Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đánh giá cao những cải thiện tích cực về môi trường đầu tư tại Việt Nam như: gánh nặng thanh, kiểm tra đã giảm; những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính…
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh nhiều hơn nữa để tiếp tục là địa điểm hấp dẫn nguồn vốn FDI.
Điều tra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy mặc dù chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, song Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
LẠC QUAN VỀ TRIỂN VỌNG KINH DOANH
Điều tra năm 2021 ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam là 47,7%. Con số này đã tăng đáng kể so với năm 2020 khi chỉ có 40,8% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Sự lạc quan trở lại của các doanh nghiệp FDI được quan sát thấy ở hầu hết các ngành nghề, dù là doanh nghiệp định hướng thị trường xuất khẩu hay thị trường nội địa.
Báo cáo phân tích, trong số 22 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp FDI tham gia điều tra năm 2021, ba tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô cao nhất là Hà Nam (65,4%), Quảng Ninh (65%) và Hải Phòng (60%).
Vùng miền núi phía Bắc có hai đại diện trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự định mở rộng quy mô cao nhất, bao gồm Thái Nguyên (59,3%) và Bắc Giang (58,1%).
Đáng lưu ý, một số địa phương tập trung số lượng lớn doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh thấp hơn mức trung bình cả nước, như Hà Nội (46,1%), Bình Dương (45,9%), TP.HCM (44,6%) và Bắc Ninh (44,1%).
Một số địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô thấp hơn đáng kể so với mức chung cả nước bao gồm Bình Phước (21,4%) và Đà Nẵng (34,4%).
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng làm thay đổi cơ cấu khách hàng của doanh nghiệp FDI trong năm 2021 so với năm 2020. Tỷ trọng khách hàng tại Việt Nam và xuất khẩu trở về nước xuất xứ giảm, trong khi có sự gia tăng đáng kể tỷ trọng xuất khẩu sang nước thứ ba. Theo kết quả điều tra, đa phần các doanh nghiệp FDI xuất khẩu trở lại nước xuất xứ (27,3%) hoặc sang nước thứ ba (31,2%).
Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cung ứng cho doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam giảm đáng kể từ 9,2% năm 2020 xuống còn 5,2% năm 2021. Nhóm khách hàng chính của doanh nghiệp FDI vẫn là các doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ 48,4%, mặc dù có giảm so với năm trước.
Khoảng 32,8% doanh nghiệp FDI cung ứng sản phẩm và dịch vụ của mình cho doanh nghiệp tư nhân trong nước và 13,1% cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng Việt Nam.
VẪN CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI
Điều tra cũng cho thấy, các doanh nghiệp FDI đánh giá gánh nặng thanh, kiểm tra đối với khu vực FDI tiếp tục xu hướng giảm dần trong năm 2021 so với các năm trước đó. Cụ thể, số cuộc thanh, kiểm tra trung vị đã giảm xuống ấn tượng chỉ là 0 cuộc, trong khi năm 2020 là 1 cuộc và từ năm 2019 về trước là 2 cuộc.
Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên của năm 2021 chỉ là 3,2%, giảm đáng kể từ con số 6,3% của năm 2020 và 9,3% của năm 2019. “Những cải thiện đáng chú ý này có thể là kết quả của việc chính quyền các địa phương đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp ngay từ đầu năm tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2021”, báo cáo nhận định.
Mặc dù vậy, năm 2021, khi diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp, tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế do cách hiểu và áp dụng quy định phòng chống dịch khác nhau, đôi lúc cực đoan ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp.
Chính điều này khiến nhiều doanh nghiệp bị gia tăng gánh nặng chi phí tuân thủ cho dù chính quyền Trung ương luôn chủ trương thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật là 60,6%, tăng vọt so với con số 32,9% của năm 2020. Số ngày trung vị thông quan hàng hóa xuất khẩu tăng từ 1 ngày năm 2020 lên 2 ngày trong năm 2021. Tương tự, số ngày trung vị nhập khẩu của năm 2021 là 3 ngày, tăng đáng kể so với con số 2 ngày được duy trì trong nhiều năm trước đó.
Bên cạnh nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính đã được cải thiện tích cực nhưng một số lĩnh vực khác cũng có sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh còn nhiều phiền hà trong năm 2021 so với năm 2020, bao gồm cấp phép xây dựng (36,9%), thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy (36,4%), đánh giá tác động môi trường/xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường (35,7%) và quyết định chủ trương đầu tư (28%).
Gánh gánh nặng chi phí không chính thức có xu hướng giảm nhưng vẫn có 1,7% doanh nghiệp phải dành trên 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, nhích nhẹ so với con số 1,2% của năm 2020.
Tương tự, năm 2021 có 5% doanh nghiệp cho biết phải dành 5-10% doanh thu cho chi phí không chính thức, trong khi năm trước đó chỉ là 2,1%. Điều này cho thấy việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước đặt ra là rất cần thiết.
Phân tích cụ thể, báo cáo chỉ ra những lĩnh vực phát sinh chi phí không chính thức phổ biến nhất với các doanh nghiệp FDI là thủ tục xuất nhập khẩu (38,9%), thanh, kiểm tra (25,4%).
Rất đáng lưu ý, có tới 21,1% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục đất đai, tăng mạnh so với con số 10,3% của năm 2020. Điểm buồn của điều tra là có tới 60,4% doanh nghiệp cho biết công việc được giải quyết như mong đợi sau khi chi trả chi phí không chính thức.
Một khó khăn nữa mà các FDI đang phải đối mặt, đó là chất lượng lao động vẫn được đánh giá thấp. Chỉ 15% doanh nghiệp cho biết lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn, 37% cho biết chất lượng lao động ở mức “tạm được” và khoảng 5% đánh giá phần lớn hoặc hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Dù có nhiều cải thiện, nhưng Việt Nam vẫn cần tập trung cải cách những lĩnh vực thủ tục hành chính gây phiền hà tương đối cao cho doanh nghiệp, như thuế, phòng cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội.
Việt Nam cũng cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai. Chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần nâng cao hơn nữa trong thời gian tới. Tiếp tục cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cùng với việc đảm bảo nguồn cung lao động cũng là kỳ vọng từ phía các doanh nghiệp FDI đối với các địa phương.
Điều tra của VCCI tiếp tục phản ánh một thực tế là phần lớn các doanh nghiệp FDI vẫn có quy mô nhỏ và vừa, cho thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tới việc trở thành vệ tinh cho các dự án FDI lớn tại Việt Nam.
Kết quả điều tra cũng ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng ba nhóm nhà cung cấp nội địa đều giảm trong năm 2021 so với năm 2020 và năm 2019. Một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang chật vật hơn trong việc tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Do vậy, Việt Nam cần có những chính sách hiệu quả hơn nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như có thể tận dụng cơ hội kết nối với các doanh nghiệp FDI để hưởng lợi sự lan tỏa của công nghệ và quản trị.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI