Tìm giải pháp phát triển công viên địa chất ở Việt Nam
Ngày 22/11/2022 Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông...
Ngày 22/11/2022 Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông.
Chuỗi sự kiện nêu trên là dịp để các cơ quan, ban ngành và các địa phương cùng lắng nghe tiếp thu kinh nghiệm quý báu về việc xây dựng và phát triển các công viên địa chất ở một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Châu Phi - Mỹ Latin; đồng thời nhìn nhận lại chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam.
Phát biểu khai khai mạc Hội nghị, Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định “Việc chủ động đăng cai tổ chức một sự kiện khoa học quốc tế đã thể hiện quyết tâm của tỉnh Đắk Nông trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất. Đây là cơ hội để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế; đồng thời, cũng là dịp để tỉnh Đắk Nông học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương."
Các ông John Brush, Chủ tịch Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế và ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu phát biểu tại Hội nghị đều ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc bảo tồn và phát triển bền vững các di sản địa chất quý giá.
Với chủ đề: “Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa”, Hội nghị đã diễn ra phiên thảo luận về chủ đề: Địa chất/Địa mạo/Quá trình hình thành núi lửa/khám phá hang động và tư liệu liên quan.
Có 07 tham luận được trình bày trực tiếp bằng tiếng Anh tại phiên thảo luận bao gồm: Tổng quan về hang động núi lửa ở Việt Nam; Chu kỳ phun trào của núi lửa từ năm 2013 tới năm 2021 tại Nishinoshima (Nhật Bản) tạo ra hòn đảo mới được tạo thành từ sự tích tụ của dòng dung nham và có một hình nón Scoria lớn duy nhất; Ước tính nhiệt độ dòng dung nham trong quá trình hình thành hang động dung nham là khoảng (10.000 năm trước công nguyên đến 1.000 năm sau công nguyên) của núi Phú Sĩ; Các hang động núi lửa ở Auckland, New Zealand - Thành công và thất bại trong việc bảo tồn; Sự giúp đỡ của những cư dân trong hang động Iceland về việc tìm kiếm sự sống trong không gian; Chương trình học về dung nham tại Kometsuka Geosite, Aso UGGp, Nhật Bản; Những quy định về khoanh vùng bảo vệ di sản và kế hoạch áp dụng thí điểm núi lửa và hang động núi lửa trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Cùng với các phiên thảo luận chuyên đề của ISV20, UBND tỉnh Đắk Nông cũng phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu tổ chức Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam”.
Hội thảo cũng là cơ hội để các đại biểu trong nước lắng nghe những kinh nghiệm về việc xây dựng và phát triển các công viên địa chất ở một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Châu Phi - Mỹ Latin.
Tại sự kiện nêu trên Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan - Hàn Quốc đã ký kết hợp tác về xây dựng và phát triển các công viên địa chất trong thời gian tới.
Hội nghị ISV20 sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 23, 24/11 với 02 phiên thảo luận chuyên đề và tổ chức Tham quan một số điểm của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ĐắkNông (Nhà triển lãm Âm thanh, Nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ, Nhà trưng bày các nhạc cụ cổ xưa.)