14:06 13/07/2021

Tiền vào tài khoản cá nhân giảm mạnh, thị trường cần thời gian tích luỹ?

An Nhiên

Trong khi vốn vay ký quỹ vẫn ở mức cao kỷ lục và các công ty chứng khoán tiếp tục phát hành tăng vốn, thì tiền mới nộp vào tài khoản bắt đầu có dấu hiệu giảm...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong báo cáo bản tin thị trường chứng khoán tháng 6/2021, Dragon Capital cho rằng, tài khoản nhà đầu tư cá nhân tiếp tục tăng mạnh, trong khi số dư tiền có dấu hiệu giảm và margin vẫn ở mức kỷ lục. 

"Số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới tiếp tục tăng 23% so với tháng trước, đạt mức kỷ lục hơn 140.000. Trong khi vốn vay ký quỹ vẫn ở mức cao kỷ lục và các công ty chứng khoán tiếp tục phát hành tăng vốn, thì tiền mới nộp vào tài khoản bắt đầu có dấu hiệu giảm", Dragon Capital nêu rõ.

Khối ngoại bắt đầu giảm bán ròng, từ gần 12.000 tỷ trong tháng 5 về mức 3.900 tỷ trong tháng 6. Qua tháng 7, khối ngoại bắt đầu mua ròng mạnh, trên 4.300 tỷ tính tới hết ngày 9/7. Đây là tín hiệu rất tích cực về xu hướng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức.

Theo Dragon Capital, yếu tố quan trọng trong thời gian tới sẽ là lợi nhuận doanh nghiệp. Lợi nhuận doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi Covid. Mức điều chỉnh giảm chủ yếu sẽ đến từ ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid lần thứ 4 kéo dài lên nền kinh tế và doanh nghiệp.

Tiền vào tài khoản cá nhân giảm mạnh, thị trường cần thời gian tích luỹ? - Ảnh 1

Tuy nhiên, Dragon Capital vẫn kỳ vọng lợi nhuận TOP 60 tăng trưởng 46% trong năm 2021, chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp nhóm ngân hàng, bất động sản và thép. Nếu mức tăng trưởng cả năm chỉ đạt 35%, PE 2021 sẽ đạt 14,1 khi Vn-Index ở mức 1350 điểm. Đây vẫn là mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, tuy rằng không hẳn là mức thấp so với trung bình các năm trước của Việt Nam.

“Do đó thị trường có thể sẽ cần thời gian để tích lũy. Nếu thị trường thế giới tiếp tục tăng và không có yếu tố tiêu cực xảy ra, chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2022 nhờ các yếu tố cơ bản phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch”, báo cáo nhấn mạnh.

Tiền vào tài khoản cá nhân giảm mạnh, thị trường cần thời gian tích luỹ? - Ảnh 2

Về kinh tế vĩ mô, hoạt động kinh tế trong nước có dấu hiệu chậm lại trong tháng 6 khi Việt Nam bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn thể hiện qua mức độ di chuyển giảm 40% so với cùng kỳ. Ngành dịch vụ và bán lẻ chịu ảnh hưởng lớn khi tổng số hành khách vận chuyển và doanh số bán lẻ giảm lần lượt là 13% và 2% trong tháng 6.

Đối với hoạt động sản xuất, chỉ số PMI giảm xuống 44, từ mức 53 của tháng 5, do một số khu công nghiệp tạm dừng sản xuất. Tuy nhiên, mức giảm này không nhiều nếu so với con số 33, mức thấp kỷ lục của tháng 3 năm ngoái.

Dragon Capital kỳ vọng hoạt động sản xuất sẽ không chịu ảnh hưởng mạnh như năm 2020 vì nguồn vắc xin đang được ưu tiên cho các khu công nghiệp, và số lượng đơn hàng dự kiến sẽ tăng trở lại khi Mỹ và Châu Âu mở cửa trở lại (chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam).

Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến giữa tháng 6 đạt 5,5%, trong khi đó cung tiền M2 chỉ tăng 3,5%. Mặt khác, lạm phát trung bình 6 tháng chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn cầu, điều này cho phép Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12 -14%, để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm cao hơn tăng trưởng vốn huy động (+3,1%), từ đó sẽ tạo áp lực cho các ngân hàng huy động vốn trong thời gian tới. Tuy nhiên, dự kiến ngân hàng Nhà nước sẽ bơm khoảng 115.000 đến 140.000 tỷ đồng vào hệ thống trong quý 3 trong thông qua việc mua lại USD, điều này sẽ giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện.

Tiền vào tài khoản cá nhân giảm mạnh, thị trường cần thời gian tích luỹ? - Ảnh 3

Do mức độ phức tạp của chủng virus Delta, Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có. Tuy nhiên, Chính phủ không thay đổi kế hoạch đã đưa ra mà thay vào đó đặt ra 2 kịch bản tăng trưởng 6% và 6,5%. Đồng thời, Thủ tướng đã thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 26.000 tỷ và đang chuẩn bị thông qua chương trình miễn giảm thuế trị giá gần 115.000 tỷ.

Hơn nữa, với gần 10% dư địa về tài khóa so với mức trần nợ công 65%, Dragon Capital kỳ vọng các gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo sẽ sớm được công bố và Chính phủ sẽ nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công (tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng) trong nửa cuối năm nay.