Thẩm định giá “tiếp tay” sai phạm đất đai ở Bình Dương
Mặc dù Kiểm toán Nhà nước từng có kiến nghị, song Công ty thẩm định giá Đông Nam vẫn ‘tiếp tay” cho Tổng công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Bình Dương (mã PRT) để loại trừ “đất vàng” ra khỏi ra giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa khiến nhà nước thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Như VnEconomy đã đưa tin, sai phạm xảy ra tại PRT liên quan đến 2 khu “đất vàng” 43ha và 145ha. Đặc biệt, tại khu đất 145ha, thiệt hại của nhà nước liên đến hơn 4.000 tỷ đồng…
Khu đất 145ha thuộc phường Hóa Phú, TP Thủ Dầu một, tỉnh Bình Dương. Năm 2007, khi mới giải phóng mặt bằng và chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, PRT đã liên danh với 2 nhà đầu tư Hàn Quốc để thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Tân Thành. Do chậm tiến độ, nhà đầu tư ngoại “rút chân” khỏi dự án này.
Công ty Hưng Vượng, tiền thân là Xí nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu 3/2 có vốn điều lệ 150 tỷ đồng do PRT nắm 30% vốn, Nguyễn Văn Minh 23,1%, Nguyễn Thục Anh (con gái ông Minh) 5,1%. Còn Công ty TNHH Phát triển có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, gồm Nguyễn Thục Anh nắm 51% vốn giữ vai trò đại diện theo pháp luật và Chủ tịch HĐTV, Trần Đình Như Ý nắm giữ 59% vốn.
Cáo trạng thể hiện, với động cơ cá nhân, ngày 24/2/2011, Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT của PRT) sắp xếp cho 2 công ty sân sau là Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển “thế chân” nhà đầu tư ngoại để tham gia liên danh. Nhưng quá trình góp vốn, 2 pháp nhân trên không có năng lực tài chính.
Để có dòng tiền, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo PRT cho Công ty Hưng Vượng vay 13,8 triệu USD, tương đương 296 tỷ đồng và không tính lãi. Còn Công ty Phát triển chỉ cần góp 20,8 tỷ đồng. Ngoài ra, nhằm hợp thức khả năng tài chính của Công ty Tân Thành, ông Minh còn chỉ đạo PRT chuyển 144 tỷ đồng cho doanh nghiệp này. Khoản tiền này được sử dụng thanh toán phần giá trị còn lại cho PRT, được hạch toán vào Tài khoản 4111 “vốn đầu tư chủ sở hữu”.
Trên cơ sở đó, ngày 20/4/2011, UBND tỉnh Bình Dương đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Tân Thành với vốn điều lệ 480 tỷ đồng. Công ty Tân Thành giao khu đất 145 ha vào năm 2013. Theo chỉ đạo của ông Minh, PRT hạch toán giá trị quyền sử dụng 145ha vào tài khoản 241 “Chi phí xây dựng cơ bản dở dang” với nguyên giá hơn 152 tỷ đồng.
THẨM ĐỊNH GIÁ “TIẾP TAY” CHO DOANH NGHIỆP
Năm 2015, PRT tiến hành cổ phần hóa. Nguyễn Văn Minh chỉ đạo cấp dưới soạn thảo 2 công văn để trình Tỉnh ủy Bình Dương về phương án sử dụng đất, đề nghị được giữ lại khu đất 145ha.
Theo quy định của phát luật, để có cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp, PRT phải tiến hành kiểm kê, phân loại tài sản. PRT ký hợp đồng thẩm định với Hồ Đắc Hiếu, Giám đốc CTCP tư vấn và thẩm định giá Đông Nam.
Quá trình định giá, Phạm Hữu Hiền, Phó Tổng giám đốc và Hồ Hoàng Nam, Trưởng phòng thẩm định giá, không kiểm kê, phân loại tài sản mà chỉ căn cứ vào tài liệu do kế toán PRT cung cấp. Tại dự thảo biên bản, Hiền và Nam phân loại, sắp xếp khu đất 145 ha tại mục A “giữ lại tổng công ty tiếp tục sử dụng” (được đưa vào giá trị doanh nghiệp). Nhưng do PRT có yêu cầu, tổ thẩm định chuyển khu đất trên sang mục C “tài sản chờ thanh lý” nhằm loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp.
Cáo trạng cho rằng Hiền và Nam biết việc làm này là sai quy định nhưng vẫn báo cáo để Hồ Đắc Hiếu chỉnh sửa, hoàn thiện biên bản tẩm định giá.
Cũng trong thời gian này, ông Nguyễn Văn Minh thúc đẩy thực hiện hợp đồng liên danh. Ngày 6/6/2017, Công ty Tân Thành tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường, ban hành Nghị quyết xác nhận việc PRT góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 145ha. Sau đó, ông Minh chỉ đạo Trần Nguyên Vũ – Tổng giám đốc PRT, ký hợp đồng góp vốn với Công ty Tân Thành. Ngày 25/8/20017, Văn phòng đăng ký đất đai đăng ký biến động khu đất sang Công ty Tân Thành.
Cơ quan tố tụng xác định, trên sổ sách kế toán của PRT, khu đất trên được xác định giá trị là hơn 442 tỷ đồng.
Vào năm 2017, Kiểm toán nhà nước có quyết định về việc kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đối với công ty mẹ - tổng công ty. Kiểm toán nhà nước kiến nghị, Công ty Đông Nam phối hợp với PRT để xác định lại giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa…
Tại cuộc họp ngày 29/8/2017 giữa PRT, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường, Cục thuế và Sở Tài chính thống nhất “khu đất 145ha doanh nghiệp tiếp tục kế thừa và tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa”.
Tuy nhiên, ngày 17/11/2017, các bị can vẫn ký biên bản xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm ngày 31/12/2015 có tổng giá trị là hơn 4.346 tỷ đồng, trong đó giá trị quyền sử dụng khu đất 145ha xếp vào mục “tài sản không cần dùng chờ thanh lý”.
Quá trình cổ phần hóa, Sở Tài chính là đơn vị thẩm định lại kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định. Cáo trạng thể hiện, các cán bộ sở này vẫn thống nhất với kết quả của ban chỉ đạo cổ phần hóa, soạn thảo tờ trình để trình UBND tỉnh Bình Dương.
Ông Trần Thanh Liêm, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa PRT, biết rõ UBND tỉnh có quyết định 3027 phê duyệt phương án sử dụng đất của PRT, song vẫn ký ban hành quyết định số 3468 ngày 8/12/2017 phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là hơn 4.346 tỷ đồng.
Theo kết luận giám định của Bộ Tài chính, việc không đưa khu đất 145ha vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa làm giảm giá trị doanh nghiệp, tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất theo giá đất được xác định lại tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Giá trị khu đất trên vào tháng 12/2019 là hơn 4.472 tỷ đồng. Với sai phạm của các bị can,m Nhà nước bị thiệt hại hơn 4.030 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, các bị can thuộc Công ty Đông Nam cho rằng việc làm sai xuất phát từ động cơ được tạo điều kiện lâu dài cho Công ty Đông Nam trong quá trình hoạt động. Còn các bị can thuộc Sở Tài chính khai nhận do nể nang nên không thực hiện PRT yêu cầu, giải trình theo các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Tài liệu điều tra xác định, có trách nhiệm của một số cá nhân thuộc Kiểm toán nhà nước trong quá trình kiểm toán việc xử lý tài chính doanh nghiệp cổ phần hóa và kiểm tra kết quả thực hiện báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục thu thập tài chính chứng cứ để xét xét giải quyết theo quy định pháp luật.