03:11 29/08/2011

Tổ chức đầu tư thận trọng với khả năng giảm lãi suất

Vũ Ca

Một số tổ chức đầu tư nhìn nhận lãi suất sẽ không giảm nhiều, trong khi có rủi ro cần dè chừng

Theo Công ty Chứng khoán Tp.HCM - HSC, nếu lãi suất cho vay bị ép giảm quá nhanh thì sẽ có rủi ro làm đảo ngược dòng vốn đầu cơ hưởng chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD; khiến dòng vốn này chảy ra khỏi tiền đồng, gây áp lực lên tỷ giá - Ảnh: Reuters.
Theo Công ty Chứng khoán Tp.HCM - HSC, nếu lãi suất cho vay bị ép giảm quá nhanh thì sẽ có rủi ro làm đảo ngược dòng vốn đầu cơ hưởng chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD; khiến dòng vốn này chảy ra khỏi tiền đồng, gây áp lực lên tỷ giá - Ảnh: Reuters.
Trước định hướng của Ngân hàng Nhà nước, một số tổ chức đầu tư nhìn nhận lãi suất sẽ không giảm nhiều, trong khi có rủi ro liên quan cần dè chừng.

Cuộc họp được trông đợi giữa Ngân hàng Nhà nước với 12 ngân hàng lớn cuối tuần qua ít nhiều cũng đã có thêm thông tin cho thị trường.

Điểm được quan tâm là các ngân hàng lớn đã đồng thuận với Ngân hàng Nhà nước về định hướng giảm lãi suất trong thời gian tới. Nhưng theo thông tin về cuộc họp đó, đồng thuận ở đây là về chủ trương.

Giả sử, tại cuộc họp đó, ngay cả khi có một đồng thuận cụ thể về các điểm đến của lãi suất, thì “như nhiều lần trước trong 5 - 6 năm qua, những thỏa thuận như vậy thường không được thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế” - theo đúc kết của một tổ chức đầu tư.

Trước cuộc họp trên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có một báo cáo phân tích chuyên đề về tiền tệ, trong đó có một kết luận rằng, “vẫn còn quá sớm để ăn mừng chiến thắng”, đặt trong xu hướng giảm lãi suất.

VCSC cho rằng những giải pháp mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra mới đây có thể giúp lãi suất giảm thêm 1% - 1,5%/năm, nhưng không nhiều như mức mà Ngân hàng Nhà nước mong đợi là 3% - 4%/năm.

“Hiện tại, lãi suất huy động tiền đồng có thể đàm phán vẫn ở mức 17% - 20%/năm và lãi suất cho vay phổ biến là 20% - 22%/năm giảm đáng kể so với mức đỉnh trong tháng 6 là 19% - 21% và 22% - 24%/năm. Tình hình đã cải thiện, nhưng vẫn còn quá sớm để ăn mừng chiến thắng”, báo cáo của VCSC viết.

Trong nhận định của mình, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM (HSC) cũng thận trọng khi nói rằng: “Mặc dù chúng tôi chờ đợi động thái giảm lãi suất cho vay, có lẽ từ phía các ngân hàng quốc doanh khoảng 0,5% - 1%, thì cũng cần lưu ý rằng Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều chỗ để tự do thực hiện chính sách tiền tệ. Và cơ quan này cũng hiểu rõ điều đó”.

Còn theo nhận định của một tổ chức đầu tư lớn khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS), trước mắt, lãi suất cho vay nhiều khả năng chưa thể giảm sâu, nhưng lại nổi lên sức ép về vấn đề ổn định tỷ giá giữa VND và USD.

Sức ép mà TLS đặt ra cũng được HSC nhấn mạnh trong phân tích của mình, đặt trong mối liên hệ với lãi suất: “Lãi suất chắc chắn sẽ giảm nhưng chỉ giảm nhẹ và cùng nhịp với tốc độ tăng CPI theo năm. Sau cùng, nếu lãi suất cho vay bị ép giảm quá nhanh thì sẽ có rủi ro làm đảo ngược dòng vốn đầu cơ hưởng chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD; khiến dòng vốn này chảy ra khỏi tiền đồng, gây áp lực lên tỷ giá. Và điều này đến lượt mình sẽ dẫn đến sự bất ổn về lâu dài đối với tình hình kinh tế vĩ mô”.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) lại lạc quan khi nhìn nhận về áp lực từ mối liên hệ đó.

“Tỷ giá thời gian gần đây có dấu hiệu tăng. Áp lực tăng không phải là một bất ngờ, chúng tôi cho rằng không có cơ sở cho rằng tỷ giá sẽ có những biến động mạnh trong tương lai gần. Lãi suất hạ có thể khiến áp lực tỷ giá trở lại sau thời kì người dân chuyển mạnh sang VND để gửi tiết kiệm, tuy nhiên mức giảm của lãi suất khó đột ngột. Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền vẫn còn quá lớn, nên dù có thu hẹp thì lợi thế của việc nắm giữ VND vẫn vượt trội đáng kể so với rủi ro. Biến động của tỷ giá ít khả năng vượt ngoài sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước”.

Còn trên thực tế, dĩ nhiên là xuất phát từ những tác động khác nhau, một số kênh thông tin chính thống đã bắt đầu đề cập đến tình trạng hai tỷ giá trong chính hệ thống ngân hàng, bên cạnh sự nóng lên của tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do.

Theo đó, cuối tuần qua đã có hiện tượng ngân hàng thương mại bán ra USD với giá cao hơn trần cho phép từ 200 - 300 VND. Và như vậy, bên cạnh tình trạng lãi suất huy động vượt trần thì “nạn” hai tỷ giá cũng đang nhăm nhe trở lại.

Oái ăm là diễn biến mới đó có ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tự tin công bố rằng, với lượng dự trữ ngoại tệ hiện nay, nhà điều hành “dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống”, cũng như “hoàn toàn có cơ sở kinh tế để đảm bảo ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm 2011”.