20:09 05/01/2015

Tìm được vật thể nghi là đuôi máy bay AirAsia

Diệp Vũ

Đuôi máy bay là nơi lắp đặt hộp đen và bộ ghi các dữ liệu của chuyến bay

 Từ khi xảy ra vụ tai nạn, thời tiết xấu đã cản trở các nỗ lực tìm kiếm thi thể nạn nhân và hộp đen của chiếc máy bay - Ảnh: BBC.<br>
Từ khi xảy ra vụ tai nạn, thời tiết xấu đã cản trở các nỗ lực tìm kiếm thi thể nạn nhân và hộp đen của chiếc máy bay - Ảnh: BBC.<br>
Một tàu tuần tra hải quân của Indonesia ngày 5/1 đã tìm được một vật thể được cho là đuôi chiếc máy bay gặp nạn của hãng AirAsia. Đuôi máy bay là nơi lắp đặt hộp đen và bộ ghi các dữ liệu của chuyến bay.

Hãng tin Reuters cho biết, trong ngày 5/1, các tàu và máy bay tham gia cuộc tìm kiếm chuyến bay QZ8501 bị rơi tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm nhằm phát hiện thêm các mảnh vỡ và thi thể nạn nhân. Chiếc A320-200 xấu số đã rơi xuống biển cách đó 8 ngày khi đang trên đường sang Singapore từ Surabaya, thành phố lớn thứ nhì của Indonesia. Trên máy bay có 162 người gồm hành khách và phi hành đoàn.

“Chúng tôi đã tìm thấy một vật thể rất có khả năng là đuôi của chiếc máy bay”, ông Yayan Sofyan, thuyền trưởng của con tàu tuần tra tìm thấy vật thể này, nói với các phóng viên. Tuy nhiên, cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia chưa xác nhận phát hiện này.

Cơ quan khí tượng thủy văn của Indonesia cho rằng, thời tiết mưa bão có thể là nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay hôm 28/12. Từ khi xảy ra vụ tai nạn, thời tiết xấu đã cản trở các nỗ lực tìm kiếm thi thể nạn nhân và hộp đen của chiếc máy bay - thiết bị cho phép xác định điều gì đã xảy ra khi máy bay bị rơi.

Trọng tâm chính của khu vực tìm kiếm cách đảo Borneo khoảng 90 hải lý. Đây là nơi 5 vật thể được cho là các mảnh vỡ của chiếc máy bay, trong đó mảnh vỡ lớn nhất dài khoảng 18 mét, đã được xác định nằm ở vùng nước nông. Các mảnh vỡ này được phát hiện bởi các tàu tìm kiếm sử dụng sóng siêu âm.

Indonesia AirAsia, công ty do hãng AirAsia có trụ sở ở Malaysia nắm cổ phần 49%, đang chịu áp lực lớn từ cơ quan chức năng sau khi bị phát hiện đã bay không đúng ngày được cấp phép. Hãng này được phép bay tuyến Surabaya-Singapore vào các ngày thứ Hai, Ba, Năm và Bảy hàng tuần, trong khi chuyến QZ8501 bay vào ngày Chủ nhật. Hiện tại, nhà chức trách Indonesia đã rút giấy phép bay tuyến này của AirAsia.

Ông Djoko Murjatmodjo, quyền Tổng giám đốc Cục Hàng không Indonesia, cho hay, cuộc điều tra về việc AirAsia bay sai ngày và cuộc điều tra nguyên nhân khiến máy bay rơi là hai cuộc điều tra hoàn toàn khác nhau.

9 tàu tìm kiếm từ 4 quốc gia đã “quần thảo” vùng biển nơi máy bay rơi. Nhiều đội thợ lặn, bao gồm 7 chuyên gia từ Nga, luôn thường trực sẵn sàng cho việc tìm kiếm, nhưng gió mạnh và sóng lớn cao tới 4 mét đã cản trở quá trình tìm kiếm.

Đến nay, đã có 34 thi thể nạn nhân, chủ yếu là hành khách người Singapore và phi hành đoàn đã được đưa về đất liền. Một số nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng vẫn gắn chặt với ghế ngồi. Có khả năng, nhiều nạn nhân còn đang bị mắc kẹt trong thân máy bay.

Vụ 8501 là tai nạn chết người đầu tiên của hãng bay giá rẻ AirAsia. Tại Indonesia, hãng này có ít nhất 15 điểm đến.