17:46 07/08/2021

Tối 7/8: Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách & lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng"

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

20h00 ngày 7/8, tọa đàm với chủ đề "Giải pháp cấp bách & lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng" sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng điện tử VnEconomy và Fanpage VnEconomy...

Tác động của đại dịch covid-19 năm 2021 đến chuỗi cung ứng, về cơ bản là khác hoàn toàn so với năm 2020. Vấn đề mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trong suốt mấy tháng qua không phải về nguồn cung hay cầu mà chính ở các nhà máy sản xuất.

Trên thực tế, các thị trường tiêu thụ của Việt Nam đã hồi phục, nhưng các doanh nghiệp lại gặp khó ở việc, là làm sao để đảm bảo sản xuất, bởi tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh khiến họ rất khó hoàn thành đơn hàng để giao cho khách.

Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan. Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội và nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Đối với mặt hàng xuất khẩu có thị phần lớn như: điện tử, dệt may và da – giày, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Khó khăn và thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt như thế nào? Tính phù hợp và hiệu quả của những giải pháp duy trì sản xuất và biện pháp hành chính áp dụng trong thời gian qua hỗ trợ hoặc/và gây khó khăn/cản trở ra sao đến hoạt động của doanh nghiệp?

Nếu được hiến kế các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm duy trì phương án vừa sản xuất vừa chiến đấu/sống chung an toàn với virus Sars-cov2 thì sẽ là các giải pháp nào?

Tối 7/8: Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách & lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng" - Ảnh 1

Tất cả những băn khoăn và đề xuất nêu trên sẽ được nêu ra tại tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách & lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam- VnEconomy tổ chức sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 7/8 trên VnEconomy và Fanpage VnEconomy, với sự tham gia của các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội các ngành nghề.

Tọa đàm Giải pháp cấp bách & lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứngsẽ tập trung bàn thảo 4 nội dung chính:

Phần 1: Những khó khăn và thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt?

Phần 2:  Đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của những giải pháp duy trì sản xuất và biện pháp hành chính áp dụng trong thời gian qua hỗ trợ như thế nào đến hoạt động của Doanh nghiệp?

Phần 3: Đánh giá thuận lợi và khó khăn trong việc doanh nghiệp tiếp cận vaccine cũng như tính chủ động, bị động của doanh nghiệp trước thông tin và kế hoạch hành động kiểm soát dịch bệnh của chính quyền các cấp;

Phần 4: Bàn thảo và hiến kế các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm duy trì phương án vừa sản xuất vừa sống chung với virus Sars-cov2.

Tham gia buổi Tọa đàm:

  1. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
  2. Ông Trần Anh Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao
  3. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy và Túi xách
  4. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics
  5. TS. Trần Nhuận Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên
  6. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam
  7. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc, Công ty Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu
  8. TS. Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam
  9. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhà báo Nguyễn Hương điều hành tọa đàm.

Nội dung tọa đàm sẽ được phát trực tuyến vào lúc 20h00 ngày 7/8 trên VnEconomy và Fanpage VnEconomy.

Cùng với đó, toàn bộ nội dung tọa đàm cũng được thể hiện trên chuyên mục Tiêu điểm của số 57 (6165) Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát hành ngày 9/8/2021 và cập nhật trên VnEconomy.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!