11:37 06/11/2017

Tội phạm quản lý kinh tế giảm, tham nhũng tăng

Nguyên Vũ

Ngược lại với xu hướng giảm của tội xâm phạm quản lý kinh tế, tội phạm tham nhũng lại tăng cao cả về số vụ lẫn số bị can

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Chính phủ cho biết số bị can bị khởi tố về tội tham nhũng tăng hơn so với năm trước, nhưng Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng vẫn chưa tương xứng với thực tế.

Cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng lưu ý một vấn đề Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cần đặc biệt quan tâm, đó là còn để xảy ra một số đối tượng có dấu hiệu phạm tội trong các vụ án lớn, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.

479 bị can bị khởi tố tội tham nhũng

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: trong năm, lực lượng chức năng đã khởi tố 220 vụ, 479 bị can về tội tham nhũng, nhiều hơn 22,8% số vụ và 28,07% số bị can so với năm 2016.

Theo Chính phủ, năm 2017 các loại tội phạm đã được kìm chế, kéo giảm đáng kể, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 2017 đã đạt nhiều kết quả tích cực, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã khởi tố điều tra 40.497 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội với 58.983 bị can, giảm 5,48% số vụ và giảm 8,08 số bị can so với năm 2016. Tuy nhiên, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lưu manh côn đồ có hung khí vẫn xảy ra ở một số nơi. Đáng chú ý, sự gắn kết, đan xem giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma túy; tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp; tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động xảy ra ở một số địa phương.

Bộ trưởng cho biết đã phát hiện, khởi tố điều tra 854 vụ, 1.491 bị can về tội xâm phạm quản lý kinh tế, ít hơn 33,49% số vụ, 26,27% bị can so với năm 2016.

Ngược lại với xu hướng giảm của tội xâm phạm quản lý kinh tế, tội phạm tham nhũng lại tăng cao cả về số vụ lẫn số bị can với 220 vụ, 479 bị can, tăng 22,8% số vụ và 28,07% số bị can so với năm 2016. Tội phạm về chức vụ đã khởi tối 22 vụ, 803 bị can, ít hơn 8,35% số vụ nhưng lại nhiều hơn 66,13% bị can.

Tội phạm về môi trường đã khởi tố điều tra 348 vụ, 409 bị can, nhiều hơn 19,15% số vụ, 20,29% số bị can so với năm 2016. Tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khởi tố điều tra 197 vụ, 339 bị can, ít hơn 9,22% số vụ và 27,18% bị can so với năm 2016.

Riêng tội phạm về ma túy vẫn tiếp tục tăng, đã khởi tố điều tra 16.923 vụ, 20.791 bị can, nhiều hơn 10,13% số vụ, 8,47% số bị can so với năm 2016, thu giữ số lượng lớn ma túy. Theo Thượng tướng Tô Lâm, tội phạm vận chuyển ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên các địa bàn trọng điểm. Đặc biệt đã phát hiện một số vụ việc sản xuất ma túy tổng hợp ngay trong nước.

Lo tội phạm có tổ chức

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm. Đó là mặc dù số vụ phạm pháp hình sự và số người phạm tội giảm, nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng và diễn biến phức tạp. Như, số vụ giết người tăng 1,44%, tội phạm môi trường tăng 19,18%, tội phạm về ma túy tăng 10,13% với diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm...

Các vụ án giết nhiều người, đặc biệt là các vụ giết người thân trong gia đình tăng 5,66%, với thủ đoạn dã man, tàn bạo, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống của một số đối tượng, gây bức xúc trong xã hội.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương gây lo lắng trong dư luận (phát hiện 446 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng 5,19%, 8 vụ cưỡng dâm trẻ em, tăng 14,29%), chưa kể còn nhiều trường hợp có đơn tố giác các hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng cơ quan chức năng chưa có đủ chứng cứ để chứng minh.

Việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em còn chậm; các cơ quan tư pháp và các cơ quan có trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc phòng, chống loại tội phạm này.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, tội phạm có tổ chức, nhất là băng, nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tranh giành địa bàn hoạt động vẫn có dấu hiệu phức tạp.

Đáng chú ý là hoạt động của các băng nhóm thanh thiếu niên tụ tập, thanh toán lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng; tình trạng hành hung y, bác sỹ và nhân viên y tế đang có dấu hiệu gia tăng, đáng báo động trong thời gian gần đây.