"Tội đồ" nào khiến thị trường cắm đầu giảm?
Nếu chiều qua các trụ được kéo lên trước rồi mới xả, thì hôm nay xuất hiện cú đánh phủ đầu dứt khoát. 30 phút đầu phiên chiều thị trường rơi như một viên sỏi
Với diễn biến thị trường hôm nay, nhà đầu tư bắt giá xanh trong phiên sáng thì hàng ngay cuối phiên chiều đã sớm lỗ ngay một khoản lớn.
Sau phiên sáng lình xình trên mốc tham chiếu, ngay đầu phiên chiều thị trường rơi thẳng đứng một mạch mất hơn 15 điểm so với chốt phiên sáng. Lực bán càng lúc càng mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu lớn đỏ điểm và mất giá mạnh.
Diễn biến này tạo ra một cú sốc lớn đối với nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường không có thông tin tiêu cực, thậm chí đi ngược với thông tin tốt là hơn 117.000 liều vaccine Covid-19 đầu tiên về đến Việt Nam. Đặc biệt đối với những người mua giá xanh sáng nay, hàng chưa về đến tay thì T+0 đã ghi lỗ một khoản lớn.
Các cổ phiếu trụ bị đạp mạnh. Cùng là kéo ghì thị trường nhưng nếu "người anh em" VHM sáng nay đã cho thấy sức ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số thì tới chiều mới VIC trở thành "tội đồ" lớn nhất khi lực bán ở mã này trở thành nhân tố chính khiến Vn-Index mất hơn 15 điểm chỉ trong 30 phút đầu giờ chiều. Nhịp rơi mất hơn 2,7% của VIC đã khiến chỉ số mất gần 5 điểm nhanh chóng, cùng với đà bán ra theo ở các blue-chips khác khiến chỉ số tiếp tục tệ hơn.
So với mức cao nhất trong phiên, VIC đã có nhịp giảm tới 4,8%. Dù chốt phiên chỉ còn giảm 2,9%, mã này vẫn lấy đi hơn 1,5 điểm của VN-Index. Tính từ phiên ngày 8/2 đến nay, VIC đã tăng hơn 9%, nếu nắm giữ từ giai đoạn đó nhà đầu tư vẫn có lãi ở mã này song đối với nhà đầu tư mua từ sáng nay, gần 3% giá trị vốn đã sớm mất.
VIC vẫn chưa phải là mã lấy đi vốn của nhà đầu tư nhiều nhất trong nhóm blue-chips. Tính trong VN30 ở giá chốt phiên so với giá cao nhất trong phiên sáng, nhiều cổ phiếu còn có mức giảm trên 3% như TCH (-4,5%), STB (-4,2%), VPB (-3,4%), VRE (-3,2%), MSN (-3,2%), POW (-3,1%), VHM (-3%).
Những cổ phiếu lớn tăng tốt trong vài phiên vừa qua cũng bị bán vội trong nhịp giảm đột ngột chiều nay. Ví như GVR đã tăng trên 25% sau 7 phiên gần nhất (từ phiên 8/2) và dù giá giảm 3,68% trong phiên hôm nay, nhà đầu tư vẫn có lãi lớn nếu nắm giữ quá T+3, tuy nhiên sẽ là một cú đắng cho nhà đầu tư bắt giá cao ở mã này sáng nay bởi chốt phiên đã lỗ đến 6,1%.
Dù nhà đầu tư cố vớt vát bằng cách đặt mua giá đỏ trong phiên chiều song quá trình này không được thuận lợi khi hệ thống trên HSX nghẽn liên tục, dù tổng khớp lệnh sàn này riêng phiên chiều cũng đạt 6,824 tỷ đồng (ATC khớp 50 tỷ). Con số này nếu hệ thống thuận lợi sẽ còn cao hơn nữa. Tính trên cả 2 sàn, tổng giá trị khớp lệnh đạt 16.429 tỷ đồng.
Chốt phiên VN30 chỉ có 4 mã tăng điểm gồm CTG, REE, PLX và HPG. Mức giảm của các mã còn lại đưa chỉ số VN30 giảm 1,22%, trong khi khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 470 tỷ.
Cùng với VN30, các bộ chỉ số khác của nhóm Midcap và Smallcap cũng lần lượt giảm 1,27% và 0,83% đưa chỉ số chính VN-Index chốt giảm 1,33% tương đương 15,63 điểm về 1.162,01 điểm.
Trong khi các nhà đầu tư đều trông đợi chỉ số chinh phục vùng đỉnh 1.200 điểm thì lực bán với các lệnh đặt khối lượng lớn ở các mã blue-chips chiều nay cho thấy có sự đè giá ở các nhà đầu tư tổ chức.
Khối ngoại cho thấy động thái tháo chạy trong 3 phiên liên tiếp với lượng bán ròng đều ở mức cao. Phiên hôm nay, khối này lại bán ròng 684 tỷ trên HSX với việc xả mạnh SSI, VRE, VNM.
Tuy SSI bị khối ngoại bán ròng hơn 1,6 triệu đơn vị song nhóm ngành chứng khoán vẫn thuộc nhóm tích cực nhất trong phiên với số lượng mã tăng giá cao áp đảo lượng giảm giá dù bối cảnh thị trường hôm nay không thuận lợi. Nhóm ngân hàng tiếp tục được mua bán mạnh top đầu thị trường với các đại diện quen thuộc như STB, MBB, ACB.
Dù nhịp rơi đầu phiên chiều nay xuất phát từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng rõ ràng tâm lý nhấp nhổm bán cũng đang ngự trị khắp thị trường. Khi chỉ số giảm sâu, hàng loạt cổ phiếu cũng giảm theo. Sàn HSX đóng cửa với gần 110 cổ phiếu giảm trên 2% giá trị. Nếu không có tâm lý sẵn sàng bán ra thì việc ép trụ cũng không gây tác động lớn và điều đó đã được chứng mình từ chiều hôm qua.