09:45 18/11/2020

Vaccine sinh học: kỳ vọng mới trong điều trị ung thư

Hoài Phương

Ngày nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư nhưng mỗi một phương pháp đều có những hạn chế nhất định. Hóa trị tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng làm tổn thương các tế bào khác của cơ thể. Liệu pháp miễn dịch tác động lên hệ thống miễn dịch của người bệnh tạo ra phản ứng chống ung thư lâu dài nhưng lại thường gặp khó khăn trong tiếp cận các khối u.
Người khỏe mạnh, mỗi ngày cơ thể cũng phát sinh 5 đến 6 ngàn tế bào đột biến, dị dạng. Nhờ hệ thống miễn dịch tấn công, tiêu diệt các tế bào này không thể phát triển thành tế bào ung thư. Do đó, suy giảm chức năng miễn dịch cũng là một yếu tố nguy cơ khiến ung thư cho con người. Và liệu pháp "vaccine ung thư" nhằm mục đích loại bỏ các tế bào ung thư thông qua việc kích hoạt và tăng cường khả năng tấn công chống lại các tế bào ung thư của hệ thống miễn dịch.Một loại vaccine ung thư dựa trên vật liệu sinh học đang được nghiên cứu bởi Đại học Harvard, được kỳ vọng sẽ là lời giải cho những hạn chế trong điều trị ung thư. Theo tác giả, phương pháp này sẽ tổng hợp sức mạnh tiêu diệt khối u của hóa trị liệu và đem lại hiệu quả lâu dài tương tự liệu pháp miễn dịch.
Vaccine sinh học: kỳ vọng mới trong điều trị ung thư - Ảnh 1.
TS Hua Wang, Đại học Harvard, đại diện nhóm tác giả cho biết: "Vaccine ung thư đã được thử nghiệm trên những con chuột mắc bệnh ung thư vú bộ ba âm tính và cho kết quả khả quan, khi 100% chuột thử nghiệm sống sót sau khi được tiêm vaccine mà không tái phát".Khác với tế bào khỏe mạnh, trên bề mặt các tế bào ung thư có một số phân tử cấu tạo nhất định gọi là "kháng nguyên đặc hiệu ung thư". Vaccine điều trị ung thư thường được chiết trích từ khối u có các kháng nguyên đặc hiệu này, lại được tăng cường với tá dược hỗ trợ, được tiêm vào người để kích thích miễn dịch. Các tế bào miễn dịch đuôi gai (dendritic cells) sẽ nhận diện các tế bào ung thư và khởi động quá trình thực bào, rồi chuyển chuyển thông tin "ung thư" đến các tế bào lympho, để các tế bào này tấn công tiêu diệt các tế bào ung thư.Các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm của Đại học Harvard đã cho thấy tác dụng của vaccine trong việc kích hoạt hệ thống miễn dịch, tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Đồng thời, nó còn có khả năng tập trung liều hóa chất tại khu vực khối u, để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Nhóm nghiên cứu cũng đang tiếp tục khám phá sự kết hợp giữa hóa trị với vaccine ung thư và hy vọng sẽ cải thiện hiệu quả với các loại ung thư khó điều trị khác.
Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng, các công trình khoa học trong tương lai sẽ hiểu rõ hơn và tối ưu hóa vắc xin ung thư, cho phép chuyển sang các thử nghiệm tiền lâm sàng và cuối cùng là ứng dụng trong chữa trị cho người bệnh.
Vaccine sinh học: kỳ vọng mới trong điều trị ung thư - Ảnh 2.
Hiện nay, hầu hết các vaccine điều trị ung thư đều đang qua các thử nghiệm lâm sàng liên quan người tình nguyện viên. Danh sách các cơ quan bị ung thư đang thử nghiệm lâm sàng vaccine khá dài gồm: Bàng quang, Não bộ, Vú, Cổ tử cung, Đại trực tràng, Thận, Máu, Phổi, Da, Tủy xương, Tụy tạng, Tiền liệt tuyến.Chỉ một mình vaccine Sipuleucel-T (Provenge) đã được Cơ quan Quản lý Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA cho phép sử dụng để điều trị ung thư tiền liệt di căn vào năm 2010. Vaccine Sipuleucel-T này được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân qua các bước: Trích bạch cầu từ máu người bệnh; Chỉnh đổi các bạch cầu trong phòng thí nghiệm để chúng nhận biết các tế bào ung thư tiền liệt;Truyền các bạch cầu đã chỉnh sửa vào lại người bệnh để chúng "dạy" hệ thống miễn dịch tìm diệt tế bào ung thư tiền liệt…