10:01 06/05/2014

Thương vong gia tăng ở miền Đông Ukraine

An Huy

Chiến dịch của Kiev nhằm đẩy lui các phần tử nổi dậy ở khu vực miền Đông đang có nguy cơ đình trệ

Một người đàn ông bị các phần tử thân Nga áp giải ở Donetsk thuộc miền Đông Ukraine ngày 5/5 - Ảnh: AFP/Getty.<br>
Một người đàn ông bị các phần tử thân Nga áp giải ở Donetsk thuộc miền Đông Ukraine ngày 5/5 - Ảnh: AFP/Getty.<br>
Các phần tử ly khai thân Nga đã tiêu diệt 4 binh sỹ Ukraine, làm bị thương 30 binh sỹ khác và bắn hạ 1 máy bay quân sự của đối phương, đồng thời cũng chịu nhiều thương vong trong các cuộc đụng độ ở thành phố miền Đông Slaviansk ngày 5/5. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang khiến thế giới quan ngại khi con số thương vong ngày càng lớn.

Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ website Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, các viên phi công đã thoát chết sau khi chiếc máy bay quân sự nói trên bị các phần tử ly khai tấn công bằng súng máy và rơi xuống một con sông thuộc khu vực Donetsk. Các lực lượng của Chính phủ Ukraine đã tiêu diệt 20 phần tử nổi dậy và hàng chục dân thường khác bị thương trong ngày 5/5 - theo Interfax đưa tin, dẫn nguồn đại diện không rõ danh tính của phe ly khai.

Chiến dịch của Kiev nhằm đẩy lui các phần tử nổi dậy ở khu vực miền Đông đang có nguy cơ đình trệ bởi số lượng binh sỹ và người dân thương vong gia tăng đe dọa những nỗ lực của Chính phủ Ukraine nhằm chiếm lại những vị trí mà phe thân Nga đang chiếm đóng. Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 của Ukraine đang đến rất gần. Bạo lực đã lan rộng ở Ukraine sau khi khoảng 40 người chết trong một tòa nhà bị thiêu rụi ở thành phố Odessa hồi cuối tuần trước.

“Tốc độ chậm chạp của chiến dịch chống khủng bố là do chúng tôi nỗ lực đảm bảo sự an toàn của các công dân và ngăn chặn xảy ra thương vong đối với những người dân thường”, quyền Tổng thống Ukraine Olesksandr Turchynov nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc điện đàm ngày 5/5.

Trước đó, ông Turchynov cho biết, chính quyền Kiev đã thiết lập các trạm kiểm soát xung quanh Kiev để bảo vệ thành phố này trước các hành động gây hấn có thể xảy ra vào ngày 9/5, ngày mà Ukraine kỷ niệm chiến thắng quân phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Bộ Nội vụ Ukraine cho hay, 10 trạm kiểm soát như vậy đã được dựng lên trên các con đường chính dẫn vào Kiev.

Trước những gì đang diễn ra ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/5 ra tuyên bố nói rằng, một “thảm họa nhân đạo” đang dần hình thành ở các thành phố Ukraine bị quân đội nước này bao vây, vì người dân tại các thành phố này bắt đầu chịu cảnh thiếu lương thực mà thuốc men. Moscow cũng nói rằng, chính quyền Kiev đang “tiếp tục tiến hành chiến tranh chống lại chính những người dân của mình”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh BBC, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk nói, cuộc xung đột ở Ukraine đang trở thành một “cuộc chiến tranh thực sự”, và đó là “do sự hung hãn của nước Nga và những người biểu tình do Nga chỉ đạo”.

Hơn 30 tòa nhà công quyền, trụ sở cảnh sát, văn phòng an ninh và các cơ sở khác đang bị các phần tử nổi dậy chiếm đóng tại các khu vực Donetsk và Luhansk thuộc miền Đông - Bộ Nội vụ Ukraine cho biết ngày 5/5.

“Nga đang thực hiện một cuộc tấn công không bình thường vào quốc gia láng giềng. Chính những binh sỹ đeo mặt nạ, chiến tranh mạng và một chiến dịch tuyên truyền lớn đang được Nga sử dụng. Những người địa phương ở miền Đông Ukraine không phải là lực lượng chính”, ông Joerg Forbrig, một chuyên gia cao cấp thuộc quỹ German Marshall Fund của Mỹ, nhận định.

Đức hôm qua lên tiếng kêu gọi đối thoại trực tiếp Nga-Ukraine để giải quyết xung đột. Trong một bài phát biểu, Thủ tướng Đức Merkel nói rằng, lịch sử cho thấy, cuộc khủng hoảng ở Ukraine không thể được giải quyết bằng vũ lực quân sự.

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư sẽ tháo chạy khỏi Nga trong năm nay so với mức thoái vốn 63 tỷ USD trong năm ngoái. Trong quý 1 năm nay, giới đầu tư đã rút 50,6 tỷ USD khỏi Nga.

Vị quan chức trên cũng nói rằng, Mỹ sẵn sàng hành động xa hơn để chặn bước tiến của Nga ở Ukraine. Các biện pháp mà Mỹ có thể áp dụng bao gồm đóng băng tài sản của các công ty Nga trong các lĩnh vực năng lượng, khai mỏ và tài chính. Đến nay, Mỹ và châu Âu đã áp 2 đợt trừng phạt lên Nga, nhưng chủ yếu mới chỉ nhằm vào một số quan chức và doanh nhân có quan hệ thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.