Tiếp tục thăng hạng, tỷ phú Ấn Độ Adani trở thành người giàu thứ hai thế giới
Doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani mới đây đã “vượt mặt” ông Jeff Bezos để xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới...
Ông Adani là chủ tịch tập đoàn đa quốc gia Adani Group với danh mục đầu tư và công ty bao trùm nhiều lĩnh vực như khai thác than, trung tâm dữ liệu, sân bay và năng lượng tái tạo.
Bảng xếp hạng Chỉ số Tỷ phú Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index) mới đây đã chứng kiến thêm một cuộc đổi ngôi giữa những người giàu nhất hành tinh. Điều này làm nổi bật những biến động của thị trường và sự gia tăng chóng mặt khối tài sản của doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani trong danh sách tỷ phú toàn cầu - câu lạc bộ vốn vẫn nằm dưới sự thống trị của những gã khổng lồ công nghệ bấy lâu.
TÀI SẢN TĂNG NHANH
Bắt đầu năm 2022 với vị trí thứ 14 trong xếp hạng, kể từ đó ông Adani đã tăng hơn gấp đôi giá trị tài sản ròng của mình để vượt qua những tỷ phú hàng đầu như Warren Buffett và Bill Gates. Vào tháng 2 năm nay, ông Adani trở thành người giàu nhất châu Á. Mới đây, ông Gautam Adani tiếp tục soán ngôi nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới.
Với khối tài sản gần 147 tỷ USD, vị tỷ phú Ấn Độ hiện chỉ đứng sau ông chủ hãng xe điện Tesla Elon Musk - người sở hữu khối tài sản 263,9 tỷ USD. Trong khi đó, ông Bezos hiện thua ông Adani khoảng 19 triệu USD sau làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ hôm 16/09.
Cổ phiếu các công ty của ông Adani đã tăng vọt vào năm nay khi giá năng lượng tăng cao, trong khi giá trị các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ sụt giảm kéo theo nhiều tỷ phú tên tuổi của Phố Wall trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Hãng Bloomberg nhận định dù ông Adani có kế hoạch đầu tư mạnh vào năng lượng xanh để phù hợp với lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi biến Ấn Độ thành trung tâm các loại nhiên liệu mới, phần lớn doanh thu của Tập đoàn Adani vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch.
Cổ phiếu Adani Enterprises, công ty hàng đầu của Tập đoàn Adani hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào hôm 15/9, tăng hơn gấp đôi về giá trị kể từ đầu năm. Trong khi cổ phiếu công ty sản xuất điện Adani Power đã tăng gần gấp bốn lần kể từ đầu năm.
Theo Washington Post, đế chế kinh doanh của tỷ phú Adani khởi đầu từ một doanh nghiệp nhập khẩu nhựa vào những năm 1980, sau đó mở rộng sang các hoạt động khai thác cảng và thương mại toàn cầu. Ông tiếp tục đa dạng hóa hoạt động kinh doanh với đơn vị quản lý sân bay, khai thác than và phân phối mạng lưới khí đốt.
Một trong những nỗ lực gần đây của tỷ phú Adani để thúc đẩy năng lượng sạch là khoản đầu tư 70 tỷ USD. Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn Độ hồi đầu tháng này, ông Adani cho biết: "Hạn chế sự nóng lên của hành tinh là điều cần thiết để có thể trở thành một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất vào vài thập kỷ tới".
CÁC TỶ PHÚ TRONG DANH SÁCH
Vị trí đầu bảng xếp hạng tỷ phú vẫn là ông Musk, người đồng sáng lập sáu công ty trong đó nổi bật là hãng sản xuất ô tô điện Tesla và hãng tên lửa SpaceX.
Vị trí thứ ba là ông Bezos, được biết đến nhiều với vai trò ông chủ công ty công nghệ khổng lồ Amazon hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, điện toán đám mây, phát trực tuyến... Ông cũng sở hữu công ty hàng không vũ trụ Blue Origin.
Theo Bloomberg, sự gia tăng khối tài sản của tỷ phú Adani diễn ra cùng khoảng thời gian với đợt bán tháo cố phiếu công nghệ đã khiến tài sản của ông Bezos mất hơn 45 tỷ USD kể từ tháng 1. Giá trị ròng của ông Bezos cũng giảm đáng kể khi ly hôn với vợ cũ MacKenzie Scott vào năm 2019. Bà Scott đã nhận được 1/4 số cổ phần của nhà sáng lập Amazon tại gã khổng lồ thương mại điện tử, tương đương cổ phần khoảng 4%
Vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng là ông Arnault, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành đế chế làm đẹp, thời trang, hàng xa xỉ LVMH. Tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu thời trang và làm đẹp cao cấp như Louis Vuitton, Christian Dior, Sephora, Dom Pérignon và Fenty Beauty by Rihanna.
Hãng tin Bloomberg nhận định việc ông Adani thăng hạng trong bảng xếp hạng giàu cũng là bởi nhiều doanh nhân công nghệ hàng đầu đã đẩy mạnh hoạt động từ thiện, khiến khối tài sản của họ giảm đi.
Ông Bezos đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD để chống biến đổi khí hậu, quyên góp tiền cho Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian.
Tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett, được biết tới là những nhà từ thiện hàng đầu, đã khởi động sáng kiến Giving Pledge vào năm 2010 với mục đích thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng. Hồi tháng 7/2022, người đồng sáng lập Microsoft Corp cho biết đã chuyển 20 tỷ USD cho Quỹ Bill & Melinda Gates. Quỹ từ thiện này cũng đã nhận được hơn 35 tỷ USD từ tỷ phú Buffett.