13:52 20/11/2012

Tiền thu hồi sau thanh tra tăng nhanh nhờ… các tập đoàn

Nguyên Vũ

"Vừa nhận được văn bản trả lời, lập tức tôi gửi ngay chất vấn tiếp theo đến Tổng thanh tra Chính phủ"

 Trong tháng 7 và tháng 8/2012, Thanh tra Chính phủ đã thành lập các tổ 
công tác kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra tại các 
tập đoàn, tổng công ty.
Trong tháng 7 và tháng 8/2012, Thanh tra Chính phủ đã thành lập các tổ công tác kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty.
"Vừa nhận được văn bản trả lời, lập tức tôi gửi ngay chất vấn tiếp theo đến Tổng thanh tra Chính phủ", Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nói với VnEconomy bên hành lang Quốc hội, chiều 19/11.
 
Nội dung chất vấn của đại biểu Hùng gửi Tổng thanh tra Chính phủ như sau:

"Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 số 266/BC-CP ngày 10/10/2012 đã thay thế báo cáo số 233/BC-CP ngày 6/9/2012, tuy nhiên giữa hai báo cáo có sự chênh lệch quá lớn về số liệu.

Báo cáo số 233 nêu: qua thanh tra phát hiện sai phạm kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.482 tỷ (đã thu hồi 141 tỷ). Báo cáo số 266 lại đưa số liệu: qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.948 tỷ (đã thu hồi 2.334 tỷ).

1. Đề nghị đồng chí cho biết tại sao chỉ trong hơn một tháng, số tiền thu hồi về ngân sách nhà nước đã tăng từ 141 tỷ lên 2.334 tỷ? Quy trình tổng hợp số liệu của Thanh tra Chính phủ như thế nào, các số liệu có đảm bảo độ tin cậy không?

2. Dù với số liệu nào (2.334 tỷ/7.948 tỷ và 141 tỷ/6.482 tỷ) cùng đều là thấp hoặc rất thấp, đề nghị đồng chí cho biết trách nhiệm, nguyên nhân và biện pháp khắc phục".


Ở văn bản trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ lý giải, thời gian chốt số liệu của hai báo cáo là khác nhau. Cụ thể, báo cáo số 233 tạm tính đến ngày 30/6/2012. Còn báo cáo số 266 số liệu được chốt đến ngày 30/9/2012.

Lý do thứ hai là trong tháng 7 và tháng 8/2012, Thanh tra Chính phủ đã thành lập các tổ công tác kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty mới kết luận thanh tra trong 6 tháng đầu năm, đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Như Tập đoàn Dầu khí, Sông Đà, Hóa chất Việt Nam..., nên việc thu hồi xử lý sau thanh tra tăng lên nhiều so với báo cáo trước đây.

Câu hỏi về quy trình tổng hợp số liệu của Thanh tra Chính phủ như thế nào, các số liệu có đảm bảo độ tin cậy không... của đại biểu Hùng thì không có câu trả lời.

Với nội dung chất vấn việc xử lý thu hồi kinh tế sau thanh tra đạt kết quả thấp, Tổng thanh tra nêu nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong các nguyên nhân chủ quan có những cuộc thanh tra chất lượng chưa cao, nội dung kiến nghị, xử lý thu hồi kinh tế thiếu tính khả thi. Mặt khác, có một số cuộc thanh tra cán bộ thanh tra có dấu hiệu tiêu cực, làm giảm nhẹ mức độ vi phạm, vừa qua đã được phát hiện, xử lý.

Tuy nhiên, con số bao nhiêu cán bộ đã được phát hiện, xử lý hình thức nào đã không xuất hiện trong văn bản. Và chất vấn về trách nhiệm cũng không được Tổng thanh tra đề cập.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhận xét, hai nội dung quan trọng nhất của ông thì Tổng thanh tra đều “tránh”, do đó những lý giải về sự tăng vọt của con số cũng như biện pháp thu hồi sau thanh tra thấp chưa đủ thuyết phục.

Bởi vậy, ngay sau khi đọc kỹ văn bản trả lời, ông đã gửi ngay chất vấn tiếp theo để có câu trả lời thỏa đáng hơn về quy trình tổng hợp số liệu của Thanh tra và trách nhiệm về thu hồi kinh tế sau thanh tra đạt thấp.

Với 5 chất vấn bằng văn bản, số lượng chất vấn gửi đến Tổng thanh tra ở kỳ họp này (theo tổng hợp đến chiều 10/11) thuộc loại ít so với nhiều thành viên khác của Chính phủ. Tuy nhiên, đến sáng 19/11, một số vị đại biểu đã gửi chất vấn cho biết vẫn chưa nhận được trả lời từ Tổng thanh tra.