Tiền bị rút ồ ạt khỏi các ngân hàng Nga
Nga đang chứng kiến một đợt rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng ở nước này, trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine khiến các nước phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt liên tiếp đối với Nga...
Đồng Rúp đã rớt giá chóng mặt trong phiên ngày 28/2, cùng với sự xuất hiện của những dòng người dài trước các cây ATM ở Moscow và tại chi nhánh các ngân hàng Nga ở châu Âu, khi người gửi tiền tới để rút tiền. Sberbank Europe, ngân hàng tại thị trường châu Âu thuộc sở hữu của nhà băng quốc doanh Nga Sberbank, cho biết đang trải qua “sự rút tiền nghiêm trọng trong một khoảng thời gian ngắn”.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã phải tăng gấp đôi lãi suất từ 9,5% lên 20% trong ngày 28/2 để chặn sự “lao dốc không phanh” của Rúp – đồng tiền có lúc mất giá tới 30% so với USD, xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 119 Rúp đổi 1 USD. Khi đóng cửa tại thị trường Moscow, Rúp giảm giá 20% so với đồng bạc xanh, còn 103 Rúp đổi 1 USD. Từ đầu năm đến nay, Rúp đã giảm 28%.
Ngoài ra, CBR cũng triển khai một số biện pháp kiểm soát vốn để ngăn dòng tiền rút khỏi Nga. Thống đốc CBR Elvira Nabiullina nói rằng các biện pháp trừng phạt đã khiến ngân hàng trung ương này khó sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
“Đây là một cuộc rút tiền quy mô lớn khỏi hệ thống ngân hàng. Các biện pháp kiểm soát vốn sẽ khiến tình hình trở nên bớt tồi tệ hơn” - chuyên gia Maximilian Hess thuộc Viện nghiên cứu chính sách nước ngoài (FPRI) có trụ sở ở Philadelphia, Mỹ, nói với hãng tin CNBC.
“Nhưng rồi người ta sẽ tìm ra cách” để vượt qua các kiểm soát này – ông Hess nói. Các biện pháp kiểm soát vẫn còn đó, “nhưng chỉ còn tác dụng trì hoãn sự rút vốn mà thôi”.
“Tôi cho rằng sẽ có một số vụ vỡ nợ ở Nga. Trong cuộc rút tiền quy mô lớn khỏi các ngân hàng, sẽ có sự dẫm đạp xảy ra”, vị chuyên gia cảnh báo.
Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đưa ra đối với Nga từ cuối tuần vừa rồi được đánh giá là cứng rắn hơn so với những lệnh trừng phạt trước đó. Các biện pháp mới bao gồm loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT, đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, và đặc biệt là đóng băng giao dịch với CBR. Ngày 28/2, Thuỵ Sỹ cũng tuyên bố sẽ tham gia cùng với EU trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào tài sản Nga – một bước ngoặt lớn bởi Thuỵ Sỹ vốn có lịch sử là một nước trung lập.
“Chúng tôi sẽ đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga”, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Layen nói trong một tuyên bố hôm Chủ nhật. “Các giao dịch của họ sẽ bị đóng băng, và họ sẽ không thể bán tài sản được”.
Biện pháp trừng phạt này đặt ra thách thức rất lớn với Nga, bởi dự trữ ngoại hối khổng lồ của Nga – hiện ở mức cao chưa từng có 630 tỷ USD – được coi là một tấm nệm quan trọng để nâng đỡ nền kinh tế Nga khi bị trừng phạt và mất nguồn thu từ xuất khẩu. Bị phương Tây đóng băng tài sản, CBR sẽ không thể bán tài sản để lấy đồng Euro hay USD để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp.
Ảnh hưởng nhiệt nhất có lẽ sẽ rơi vào những người dân thường Nga, khi họ chứng kiến giá trị tiền tiết kiệm và tiền lương sụt giảm chóng mặt chỉ trong vòng một vài ngày ngắn ngủi. Các nhà phân tích cho rằng nỗi đau đó sẽ không sớm dừng lại.
“Tôi cho rằng việc trừng phạt nhằm vào dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương là thông tin quan trọng nhất ở đây”, chiến lược gia Kamakshya Trivedi thuộc ngân hàng Mỹ Goldman Sachs nhận định khi nói về các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Theo ông Trivedi, dự trữ ngoại hối lớn của Nga “là tuyến phòng thủ chính và đầu tiên chống lại lệnh trừng phạt”. “Tôi cho rằng khi dự trữ ngoại hối bị đóng băng, Nga rất khó để bảo vệ đồng Rúp khỏi sức ép mà chúng ta đang chứng kiến. Nên tỷ giá đồng Rúp sẽ tiếp suy yếu và sẽ còn nhiều biến động như những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay.