với Trung Quốc trong việc lên án chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt là nhắm tới Mỹ.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn không sẵn lòng cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận nhiều hơn vào nền kinh tế của họ. Điều này thể hiện qua sự thất bại trong những nỗ lực hồi năm ngoái về việc mở cửa thị trường siêu thị cho các tập đoàn toàn cầu như Wal-Mart, Tesco và Carrefour.

Các doanh nghiệp như Starbucks và Ikea hiện đã được phép mở cửa hàng ở Ấn Độ, nhưng đổi lại, họ phải mua 30% hàng từ các ngành công nghiệp nhỏ nội địa của Ấn Độ.

Còn tại Anh, việc hạn chế bảo hộ đang khiến doanh nghiệp nước này đau đầu, mệt mỏi. Ngày càng có nhiều công ty Anh được bán cho chủ nước ngoài, từ Cadbury cho tới Jaguar Land Rover.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ Ngoại giao William Hague cam kết cổ súy cho tự do thương mại tự do toàn cầu và chống lại chủ nghĩa bảo hộ, nhưng việc các doanh nghiệp Anh thâu tóm công ty ở nước ngoài, không phải lúc nào cũng dễ như các doanh nghiệp ngoại thu mua công ty Anh tại xứ sở sương mù.

Trong khi đó, một số nhà bình luận ở Anh đang bắt đầu thắc mắc liệu chủ nghĩa bảo hộ có phải là một điều gì đó tệ hại hay không. Nhóm Compass tháng trước đã xuất bản một tài liệu, trong đó cho rằng chủ nghĩa toàn cầu hóa là nguyên nhân dẫn tới những bất ổn kinh tế và xã hội hiện tại và cho rằng “chủ nghĩa bảo hộ tiến bộ” là một giải pháp tốt cho thực trạng này.

“Chủ nghĩa bảo hộ tiến bộ” được định nghĩa là “việc khuyến khích và cho phép các quốc gia tái xây dựng và tái định hình các nền kinh tế của họ, bằng cách hạn chế những hàng hóa mà họ cho phép nhập vào, cũng như những nguồn vốn mà họ chọn lựa để đổ vào hoặc chuyển ra khỏi đất nước”, Compass nêu rõ.

Quan điểm này đã bị một học giả thuộc Viện Adam Smith gọi là “chính sách kinh tế kiểu phát xít”. Tuy nhiên, theo Robert Plummer, trong bối cảnh các nhà chính trị cũng như cử tri đang bất an về khả năng phải đương đầu với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ trên diện rộng là điều khó có thể bị loại trừ.