13:49 15/07/2022

Tiết kiệm 35% chi phí cho doanh nghiệp khi “lên mây” cùng AWS

Hằng Anh

Tệp khách hàng mà OSAM đã tư vấn và triển khai giải pháp đám mây khá đa dạng và trải rộng ở tất cả các ngành tài chính, sản xuất, truyền thông, giao nhận, giáo dục …

Ông Dương Vũ Minh, Giám đốc kinh doanh và Đồng sáng lập Công ty TNHH Quốc tế OSAM.
Ông Dương Vũ Minh, Giám đốc kinh doanh và Đồng sáng lập Công ty TNHH Quốc tế OSAM.

“Kết duyên” với AWS ngay từ ngày đầu thành lập, ông Dương Vũ Minh, Giám đốc kinh doanh và Đồng sáng lập Công ty TNHH Quốc tế OSAM, đối tác cao cấp của AWS cho biết, đến nay, sau 5 năm đã có hơn 200 khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB), các startup lựa chọn OSAM triển khai cung cấp giải pháp điện toán đám mây của AWS trong hành trình chuyển đổi số.

Điện toán đám mây là một công nghệ quan trọng trong hành trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Qua thực tế triển khai, ông đánh giá thế nào về mức độ ứng dụng công nghệ này trong các doanh nghiệp hiện nay? Các nhóm ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp nào ở Việt Nam đang nổi trội nhất?

Tệp khách hàng mà OSAM đã tư vấn và triển khai giải pháp đám mây khá đa dạng và trải rộng ở tất cả các ngành tài chính, sản xuất, truyền thông, giao nhận, giáo dục …

Điển hình mảng sản xuất, tất cả hệ thống trên AWS của Masan hiện nay do OSAM quản trị và xử lý. Ở các mảng khác, Tiki, Sapo, Gapo, 24h; Vinschool, Tima, Panasonic…cũng đều đã ứng dụng triển khai giải pháp đám mây của AWS do OSAM cung cấp để hỗ trợ phát triển và quản trị.

Riêng trong lĩnh vực tài chính, OSAM đã hỗ trợ và triển khai, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp SMB trong đó có một số là ngân hàng lớn. Có thể kể đến một số trường hợp thành công nổi trội như Mcredit, VNPay, Lotte Finance, F88...

Qua triển khai, tôi nhận thấy, nhu cầu chuyển đổi số trong các doanh nghiệp tài chính cao hơn các doanh nghiệp khác khá nhiều. Còn những khách hàng tiềm năng nhưng chuyển đổi lâu hơn đa phần là các doanh nghiệp SMB truyền thống trong ngành sản xuất. Các doanh nghiệp này đều đã tính đến chuyển đổi nhưng là bài toán dài hơi và chờ đợi các doanh nghiệp khác triển khai trước.

Những doanh nghiệp triển khai điện toán đám mây đã mang lại hiệu quả, giá trị rõ nét trong đầu tư, tiết kiệm chi phí thế nào? Ông có thể lấy một vài điển hình so sánh trước và sau khi triển khai ứng dụng điện toán đám mây trong các doanh nghiệp?

Từng doanh nghiệp sẽ có mức độ hiệu quả khác nhau. Ước tính khi triển khai ứng dụng hạ tầng mới, thay vì phải mất 4 tháng như trước đây thì nay chỉ tính bằng tuần. Không những thế, phần lớn các doanh nghiệp đã giảm được 30-35% chi phí vận hành, con người, hệ thống hạ tầng trên cloud. Các doanh nghiệp không phải quan tâm về mặt bảo trì, vận hành hệ thống; không cần quá nhiều nhân lực trực hệ thống server như trước đây…

Với Mcredit, ngay từ năm 2020 đã có tham vọng sẽ tiếp cận 10 triệu khách hàng trong 5 năm. Vì vậy, đơn vị này luôn trăn trở tìm kiếm giải pháp để tăng trải nghiệm khách hàng, tương tác giữa khách hàng và kênh sale, giúp nhân viên sale tiếp cận và bán các gói vay dễ dàng hơn, cung cấp các gói dịch vụ mới…Điều này sẽ rất khó thực hiện nếu Mcredit không có một hệ thống tổng hợp, xử lý dữ liệu nhằm hỗ trợ ban lãnh đạo đưa ra quyết định.

Thông thường nếu sử dụng hệ thống cũ sẽ tốn thời gian để chốt phương án nhưng khi dùng cloud, việc xử lý dễ dàng hơn, giúp Mcredit thử nghiệm nhiều phương án mới. Do đó, việc nâng cấp lên cloud được coi là giải pháp tất yếu để Mcredit giải quyết những điểm nghẽn, giúp tăng khả năng mở rộng, tăng tốc kinh doanh, tiếp cận thị trường cung cấp dịch vụ…

Khi mô hình chi phí được chuyển từ Capex (chi phí đầu tư) sang Opex (chi phí hoạt động), doanh nghiệp sẽ không phải bỏ một khoản đầu tư lớn ban đầu mà dùng đến đâu trả đến đó. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng điều phối, theo dõi chi phí hàng ngày; đồng thời cảnh báo phân phối tài nguyên… Các dịch vụ liên quan đến AI, Data, Machine Learning cũng chuyển dần lên hệ thống của AWS giúp doanh nghiệp phân tích, đánh giá từng khách hàng để đưa ra gói dịch vụ phù hợp…

Từ kinh nghiệm triển khai cho các khách hàng, theo ông đâu là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công?

Để chuyển đổi số, trước hết phải có ý chí quyết tâm của lãnh đạo. Bởi thực tế nếu hệ thống vẫn chạy tốt, không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh thì doanh nghiệp khó có nhu cầu phải chuyển mình.

Thứ hai cần phải đào tạo để nhân sự IT của doanh nghiệp có thể hợp tác cùng triển khai vận hành sau khi lên cloud, giúp cho các hệ thống, các dự án chuyển đổi số chạy suôn sẻ...

Thứ ba là quản trị về mặt chi phí. Cần phải có các biện pháp đo đạc và chỉ ra cho doanh nghiệp thấy rõ sự chuyển biến cải thiện về hiệu quả kinh doanh, chi phí, lợi nhuận…Đến nay, 99% doanh nghiệp khi ứng dụng đám mây đều đang vận hành hiệu quả, không quay về truyền thống.

Được biết đến nay, mạng lưới đối tác AWS đã có nhiều đối tác triển khai các giải pháp đám mây trên thị trường. Vậy so với các đối tác khác của AWS, dịch vụ của OSAM có gì nổi bật hơn để cạnh tranh?

OSAM xác định lợi thế chính là việc đi trước đón đầu và tận dụng các công nghệ mới để ứng dụng ngày càng nhiều hơn và có thể triển khai được các giải pháp cao cấp hơn. Trong quá trình triển khai, càng về sau, khách hàng càng có nhiều nhu cầu và đòi hỏi cao hơn. Do đó, các partner phải liên tục nâng cao năng lực, sáng tạo và liên tục cập nhật công nghệ mới, giúp khách hàng khai thác được các tiện ích, giá trị dịch vụ mang tính cách mạng cao hơn trên hệ thống AWS.

Mạng lưới đối tác AWS (AWS Partner Network) đã không chỉ đồng hành cùng OSAM trong suốt quá trình tư vấn và triển khai mà còn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để đạt được kết quả tốt nhất trong dự án. Với OSAM, vấn đề quan trọng nhất chính là chất lượng dịch vụ, chất lượng hậu mãi. OSAM cũng đã kích hoạt nhiều chương trình từ hãng để có thể hỗ trợ thêm cho khách hàng như tặng thêm credit giúp tiết kiệm chi phí khi dùng AWS…