20:25 12/03/2007

Tình báo kinh tế của Mỹ

Minh Hoàng

Xưa nay, tình báo kinh tế là một trong những biện pháp quan trọng của hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia

Số vụ gián điệp kinh tế nước ngoài ở Mỹ bị phanh phui ngày càng nhiều.
Số vụ gián điệp kinh tế nước ngoài ở Mỹ bị phanh phui ngày càng nhiều.
Xưa nay, tình báo kinh tế là một trong những biện pháp quan trọng của hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia.

Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hoá, trước hết là toàn cầu hoá kinh tế và công nghệ, tình báo kinh tế càng được nhiều quốc gia đặc biệt coi trọng.

Ngay từ năm 1947, trong cơ cấu Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã hình thành Ban tình báo kinh tế theo Luật An ninh quốc gia Hoa Kỳ. Nhân viên của Ban tình báo kinh tế được tuyển chọn từ các học viên và cộng tác viên khoa học xuất sắc nhất của các trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học, trước hết là các cơ quan nghiên cứu kinh tế.

Ban tình báo kinh tế duy trì quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia kinh tế trong các hãng và công ty, các tổ chức phi chính phủ, uỷ viên hội đồng quản trị của các công ty đa quốc gia có chi nhánh tại gần như tất cả các nước trên thế giới.

Theo tiết lộ của Robert Gates, cựu Giám đốc CIA, các cơ quan tình báo của Mỹ có ba nhiệm vụ trong lĩnh vực tình báo kinh tế. Trước hết là cung cấp các cứ liệu thông tin nhằm hỗ trợ cho các cơ quan lập pháp hoạch định chính sách của Mỹ trong quá trình soạn thảo các quyết sách.

Tiếp đến là kiểm soát các xu hướng phát triển khoa học, công nghệ và kỹ thuật có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ, như sự phát triển công nghệ vũ trụ, công nghệ “tàng hình”, công nghệ máy tính, công nghệ lade, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, trước hết là công nghệ gen v.v...

Nhiệm vụ thứ ba là hoạt động phản gián để bảo vệ nền kinh tế Mỹ chống lại các đối phương tiềm tàng và giám sát các đối tượng đội lốt hoạt động kinh tế để làm gián điệp.

Hiện nay, CIA đang chú ý phát triển hoạt động tình báo kinh tế nhằm hỗ trợ đắc lực cho các doanh nhân Hoa Kỳ tranh giành thị trưng quốc tế. Đô đốc Stanfeel Tener, sếp trưởng của CIA dưới thời Tổng thống Jimi Cater, đã từng có nhận xét rất chí lý rằng, trong một kỷ nguyên mà sức mạnh kinh tế ngày càng có vai trò quan trọng hơn, cần phải thiết lập quan hệ gắn bó giữa các cơ quan tình báo kinh tế với các hãng và công ty kinh doanh.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã từng xác định chức năng của tình báo kinh tế trong sắc lệnh ban hành năm 1994: “Để dự báo chính xác nguy cơ đối với nền dân chủ và sự thịnh vượng của Mỹ, cộng đồng tình báo phải theo dõi xu hướng phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự ở những nơi trên thế giới mà ở đó Mỹ có nhiều lợi ích nhất. Tình báo kinh tế sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng là trợ giúp các nhà hoạch định chính sách tìm hiểu các xu hướng phát triển kinh tế. Tình báo kinh tế có thể trợ giúp đắc lực các chuyên gia đàm phán thương mại của Mỹ, đồng thời loại trừ các mối đe doạ tiềm tàng đối với các công ty của Mỹ từ các cơ quan tình báo nước ngoài và do các hoạt động thương mại không công bằng”.

Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), có đại diện của ít nhất 23 quốc gia đã từng bị phát hiện có dính líu tới hoạt động tình báo kinh tế nhằm vào các mục tiêu Mỹ. Số vụ gián điệp kinh tế nước ngoài ở Mỹ bị phanh phui ngày càng nhiều. Ngày càng nhiều chi nhánh của các công ty nước ngoài tại Mỹ giành được các hợp đồng quốc phòng trong các lĩnh vực nhạy cảm ở Mỹ.

FBI còn công bố các chứng cứ cho thấy các cơ quan tình báo của một số nước như Pháp và Israel đã từng tuyển mộ điệp viên trong các công ty Mỹ hay văn phòng của các công ty này ở nước ngoài trên đất Mỹ.

Theo kết quả công bố của một chương trình nghiên cứu được Hiệp hội an ninh công nghiệp Mỹ thực hiện gần đây, hàng năm các điệp vụ thu thập thông tin kinh tế và thông tin công nghệ từ các công ty Mỹ gây tổn thất ước tính 24 tỷ USD.

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Ngoại giao và Trung tâm Phản gián Quốc gia Mỹ, trong những năm gần đây đã có 446 vụ thu thập thông tin công nghệ bất hợp pháp từ 173 công ty của Mỹ, trong đó chỉ có 58 công ty thông báo sự việc cho FBI biết, còn các công ty còn lại đều giấu nhẹm sự việc vì rất có thể họ không muốn “vạch áo cho người xem lưng” bởi chính các nhân viên của họ đã bị “dính chàm” trong các phi vụ làm ăn bất minh với các nhân viên tình báo kinh tế nước ngoài.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp như thành lập Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong lĩnh vực an ninh kinh tế với chức năng tương đương với Hội đồng An ninh Quốc gia; thành lập một Ban xử lý tình huống khẩn cấp hay còn gọi là Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp thuộc Bộ Thương mại để nắm bắt thực trạng của các dự án lớn trên toàn thế giới có liên quan đến các công ty Mỹ; ban hành Đạo luật tình báo kinh tế để đương đầu với hoạt động tình báo đang phát triển mạnh trong lĩnh vực kinh tế.