15:59 09/08/2016

Tiền anh anh tiêu, tiền em em giữ…

PV

Tiền anh anh tiêu, tiền em em giữ… - Ảnh 1

Xu hướng của gia đình hiện đại?
“Trước khi cưới, vợ chồng mình thống nhất với nhau, mỗi người đều có nghĩa vụ đóng góp 70% lương để sinh hoạt và tiết kiệm. Còn lại thì của ai nấy giữ. Sau 5 năm chung sống, mình thấy rất thoải mái,” chị Mai Phương (32 tuổi, Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) chia sẻ. Theo chị Mai Phương, độc lập về tài chính là cách trân trọng thành quả lao động của bản thân. Không phải vợ chồng nào cũng có thu nhập ngang nhau nhưng đều phải có trách nhiệm như nhau đối với gia đình nên nếu hoạch định tài chính theo kiểu cũ, mỗi người có bao nhiêu nộp bấy nhiêu thì rất có thể người chồng hoặc người vợ sẽ ỷ lại nếu như người bạn đời có thu nhập cao… Đây cũng là mẫu số chung của rất nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện đại. Cùng chia sẻ phí sinh hoạt, cùng góp những khoản chi lớn, còn thì “tiền ai nấy giữ”.
Nhìn chung, nếu hai vợ chồng có thể nắm rõ tài chính của nhau và cùng bàn bạc thống nhất được thì xu hướng của các cặp vợ chồng bây giờ là xác định chuyện quỹ riêng. Như vậy, quyền lợi cá nhân và quyền lợi của gia đình đều được thỏa mãn. Không chỉ vì nếu có chuyện không may thì mỗi người đều có thể tự chủ cuộc sống của mình, mà ngay cả khi chung sống, mỗi người có sự tự chủ trong sinh hoạt cá nhân cũng giúp cuộc sống dễ thở hơn. Vợ hoặc chồng ít đay nghiến nhau vì mức tiêu cho bản thân quá nhiều, cũng không ỷ lại vào người khác. Đồng thời, nếu dư dả có thể có những món quà thật sự bất ngờ dành cho nhau. Tuy nhiên, để việc độc lập về tài chính không làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng, việc duy trì quỹ này đòi hỏi những nỗ lực rất lớn. Giữ tiền khác giữ chồng!
Chuyên gia các vấn đề hôn nhân và gia đình Nguyễn Thị Kim Bắc (tổng đài tư vấn 1088 Bưu điện TP HCM) kể, bà nhận được khá nhiều tâm sự của những cặp vợ chồng kết hôn mười mấy, hai mươi năm nhưng chưa bao giờ động chạm đến tiền bạc của nhau, người này không biết cụ thể thu nhập của người kia như thế nào. Tiền của ai người đó tiêu, tiền của ai người đó giữ, chỉ cần cả hai vẫn có trách nhiệm chi tiêu cho gia đình. Bà nhận xét, đó thường là những cặp vợ chồng mà cả hai đều độc lập, tự chủ về kinh tế, có thể thu nhập cao hoặc có thừa kế, người này không muốn phụ thuộc kinh tế vào người kia. Bà cho rằng, trong gia đình ai giữ tiền không quan trọng, một quỹ, hai quỹ không quan trọng bằng việc vợ chồng có niềm tin với nhau và có trách nhiệm với gia đình.
“Thực ra cũng rất khó kiểm soát 100% thu nhập của người bạn đời bởi nhiều người ngoài lương còn có thưởng, có lợi nhuận từ kinh doanh bên ngoài”, chuyên gia phân tích. Một số chị em cho rằng giữ chồng bằng cách giữ tiền của chồng là không chính xác. Giữ tiền chỉ là một trong những cách để giữ chồng. Thậm chí, nếu giữ tiền chặt quá cũng có thể đẩy ông xã đến con đường ngoại tình. Nhiều người cứ nghĩ đàn ông có nhiều tiền sẽ ngoại tình, nhưng kể cả không có tiền, anh ta vẫn có thể ngoại tình. Theo bà, vợ chồng tự giữ tiền có khi còn tốt hơn là một người giữ cho cả hai và gây khó khăn cho người kia khi chi tiêu.  Bên cạnh “riêng” vẫn nên có “chung”
Ngược lại với ý kiến của chuyên gia tâm lý Kim Bắc, giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP HCM) lại không lạc quan như thế. Ông thừa nhận vợ chồng mỗi người một tài khoản riêng là tâm lý của xã hội hiện đại, từ sự phân công lao động cụ thể trong xã hội dẫn đến sự phân công chi tiêu và trách nhiệm trong gia đình… “Tuy nhiên vợ chồng không thể sống theo kiểu công nghiệp và phân công rõ ràng như thế được, bởi vợ chồng còn rất nhiều cái chung nhau: con cái, họ hàng… Vợ chồng có thể mỗi người vẫn giữ một tài khoản, nhưng tốt hơn là nên lập thêm một tài khoản chung để lo những việc chung như xây dựng nhà cửa, lo cho hai bên nội ngoại…", ông Hiền khuyên.
Ông cho rằng đã là vợ chồng thì nên có ý thức thông báo cho nhau về các khoản thu nhập đồng thời hỗ trợ giám sát lẫn nhau. Nếu vợ chồng không giám sát nhau sẽ không thể giúp nhau hoàn thiện, không biết gì về thu nhập của nhau có thể tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những cái xấu như cờ bạc, tham nhũng, hối lộ... Chưa kể, vợ chồng hai tài khoản cũng dễ dẫn đến tình trạng ngoại tình, khi người đàn ông không bị vợ giám sát về tiền bạc sẽ thoải mái chi tiêu cho những mục đích riêng.
 Lý do phụ nữ nên độc lập tài chính với chồng
1.    Chồng không thể là đối tượng để vay tiền! Ví dụ bạn cần đổi laptop nhưng đang kẹt một nửa tiền. Bạn buộc phải tìm sự giúp đỡ từ bạn bè thân hoặc bố mẹ đẻ, thậm chí nếu khoản kha khá thì vay ngân hàng.
2.    Cái gì cũng “cưa đôi”. Khi đã đồng ý rạch ròi tài chính, có nghĩa là mọi chi tiêu trong gia đình sẽ rất sòng phẳng từ cái nhỏ nhất. Không ai free cho đối phương.
3.    Sẵn sàng cho những khoản chi 6 con số. Ví dụ như việc đóng góp đi nghỉ mát cùng bên ngoại. Kéo được ông xã đi chơi cùng là rất khó rồi, nên đừng mong đấng mày râu rút ví. Tất nhiên là bạn phải chi rồi, vậy tiền ấy lấy đâu ra nếu bạn không có quỹ đen?
4.    Bạn phải phòng thân, dù ít cũng được. Điều này là chắc chắn. Hình dung nếu bạn không may ốm đau, hoặc mất việc làm, hãy yên tâm lúc đó mình còn có một khoản để cầm cự một thời gian, chứ chẳng lẽ lại phải ngửa tay xin tiền chồng cho những khoản chi cá nhân kiểu làm tóc, nạp tiền điện thoại?
 

Lục Ý