14:15 22/11/2010

Thủy điện có “vô can” với lũ?

Minh Thúy

“Tôi rất ngạc nhiên với cách trả lời của Bộ trưởng”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
“Tôi rất ngạc nhiên với cách trả lời của Bộ trưởng”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sáng nay (22/11). Hầu hết các đại biểu trực tiếp chất vấn cũng chưa hài lòng với phần trả lời của “tư lệnh” ngành Công Thương.

Chỉ tập trung vào vấn đề lớn

Trước khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đăng đàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, tính đến hết ngày 20/11 đã có 228 chất vấn của 92 đại biểu Quốc hội ở 44 đoàn gửi chất vấn đến các địa chỉ theo quy định của pháp luật. Trong đó Thủ tướng có 26 chất vấn, các phó thủ tướng có 2 chất vấn.

Trong 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành, người nhận được chất vấn nhiều nhất là Bộ trưởng Bộ Công thương với 38 chất vấn, người ít nhất là 1 chất vấn. Đến hết ngày 20/11, đã có 115 văn bản trả lời gửi đến các vị đại biểu Quốc hội có chất vấn.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị, tại hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào chất vấn một số vấn đề chung, lớn mang tầm quản lý vĩ mô, mang tầm quốc gia, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được nhân dân, được dư luận xã hội quan tâm.

“Hôm nay có nhiều bộ trưởng tuy không phải là đại biểu Quốc hội nhưng cũng được mời đến tham dự và các đồng chí cũng chuẩn bị sẵn tinh thần, để khi cần chúng tôi mời thì sẽ tham gia làm rõ thêm các vấn đề”, Chủ tịch nói.

Thủy điện có “vô can” với lũ?

Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, cử tri rất bức xúc về việc xả lũ của các hồ thủy điện đã góp phần làm tăng lũ, gây thiệt hại lớn cho dân. Song, tại văn bản trả lời chất vấn (đề ngày 20/11) gửi đến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương còn giải trình rất chung chung, như cho rằng các hồ thủy điện xả lũ trong đợt mưa lũ vừa qua là vô can.

“Tôi thực sự rất ngạc nhiên với cách trả lời của Bộ trưởng”, đại biểu Hương nhấn mạnh. Và bà nói tiếp, “không thể phủ nhận được tính chính xác của việc xả lũ của các hồ thủy điện đã góp phần gây lũ dữ. Trả lời như trong văn bản của Bộ trưởng, tôi thấy rất khó thuyết phục khi về trả lời cử tri sau kỳ họp này”.

Sau giờ giải lao, Bộ trưởng Hoàng “xin lỗi đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương” và cho biết đã kiểm tra lại công văn đến và công văn đi thì không thấy câu hỏi trực tiếp của đại biểu gửi đến Bộ Công Thương, “vì vậy tôi cũng không có câu trả lời trực tiếp gửi đại biểu Quốc hội”. Đồng thời, ông khẳng định “tôi chưa hề có một câu trả lời nào khẳng định sự không liên quan của thủy điện nhỏ đối với vấn đề lũ lụt vừa qua”.

Phần trả lời tiếp theo, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận vừa qua một số dự án thủy điện vận hành chưa đúng quy trình, trước khi xả lũ, ban quản lý nhà máy chưa kịp thời báo cáo với ủy ban nhân dân của địa phương, đó là sai sót. “Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý, tùy theo mức độ vi phạm sẽ cương quyết xử lý theo các quy định hiện hành”, Bộ trưởng khẳng định.

Đại biểu Hương tiếp tục đăng ký chất vấn: “Bộ trưởng xem lại trong văn bản trả lời hoàn toàn không khẳng định rằng việc xả lũ của các hồ thủy điện làm ảnh hưởng đến việc tăng lũ”. Và, vị đại biểu này nhấn mạnh, rằng bà muốn biết chính kiến của Bộ trưởng, “vì thực sự tôi cũng là người dân ở vùng lũ”.

Nhiệt điện “có vấn đề”

“Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chậm tiến độ của việc thực hiện một số nhà máy nhiệt điện, trong đó có nguyên nhân chọn năng lực nhà thầu yếu hay không? Nếu có thì Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và các ngành hữu quan như thế nào?”, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đặt câu hỏi. Đây cũng là vị đại biểu “theo đuổi” chất vấn liên quan đến điện qua nhiều kỳ họp.

Cụ thể hơn, đại biểu Phạm Thị Loan hỏi, nhiều nhà máy nhiệt điện do các công ty Trung Quốc thực hiện theo dạng thầu EPC đã đưa công nghệ lạc hậu vào, trong đó nhiều nhà máy sử dụng nhiên liệu bằng những loại than không sản xuất trong nước. Vậy những nhà máy này sẽ lấy than từ đâu? Và làm thế nào để sử dụng những loại than đang sản xuất trong nước? Hiệu quả những nhà máy này sẽ ra sao khi phải nhập khẩu than và bị phụ thuộc, trách nhiệm thuộc về ai?

Sau khi Bộ trưởng trả lời, đại biểu Vũ Quang Hải tiếp tục: “Bộ trưởng đã thừa nhận tiến độ chậm, song có phải nhà thầu có năng lực thấp không, Bộ trưởng chưa chạm đến vấn đề”.

Chưa có một thông tin chính thức nào nói rằng các nhà thầu EPC tham gia vào các nhà máy điện đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, Bộ trưởng trả lời.

Tuy nhiên, đối với một số nhà máy nhiệt điện mà Trung Quốc giúp ta xây dựng, có một số khiếm khuyết về mặt kỹ thuật. Nhưng những khiếm khuyết này qua kiểm tra thì phần nhiều rơi vào những thiết bị phụ, Bộ trưởng nói tiếp.

Đại biểu Loan tiếp tục trao đổi: “Nếu như đến bây giờ mà Bộ trưởng vẫn còn chưa thấy được việc các nhà thầu Trung Quốc đưa các công nghệ lạc hậu vào hay không, cũng cần phải xem lại”.

Theo đại biểu Loan, nếu như Luật Đấu thầu có những hạn chế, những vướng mắc thì cần có kiến nghị để sửa luật để chúng ta mua được những cái mà chúng ta mong muốn mua”.

Được mời phát biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, trong tổng sơ đồ 6, các nhà máy nhiệt điện đều chậm từ 2 đến 3 năm và có vấn đề kỹ thuật. “Chậm tiến độ ở đây là năng lực nhà thầu, việc chọn nhà thầu của chúng ta chưa hợp lý”, Bộ trưởng Phúc khẳng định.

Chiều nay, Bộ trưởng Hoàng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn trong khoảng một giờ, trước khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đăng đàn.