07:45 22/06/2007

“Tôi sẽ theo đến cùng vụ kiện nhà sản xuất nước tương”

Hỏi chuyện ông Hà Hữu Tường, nguyên đơn đòi 17 cơ sở sản xuất nước tương có 3-MCPD bồi thường thiệt hại

Thất vọng vì nước tương có 3-MCPA, nhưng chưa có người tiêu dùng đòi nhà sản xuất bồi thường thiệt hại.
Thất vọng vì nước tương có 3-MCPA, nhưng chưa có người tiêu dùng đòi nhà sản xuất bồi thường thiệt hại.
Ông Hà Hữu Tường, nguyên đơn đòi 17 cơ sở sản xuất nước tương có 3-MCPD bồi thường thiệt hại, quả quyết sẽ gõ cửa tới từng người tiêu dùng để xin chữ ký ủy quyền.

>>“Chưa thụ lý đơn vụ kiện nước tương chứa độc tố”

Có thông tin hôm qua tòa án đã trả lại hồ sơ, không tiếp nhận đơn khởi kiện của ông. Phản ứng của ông như thế nào?

Đấy là báo chí nói, còn hiện tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức của tòa về việc thụ lý vụ kiện. Tòa đã hẹn tôi 10h sáng 22/6 đến để giải quyết.

Trong trường hợp tòa bác đơn khởi kiện, kế hoạch tiếp theo của ông ra sao?

Thực ra khi tôi gửi đơn kiện đã biết có thể tòa không thụ lý vì hồ sơ của tôi chưa hoàn chỉnh ở chỗ chưa có ủy quyền của nhiều người tiêu dùng, danh sách bị đơn, tiếp theo sau này là chứng minh thiệt hại. Tuy nhiên tòa yêu cầu bổ sung gì, tôi sẽ làm tiếp. Tùy theo tòa hướng dẫn khởi kiện ở đâu, tôi sẽ làm như vậy.

Tôi nghĩ không khó để xin chữ ký ủy quyền của người tiêu dùng. Trước mắt không có điều kiện tiếp xúc với nhiều người thì chỉ cần những người thân, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng... ký tên vào giấy là đủ. Sau đó tôi sẽ mở rộng việc lấy chữ ký.

Cái khó là làm sao chứng minh được thiệt hại. Tôi cũng đã chuẩn bị một số trường hợp người bệnh ung thư, trong đó có liên quan đến sử dụng lâu dài nước tương. Hiện nay chưa thể tiết lộ được danh tính những người này, nhưng cái khó là chứng minh thiệt hại có liên quan đến nước tương nên tôi mong có sự vào cuộc hỗ trợ của các nhà khoa học, chuyên gia, cả người tiêu dùng.

Ngày 22/6 tôi cũng sẽ làm lại đơn khiếu nại gửi Văn phòng Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam để đề nghị cùng lên tiếng vì quyền lợi của hàng triệu con người. Tôi cho rằng đã đến lúc Hội Bảo vệ người tiêu dùng phải vào cuộc, phải thực hiện trách nhiệm của mình là bảo vệ người tiêu dùng một cách cụ thể.

Tôi sẽ đề nghị Hội đại diện người tiêu dùng tham gia vào vụ kiện. Nhưng nếu Hội không đồng ý, chúng tôi sẽ đi gõ cửa từng nhà để xin chữ ký và vận động tham gia.

Biết là có thể thất bại, vô vọng, khó khăn, nhưng tại sao ông muốn tiến hành vụ kiện này?

Tôi muốn tạo một tiền lệ người tiêu dùng đi kiện nhà sản xuất vì phải sử dụng hàng hóa kém chất lượng. Ở Việt Nam đã xảy ra rất nhiều vụ sai phạm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm kém ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, song cho đến giờ chưa có một ai đứng ra khởi kiện nhà sản xuất.

Luật pháp cho phép người dân bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của mình mà không có ai sử dụng quyền đó. Tòa án cũng chưa bao giờ xử một vụ kiện nào tương tự. Tại sao như vậy? Việc dân ta lơ là quyền tự bảo vệ của mình trước hàng hóa kém chất lượng chỉ làm cho ta thiệt thòi.

Tôi khởi kiện các nhà sản xuất nước tương chỉ vì quyền lợi chung của xã hội, rằng có một công dân là người tiêu dùng chính thức đòi pháp luật bảo vệ cho mình.

Người thân, đồng nghiệp, cơ quan ông nói gì về việc khởi kiện của ông?

Cơ quan tôi có hơn 30 người thì cũng chia làm 2 chiều ý kiến: ủng hộ nhiều mà bảo rằng kiện không đi tới đâu cũng không ít. Sếp trực tiếp của tôi cũng nói hoan nghênh việc làm của tôi miễn là không ảnh hưởng đến công tác. Ngày mai, cơ quan quản lý cấp thành phố của cơ quan tôi cũng mời tôi lên làm việc về sự vụ này.

Tôi nghĩ mình không làm gì sai để ảnh hưởng đến cơ quan nên không có gì phải lo ngại. Trường hợp xấu nhất là bị cơ quan phê bình hay kỷ luật, tôi cũng chấp nhận. Tôi cũng không vi phạm kỷ luật gì đến mức bị sa thải.

Gia đình tôi thì ủng hộ. Thậm chí một nhóm bạn bè tôi cũng là luật sư đã hưởng ứng đến mức sẵn sàng tham gia vụ kiện không vụ lợi. Chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian rảnh rỗi để điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ cho vụ kiện, hơn là ngồi nhậu hoặc tán dóc với nhau.

Có rất nhiều thắc mắc về cơ sở ông tính ra khoản bồi thường 30 tỷ đồng, tiền tạm ứng án phí để tòa thụ lý hồ sơ cũng rất cao?

Thực ra khi tính mức bồi thường, tôi cũng đưa ra một cách cảm tính trên cơ sở hàng triệu người tiêu dùng bị thiệt hại bởi nước tương có 3-MCPD. Hôm qua, nhân viên tòa án tiếp nhận hồ sơ của tôi đã ước tính khoản tạm ứng án phí cho 30 tỷ đồng là chừng 57 triệu đồng. Đúng là số tiền này quá cao, thu nhập của tôi thì không thể bỏ tiền túi ra được.

Tôi cùng với mấy người bạn luật sư đang tính đến phương án sẽ giảm quy mô vụ kiện xuống thành đại diện một vài trường hợp bệnh nhân bị ung thư khởi kiện 1, 2 nhà sản xuất nước tương. Như vậy, mức yêu cầu bồi thường sẽ thấp khoảng vài chục triệu đồng, dự án phí cũng nhẹ bớt.

Cái chính, tôi nhấn mạnh, vụ kiện này vì muốn tạo tiền lệ cho người tiêu dùng đi kiện nhà sản xuất nên giá trị bồi thường không là mục đích chính.

* Ông Hà Hữu Tường 28 tuổi, tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2002, từng tham gia tình nguyện chiến dịch mùa hè xanh thời đại học, làm công tác từ thiện, giúp đỡ người khó khăn neo đơn lúc có điều kiện. Vào định cư ở Tp.HCM 2 tháng nay, ông là cán bộ thi hành án ở quận 8. Trước đó, ông làm quản lý một resort 3 sao tại Hà Nội.