Thưởng Tết 2020 sẽ cao hơn năm ngoái ít nhất 5%
Mức thưởng Tết năm 2020 được dự báo tăng so với năm ngoái ít nhất 5%, một số ngành sẽ có mức thưởng cao như: dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
Câu chuyện thưởng Tết luôn là mối quan tâm lớn của người lao động vào mỗi dịp cuối năm. Trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, qua nắm bắt sơ bộ từ công đoàn các doanh nghiệp, năm nay dự báo mức thưởng sẽ cao hơn năm 2019 ít nhất là 5%.
Thưởng cao ở khối tài chính, ngân hàng…
Thưởng Tết luôn là vấn đề được người lao động quan tâm vào mỗi dịp Tết sắp đến. Dự báo mức thưởng cũng đã được nhiều chuyên gia đưa ra, vậy còn về phía tổ chức công đoàn, đến thời điểm này khảo sát về mức thưởng tại các doanh nghiệp so với mọi năm có gì biến động không, thưa ông?
Về con số cụ thể chúng tôi chưa tổng hợp và có báo cáo. Tuy nhiên, qua nắm thông tin chung từ công đoàn các doanh nghiệp thì năm nay thưởng Tết cao hơn năm ngoái, nhiều nơi tăng hơn 5%, thậm chí có nơi tăng 10%.
Đặc biệt, có một số ngành mọi năm thưởng cao thì năm nay vẫn tiếp tục thưởng rất cao, nhất là ở một số ngành dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các công ty nước ngoài, tập đoàn lớn…
Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu khi nhìn vào các công bố về mức thưởng, chúng tôi nghĩ rằng, điều đó không nói lên được nhiều điều. Chẳng hạn như một tỉnh năm nay thưởng Tết cao nhất lên đến 300 triệu đồng, nhưng đó không phải là mặt bằng chung.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường người lao động chỉ được nhận thưởng Tết bình quân 1 tháng lương, chỉ thế thôi. Tức là có thể thưởng bình quân của cả doanh nghiệp thì lớn nhưng với những công nhân sản xuất trực tiếp thì trung bình chỉ được 1 tháng lương tối thiểu vùng, còn khá hơn được 1 tháng lương thực (tháng lương 13). Tất nhiên cũng có những doanh nghiệp coi lương tháng 13 đó là thưởng Tết luôn.
Hiện nay, chúng tôi biết có một số doanh nghiệp, dù không phải phổ biến là thay vì trả lương cao hàng háng cho người lao động thì sẽ trả ở mức bình thường, sau đó dồn vào cuối năm để trả thưởng Tết.
Thực tế là nhiều doanh nghiệp cũng cạnh tranh nhau bằng thưởng Tết, thậm chí là chia thưởng thành 2 lần phát, trước và sau Tết để tránh tình trạng người lao động lĩnh toàn bộ tiền thưởng rồi sau Tết không quay trở lại làm việc.
Như ông đề cập, nhiều doanh nghiệp hiện nay coi trọng thưởng Tết chính là một yếu tố để giữ chân lao động. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với những doanh nghiệp lớn có thể không quá áp lực, còn doanh nghiệp sản xuất nhỏ sẽ rất đau đầu với thưởng Tết, quan điểm của ông về vấn đề này?
Đúng là nói đi cũng phải nói lại, người lao động cũng phải chia sẻ với cái khó của doanh nghiệp. Nhưng chính doanh nghiệp cũng phải thông tin tình hình, những con số cụ thể để người lao động chia sẻ. Nghĩa là chủ doanh nghiệp phải nói rất rõ rằng, chúng tôi rất muốn thưởng Tết nhưng hiện nay tình hình công ty khó khăn nên chưa thể có thưởng.
Ở đây phải có sự công khai thông tin với nhau. Trên thực tế, nhiều năm chúng tôi được phản ánh là có những ông chủ bật khóc vì không ngờ công nhân của chúng ta tốt như thế, sẵn sàng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.
Rõ ràng là khi người lao động đã hiểu thì họ sẽ chia sẻ thôi, nhưng doanh nghiệp là phải khó khăn thật. Ngược lại, doanh nghiệp lợi dụng sự cả tin, lòng tốt của người lao động mà không thưởng thì cũng không nên. Điều quan trọng là hai bên phải có sự thấu hiểu, hài hòa lợi ích vì còn làm với nhau lâu dài chứ đâu phải như xây xong một cái nhà rồi thôi.
Một ông chủ thông minh là phải ứng xử thông minh như vậy chứ không phải chộp giật 1 – 2 năm, không gì có thể giấu được người lao động mãi. Tôi cho rằng, hầu hết người lao động đều sẵn sàng chia sẻ lại với doanh nghiệp. Nói như vậy cũng không có nghĩa là bắt người lao động chia sẻ mãi được, vì họ còn phải lo cơm áo gạo tiền.
Do đó, nếu lợi dụng điều này để giảm thưởng hoặc không thưởng thì người lao động sớm muộn cũng sẽ rời bỏ doanh nghiệp thôi, cơ chế thị trường là như vậy.
Thưởng Tết bằng hiện vật phải thực sự hữu dụng
Năm nào cũng vậy, chúng ta vẫn nghe những câu chuyện có doanh nghiệp nọ thưởng Tết cho người lao động cả trăm, thậm chí cả tỷ đồng, song cũng có doanh nghiệp chỉ thưởng vài trăm nghìn. Vẫn biết mức thưởng bao nhiêu còn tùy vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, nhưng khi nghe những mức thưởng chênh lệch quá lớn như vậy sẽ tác động như thế nào đến tâm lý của người lao động, thưa ông?
Đúng là thưởng Tết bao nhiêu phụ thuộc vào khả năng chi trả, chiến lược kinh doanh và cách khích lệ người lao động của mỗi doanh nghiệp. Trong trường hợp này vai trò tiếng nói của đại diện người lao động là phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn, bộn về của người lao động, rồi phân tích rõ cho người lao động hiểu.
Luật hiện hành và luật mới đều quy định có quy chế thưởng, doanh nghiệp phải công bố kế hoạch thưởng công khai, lấy ý kiến của tổ chức đại diện người lao động trước khi quyết định.
Về bản chất, thưởng bao nhiêu phụ thuộc vào thương lượng, thưởng có thể là tiền hoặc hiện vật, dịch vụ khác tùy vào năng suất, chất lượng hoạt động kinh doanh, và đóng góp của người lao động cơ mà. Do đó, người được thưởng nhiều hay thưởng ít cũng là điều bình thường, rất đúng luật.
Vấn đề là chúng ta đang quan tâm đến số đông người lao động thì công đoàn cũng phải có tiếng nói để làm sao động viên người lao động, khi làm ra phúc lợi thì cũng phải được thưởng sao cho công bằng nhất. Tiếng nói của tập thể, công đoàn là phải làm được như vậy.
Liên quan đến thưởng Tết, một câu chuyện năm nào cũng được nhắc lại là nên thưởng tiền hay hiện vật. Bởi lẽ, sẽ không có gì để bàn nếu như những hiện vật được thưởng có giá trị và thực sự hữu dụng với người lao động, còn riêng ông nghĩ có nên thưởng bằng hiện vật không, thưa ông?
Chưa nói đến thưởng Tết, chỉ nói về thưởng bằng hiện vật thì điều này chúng ta đã có từ thời bao cấp rồi. Ở các nước cũng vậy, có chủ doanh nghiệp còn thưởng cho người lao động những hiện vật có giá trị như ô tô, ti vi, điện thoại…Nói như vậy để thấy rằng, thưởng nói chung, bao gồm cả thưởng Tết bằng tiền hay hiện vật cũng là điều bình thường.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận cả hai mặt của một vấn đề. Có một số doanh nghiệp lợi dụng điều này để giải quyết hàng tồn, hàng chậm bán, để vừa giải quyết vấn đề sản xuất kinh doanh vừa mang lại tiếng là có thưởng Tết cho người lao động, thậm chí là quảng bá được sản phẩm, nói chung là tiện đủ đường.
Nhưng rõ ràng, cái quan trọng nhất của việc thưởng là phải làm sao động viên được người lao động, thưởng hiện vật cũng được nhưng phải hữu dụng.
Đúng là về mặt quy định thì thưởng bằng hiện vật không có gì sai, song tôi cũng nghĩ rằng, phía công đoàn nên có tiếng nói về vấn đề này để đưa vào quy chế thưởng, thưởng hàng năm là phải bằng tiền, ngoài ra là các hiện vật khác theo quy chế.
Khi đó, người lao động không hài lòng có thể phản ánh với chủ doanh nghiệp và công đoàn để làm sao có một hình thức thưởng tốt nhất cho mình, đây là câu chuyện thương lượng giữa hai bên.