Tôi đã viết báo như thế
Tôi tự thấy mình không phải là Nhà báo, mà chỉ là một người viết báo nghiệp dư; tuy vậy, trong công việc “tay trái” ấy của mình, tôi cũng có đôi điều có thể kể lại cùng bạn đọc nhân dịp Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam(21/6/1925 - 21/6/2023), như một tâm sự tự đáy lòng của một nhà báo nghiệp dư nhưng vô cùng yêu quý và thích thú nghề làm báo...
Tôi viết bài không chỉ vì kiếm nhuận bút, đến nay cũng không vì kiếm tiền, mà là niềm vui để tham gia với đời. Thật vui khi tôi được không ít báo, tạp chí gọi là chuyên gia, nên viết báo, tạp chí cũng là sự bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến. Tôi viết cũng không phải vì danh, bởi tôi gần như chỉ dùng bút danh, lấy tên vợ, con, cháu… mà không lấy tên thật để ký tên tác giả bao giờ.
SỐ LƯỢNG BÀI VÀ BÁO, TẠP CHÍ ĐÃ CỘNG TÁC
Tôi là một chuyên gia công tác ở ngành thống kê, đã làm việc ở địa phương (là Trưởng phòng Tổng hợp), ở Tổng cục Thống kê (là thư ký, trưởng phòng Thư ký, Phó Vụ trưởng), với thời gian 37 năm; đã nghỉ hưu cách đây 17 năm. Tôi viết bài cho các báo như một việc ngoài giờ và viết suốt 30 năm nay, với khoảng 10 nghìn bài, không viết tin) – bình quân 1,5 bài trong 2 ngày. Năm nay tuy đã 78 tuổi, nhưng bình quân 1 tháng cũng còn viết được mươi, mười lăm bài.
Hơn 30 năm qua, tôi là cộng tác viên của rất nhiều báo và tạp chí, trong đó viết nhiều nhất là cho Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam), tiếp đến là Đầu tư, Thời báo Tài chính, Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Thanh Niên, Báo Điện tử Chính phủ, Tạp chí Thuế, Kinh tế và Đô thị, Tạp chí Cộng sản, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Kinh doanh và Tiếp thị, Diễn đàn Doanh nghiệp…
Riêng Thời báo Kinh tế Việt Nam, tôi cộng tác từ rất sớm (từ cuối năm 1994 đến nay), với số bài khoảng 1.500-2.000 bài. Ngoài các bài cho số báo hàng ngày, hàng tuần, trong hơn 10 năm qua, tôi còn viết khoảng 15-20 bài cho cuốn Niên giám kinh tế hàng năm (Kinh tế Việt Nam và Thế giới hàng năm) của Thời báo Kinh tế Việt Nam, về nhiều lĩnh vực, nhiều đề tài khác nhau như: tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, lao động – dân số, vốn đầu tư, doanh nghiệp, công nghiệp, thị trường trong nước, xuất, nhập khẩu hàng hóa, xuất, nhập khẩu dịch vụ, khách quốc tế đến Việt Nam, giá tiêu dùng, các loại giá, vận tải hành khách, hàng hóa…). Cùng với các bài là tập số liệu “Kinh tế - xã hội Việt Nam qua số liệu thống kê”, với khoảng 20-30 bảng biểu, vừa rất sớm, vừa rất gọn nhẹ…
PHONG CÁCH VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG ĐÁNG LƯU Ý
Nhà báo viết về kinh tế không phải ai cũng là chuyên gia kinh tế. Không phải ai là chuyên gia kinh tế cũng viết báo. Tôi là chuyên gia kinh tế nhưng lại viết báo, nên phong cách viết báo của tôi có một số điểm đáng lưu ý.
Chuyên gia kinh tế viết báo nên không chỉ có tính trung thực (đặc trưng quan trọng nhất của ngành báo chí), tức là không “tô hồng”, không “bôi đen” thực tế, không chỉ có tính minh họa cho một tư duy thành tích của một cá nhân hay một cơ quan quản lý nào đó. Do đó, mỗi vấn đề tôi đề cập đều có tính cảnh báo – một tác động có chất lượng trong nhiệm vụ của báo chí.
Là một nhà thống kê, tôi không chỉ đề cập một cách định tính (như nỗ lực, cố gắng, tiến bộ, nhanh, mạnh, cao, thấp, tích cực, khả quan…), mà được chứng minh bằng định lượng có tính thuyết phục. Tôi thừa nhận là bài báo mà có quá nhiều số liệu thì nặng nề, không phù hợp với tính đại chúng của người đọc, nhưng tôi thường để trong ngoặc để rộng đường cho người biên tập sử dụng có liều lượng hoặc kiểm tra những bài của các tác giả khác có đề cập đến định tính nhưng ngược chiều với diễn biến của các con số tôi đã đưa ra. Cũng do là nhà thống kê, nên tôi thường dùng số lớn, đề cập đến vĩ mô hơn là vi mô và đặc biệt hay đề cập đến tính chu kỳ (như chu kỳ khủng hoảng kinh tế, chu kỳ giá vàng, chu kỳ giá bất động sản… có tính quy luật của triết học (biến đổi về lượng dẫn đến biến đổi về chất)…
Tôi luôn cố gắng để bố cục bài viết được rõ ràng, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc. Mỗi vấn đề mà tôi đề cập đều có các nội dung: diễn biến, nguyên nhân, tác động, những vấn đề cần cảnh báo và các giải pháp chủ yếu.
Nội dung mà tôi đề cập khá rộng rãi, không chỉ kinh tế, xã hội, môi trường. Về kinh tế, đề cập đến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người…chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng xét về sử dụng GDP, cơ cấu kinh tế theo loại hình kinh tế, theo nhóm ngành kinh tế, theo vùng kinh tế, theo các địa phương, cơ cấu vốn đầu tư, tiêu thụ trong nước, xuất nhập khẩu, giá cả…
Về xã hội, đề cập các vấn đề dân số, lao động, cơ cấu lao động, năng suất lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, cơ cấu trình độ lao động, cơ cấu vị thế việc làm, giáo dục đào tạo, y tế, mức sống, HDI, chênh lệch thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, tỷ lệ nghèo.
Về môi trường, đề cập đến nhiều chỉ tiêu quan trọng nhất về nước sạch, rác và chất thải… Ngoài ra, tôi còn đề cập đến vị thế của các tỉnh, vị thế của Việt Nam trong ASEAN.
Về nguy cơ tham nhũng, tôi viết không chỉ là nguy cơ, bởi nguy cơ là còn đang ở ngoài ngõ, mà nay đã vào trong nhà, đã trở thành tai họa, thậm chí là hiểm họa. Khi Luật Phòng chống tham nhũng chưa được ban hành, tôi đã nêu việc viết Luật không khó, cái khó là xác định tham nhũng chui từ đâu ra (từ lòng tham vô đáy, từ quyền lực, từ cơ chế sơ hở, từ xử lý không nghiêm, từ không phát động được người dân…).
NHỮNG KHUYẾN NGHỊ TRONG CÁC BÀI BÁO
Về nền kinh tế chuyển đổi, tôi đề cập rất sớm và đặt vấn đề phải kết hợp chặt chẽ giữa Bàn tay vô hình và Bàn tay hữu hình. Khi có sự thay đổi tổ chức, quản lý doanh nghiệp nhà nước với đại diện là Hội đồng quản trị so với trước “217”, tôi đã nhận định: Trước 217, “làm chủ tập thể” thực chất là vô chủ, sau 217 đã có chủ, nhưng “nhầm chủ”, mà “nhầm chủ” còn nguy hiểm hơn “vô chủ”. Khi có sự chuyển đổi cơ chế quản lý và cơ cấu kinh tế, sản lượng lương thực tăng cao, nhưng giá rất thấp, tôi viết về “ tăng cao, trưởng thấp”, “thắng lớn, lợi nhỏ”, khi nền kinh tế đã thoát khỏi, “phi nông bất ổn” thì chuyển sang công nghiệp vì “phi công bất phú”.
Về cơ cấu kinh tế, tôi có hàng chục bài, từ cơ cấu loại hình (thành phần) kinh tế, cơ cấu ngành và nhóm ngành kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế, cơ cấu đào tạo, cơ cấu trình độ kỹ thuật, cơ cấu nội lực và ngoại lực...
Về lạm phát, một đề tài gần như thuộc sở trường của mình, tôi đã viết rất nhiều bài, từ diễn biến, các yếu tố tác động, dự báo; rồi phương thức chỉ đạo kiềm chế/kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Riêng các yếu tố, tôi đề cập khá toàn diện, từ quan hệ tổng quát là cung – cầu, trực tiếp là tiền tệ, tài khóa; chi phí đẩy, nhập khẩu lạm phát, tâm lý...
Về giá vàng, giá USD, chứng khoán, bất động sản, tiền ảo, tôi cũng viết khá nhiều bài, được rất nhiều độc giả quan tâm tìm đọc, gọi điện hỏi, xin tư vấn thêm,... Không chỉ viết về diễn biến, nguyên nhân, tác động, mà còn dự đoán khá cụ thể, có căn cứ trong nước và quốc tế, chu kỳ biến động, các vòng xoáy..., góp ý về chỉ đạo...
Một thí dụ: trước kia Ngân hàng Nhà nước thường 6 tháng 1 lần điều chỉnh tỷ giá với tốc độ tăng khá cao, tôi đã kiến nghị trong một số bài viết của mình là Ngân hàng Nhà nước cần chuyển phương thức từ “giật cục” (6 tháng tăng 1 lần nên rất cao) sang “trườn bò” (tăng thấp, thời gian ngắn theo thị trường) để vừa tránh việc đón lõng/đầu cơ, vừa linh hoạt phù hợp với thị trường.
Tăng trưởng kinh tế (cả về tốc độ, cả về chất lượng) được tôi đề cập nhiều nhất và khá sâu sắc, từ diễn biến, các yếu tố tác động, chất lượng tăng trưởng – từ ICOR, năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, khoa học – công nghệ...
Những nội dung tôi đề cập còn khá nhiều, có sự nghiên cứu sâu sắc, dựa trên định lượng thể hiện rõ nhất tính trung thực, tính khoa học, có tính cảnh báo, trong khuôn khổ một bài báo này, tôi không thể kể hết ra được. Tôi chỉ xin ôn lại những kỷ niệm trên, như một chia sẻ cùng bạn đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam hôm nay nhân ngày lễ lớn của các nhà báo.
Như tôi đã nói ở đầu bài, là một người viết nghiệp dư, lại là một chuyên gia ngành thống kê, nên bài báo này của tôi không thể không có chút khô khan với quá nhiều con số, mà chúng tôi hay gọi là “méo mó nghề nghiệp”, rất mong bạn đọc lượng thứ. Lượng thứ còn vì tình cảm của tôi dành cho báo chí suốt 30 năm qua, cho tình cảm đặc biệt của tôi dành cho Thời báo Kinh tế Việt Nam trước kia và Tạp chí Kinh tế Việt Nam hôm nay!
Trân trọng cảm ơn bạn đọc!
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam