Tỉ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ tăng mạnh
Theo Báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học tại Hội nghị giáo dục đại học diễn ra ngày 9/8/2024, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng…
Báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học cho thấy quy mô đào tạo đại học chính quy có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023.
PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KỸ THUẬT, CÔNG NGHỆ ĐÁP ỨNG NHU CẦU PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚCT
Theo báo cáo, có sự tăng đáng kể của lĩnh vực Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y. Khối ngành này tăng 62.060 sinh viên với tỷ lệ 10,59% so với năm 2023.
Điều này cho thấy các cơ sở đào tạo đã quan tâm đến xu hướng phát triển bền vững, phát triển các ngành kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Quy mô đào tạo thạc sĩ có xu hướng tăng đều trở lại ở tất cả các khối ngành so với năm 2023, trong đó phải nói đến sự tăng mạnh nhất của khối ngành đào tạo giáo viên (tăng 3.353 học viện tương ứng tăng 34,79% so với năm 2023), khối ngành Kinh doanh và quản lý, Pháp luật (tăng 3.205 học viên với tỷ lệ tăng 10,48% so với năm 2023),…
Khối ngành Nghệ thuật cũng có sự chuyển biến do có sự quan tâm của Bộ chủ quản, quy mô đào tạo thạc sĩ đã tăng tỷ lệ 39,12% nhưng số lượng tăng chỉ 178 học viên cao học.
Trong khi đó, quy mô đào tạo tiến sĩ bắt đầu tăng mạnh ở tất cả các khối ngành so với năm 2023, trong đó tăng mạnh nhất của khối ngành Toán và Thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng,… tăng 637 nghiên cứu sinh với tỷ lệ tăng 33,32% so với năm 2023, Khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên tăng 390 nghiên cứu sinh với tỷ lệ tăng 57,52%, Khối ngành Đào tạo giáo viên tăng 350 nghiên cứu sinh với tỷ lệ tăng 51,32%,...
Báo cáo cũng cho thấy, các cơ sở đào tạo đã quan tâm sâu hơn việc mở ngành để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của đất nước và của từng địa phương, số lượng ngành đào tạo quan tâm mở nhiều trong năm 2024 gồm có: Du lịch, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Trí tuệ nhân tạo,...
ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN CÓ CHUYÊN MÔN CAO
Còn theo số liệu từ Hệ thống Hemis do các cơ sở đào tạo kê khai, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian trong năm 2024 là 91.297, trong đó giảng viên là GS.TS là 743 người, PGS.TS là 5.629 người, Tiến sĩ là 23.776, Thạc sĩ là 53.412 người...
“Có thể nói, cơ chế tự chủ cho phép các trường đẩy mạnh công tác tuyển dụng và nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng.
Một số trường chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, chủ động trong công tác tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc với những giảng viên có trình độ tiến sĩ và có năng lực nghiên cứu; đồng thời, sắp xếp, cơ cấu lại và giảm biên chế tuyển dụng các vị trí viên chức, hành chính và người lao động phục vụ”, báo cáo nêu.
Việc cơ sở giáo dục đại học công lập được giao tự chủ quyết định hiệu trưởng và trình cơ quan có thẩm quyền công nhận hiệu trưởng; tự chủ trong việc bổ nhiệm các phó hiệu trưởng; quyết định các chức danh quản lý khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường; quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật;... đã tạo điều kiện để các trường từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp, lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên và nhân viên) giảm xuống.
Trong đó, các trường chú trọng hơn đến việc sử dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số hoặc thuê dịch vụ bên ngoài nhằm tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Bên cạnh đó, các trường đẩy mạnh phát triển đội ngũ có trình độ, chuyên môn cao, đặc biệt ưu tiên tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ, đào tạo bồi dưỡng giảng viên theo học các chương trình tại các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới.
Trong thời gian gần đây, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng. Nhà nước hỗ trợ việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học thông qua các Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian qua, hiện tại là Đề án 894.
Tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng dần đều hằng năm. Tỉ lệ trợ giảng có trình độ đại học giảm, điều này cho thấy các trường đã ý thức được việc nâng cao chất lượng giảng viên và thực hiện chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.