Thương mại với Mỹ chưa tới 1 triệu USD, vùng lãnh thổ nhỏ của Australia “sốc” vì bị áp thuế đối ứng 29%
Năm 2024, đảo Norfolk xuất khẩu 200.000 USD hàng hóa sang Mỹ và nhập khẩu 100.000 USD...

Với ông Richard Cottle, chủ một oanh nghiệp trộn bê tông trên đảo Norfolk, chỉ có một cách duy nhất để giải thích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế quan đối ứng 29% với hàng hóa từ hòn đảo này: “Đó là sai sót”.
Nằm ở phía Nam Thái Bình dương, đảo Norfolk là một vùng lãnh thổ phụ thuộc của Australia. Hòn đảo này chỉ xuất khẩu một lượng hạt cọ kentia nhỏ ra nước ngoài, thường trị giá dưới 1 triệu USD năm và chủ yếu sang các quốc gia châu Âu.
Khi thông tin về mức thuế quan 29%, cao hơn so với mức thuế đối ứng cơ sở 10% của ông Trump, lan truyền trên hoàn đảo với 2.188 cư dân ngày 3/4, ông Cottle cảm thấy vừa bối rối vừa buồn cười.
“Đảo Norfolk chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ thế giới. Chúng tôi gần như chẳng xuất khẩu gì cả”, vị doanh nhân chia sẻ với Reuters.
Đảo Norfolk là một trong số hàng chục vùng lãnh thổ nhỏ nằm trong danh sách quốc gia bị áp thuế đối ứng cao hơn mức cơ sở 10%, cùng nhóm với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc… Thuế quan của Mỹ với hàng hóa từ hòn đảo này thậm chí còn cao hơn EU (20%), Nhật Bản (24%) và Hàn Quốc (25%).
Trong chiến dịch tranh cử chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp diễn ra, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ngày 3/4 nói với truyền thông rằng chính phủ của ông đã hành động tốt hơn so với các quốc gia khác, khi thuế quan của Mỹ với hàng nhập khẩu từ Australia chỉ là mức cơ sở 10%. Tuy nhiên, ông không đưa ra lời giải thích nào cho trường hợp của Đảo Norfolk.
“Đảo Norfolk là một phần của Australia. Mức thuế quan riêng biệt và cao hơn mà Mỹ áp với hòn đảo này có phần bất ngờ và hơi kỳ lạ", ông Anthony nói với đài ABC của Australia.
Theo dữ liệu từ Chính phủ Mỹ, nước này có thâm hụt thương mại với đảo Norfolk trong 3 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu của hòn đảo này sang Mỹ là 300.000 USD năm 2022, 700.000 USD vào năm 2023 và 200.000 năm 2024. Trong ba năm nay, hòn đảo nhập khẩu 100.000 USD hàng hóa Mỹ mỗi năm.
Trước đó, vào năm 2020, nhập khẩu hàng Mỹ của đảo Norfolk lập kỷ lục 11,7 triệu USD và không xuất khẩu ở chiều ngược lại. Số liệu không nêu cụ thể loại hàng hóa được giao dịch.
Chia sẻ với Reuters, một số chủ doanh nghiệp trên đảo Norfolk cho biết hòn đảo gần như không có ngành sản xuất và ngành công nghiệp lớn nhất là du lịch.
Một chủ doanh nghiệp diệt côn trùng cho biết dù công ty này không xuất khẩu sang Mỹ nhưng đã nhập một số thuốc diệt chuột từ Mỹ thông qua Australia.
“Hàng hóa từ Norfolk xuất khẩu vào Mỹ sẽ bị áp thuế quan 29% ư? Chẳng có sản phẩm nào cả. Vì vậy, chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng gì”, ông Gye Duncan, chủ một công ty tư vấn thuế trên hòn đảo nhận xét. “Nhiều người thậm chí chẳng biết đến sự tồn tại của đảo Norfolk. Thuế quan này thật sự là điều bất thường”.