16:00 23/02/2021

Dính kéo xả, nhiều blue-chips "bay màu" thành quả cả phiên

Kim Phong

Nhịp kéo lên đột ngột cuối đợt khớp lệnh liên tục đã đẩy giá nhiều mã lên khá cao, nhưng sau đó lại rơi tự do. Biên độ chao đảo hôm nay đã gia tăng đáng kể so với phiên trước do "quân chủ lực" toàn các mã lớn nhất

Sau phiên nghẽn lệnh về cuối phiên hôm qua, đầu sáng nay lực bán dồn mạnh đẩy hàng loạt cổ phiếu lớn giảm giá ngay từ đầu phiên. Trên cả 3 sàn, bên bán đều chiếm ưu thế. 

Chỉ số bị kéo xả liên hồi liên tục trong cả phiên sáng, có lúc giảm hơn 6,7 điểm. Lực bán vẫn tiếp tục chiếm ưu thế cho đến giữa phiên chiều, tiền mua đổ mạnh vào đặc biệt là nhóm cổ phiếu trụ đưa thị trường thăng hoa có lúc tăng hơn 9 điểm. 

Đây là tuần cuối cùng để MSCI Frontier Markets Index thực hiện giao dịch tái cơ cấu danh mục để chốt sổ cho danh mục mới hiệu lực vào đầu tuần sau, do đó GVR thăng hoa mạnh mẽ khi tăng mạnh ở cuối phiên sáng và chạm trần vào cuối phiên chiều nay. Đây cũng là mã đóng góp mạnh nhất cho chỉ số với hơn 2 điểm. 

Lật mặt liên tục trong hôm nay phải kể đến VIC khi sự lên xuống của mã này ảnh hưởng mạnh mẽ đến VN-Index. Trong nhịp rơi mạnh của cả thị trường vào đầu phiên chiều, tiền hốt hàng VIC đã đẩy mã này tăng gần 3% trong vòng hơn chục phút và tăng 3,9% so với giá thấp nhất trong phiên. Nhờ lực tăng lúc đó, VIC đã góp phần lớn trong việc đẩy VN-Index tăng cao đạt đỉnh của ngày ở 1.184,32 điểm. 

Cùng với VIC, các lệnh mua giá xanh ở các mã blue-chips khác cũng góp phần lớn trong việc đẩy chỉ số. Trong rổ VN30, so với mức giá đáy hôm nay, nhiều mã đã được đẩy tăng với biên độ rộng trên 4% như VPB, TCB, VJC, SSI, MWG. 

Dính kéo xả, nhiều bluechips "bay màu" thành quả cả phiên - Ảnh 1.

Đà kéo xả ở VIC trong phiên tác động mạnh đến chỉ số VN-Index.

Tuy nhiên nhịp tăng này cũng chỉ là một nhịp kéo mạnh để xả, lực mua chưa đủ mạnh để chỉ số chinh phục vùng đỉnh. VIC ngay lập tức rớt giá mạnh khiến chỉ số lao đao. Cùng chiều, nhiều mã cũng leo lên đỉnh của ngày rồi nhanh chóng mất giá mạnh trong nhịp giảm ở 15 phút cuối phiên. Dù đã được đỡ giá nhờ ATC song chốt phiên, VPB vẫn mất hơn 2% giá trị so với mức cao nhất trong nhịp kéo hơn 9 điểm của chỉ số, chốt ở giá đỏ với mức giảm 1,1%. Cùng với đó, nhiều cổ phiếu trụ cũng bay sạch thành quả một cách nhanh chóng như FPT, MSN, PLX, REE, TCH với mức giảm chốt phiên hơn 1,9% so với mức giá ở vùng đỉnh ngày. 

Tính đến cuối, VN30 có 14 mã tăng giá, 15 mã giảm giá và NVL đứng giá. Với ảnh hưởng mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu trụ, Vn30 hôm nay tiếp tục test đỉnh mới và trở thành giá đỡ của chỉ số chính. Cuối phiên, chỉ số VN30 tăng 0,16% với giá trị khớp lệnh 7.602 tỷ đồng, trong khi VNIndex đóng cửa ở 1.177,64 điểm, tăng 2,6 điểm (+0,22%) với giá trị khớp lệnh 14.300 tỷ đồng. 

Ở chiều hướng tích cực, nhóm ngân hàng dù VCB duy trì giá đỏ cho đến cuối ngày nhưng các mã khác đều có diễn biến tích cực từ đầu phiên. Đặc biệt là TCB khi có mức tăng mạnh nhất ngành với hơn 3,1% và tiếp tục vượt đỉnh lịch sử. Cùng với MBB và STB, 3 mã ngân hàng này thuộc top cổ phiếu được giao dịch mạnh mẽ nhất phiên với hơn 24 triệu đơn vị được khớp. 

Bên cạnh đó là nhóm dầu khí tiếp tục thăng hoa khi hầu hết các dòng họ P đều tăng giá ngoại trừ PLX được chốt lời sau chuỗi tăng khá dài và gần chạm mức đỉnh hồi giữa tháng 1 vừa qua. 

Hai nhóm ngành trên được hỗ trợ tích cực bởi thông tin hợp đồng tương lai dầu thô tăng mạnh trở lại trên 65 USD và việc JP Morgan ra báo cáo đánh giá cổ phiếu ngân hàng đang thuộc nhóm hấp dẫn nhất để nắm giữ trong khu vực. 

Cùng với đó, dòng tiền mới quay lại tìm đến nhóm cổ phiếu chứng khoán. VIX tăng trần trong cả ngày hôm nay trong khi phần lớn cổ phiếu ngành này cũng được hưởng lợi với mức tăng tốt, nhiều mã có nhịp tăng trên 4% so với tham chiếu như MBS (5,6%), BVS (4,9%), PSI (4,3%), WSS (4,3%). Ngoài ra, hai đại diện ngành hàng không đồng loạt bật tăng hôm nay với VJC (+1,82%) và HVN (+4%). 

Trong diễn biến kéo xả hôm nay, khối ngoại lại tiếp tục bán mạnh. Khối này bán ròng 395 tỷ ở nhóm VN30 và bán ròng hơn 700 tỷ trên HSX, trong đó bán mạnh nhất VNM với giá trị hơn trăm tỷ. CTG, HPG và HSG cũng bị bán ra đáng kể.